Titan giống Trái Đất thời sơ khai nhưng khác về thành phần
Để có được kết luận này, các nhà khoa học đã phải mất gần một năm phân tích các dữ liệu do tàu thám hiểm Huygens của ESA truyền về Trái Đất trong sứ mệnh thăm dò bầu khí quyển, thành phần và quang cảnh bề mặt Titan.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Paris (Pháp), các nhà khoa học cho biết bầu khí quyển quanh Titan là một lớp sương mù màu da cam đậm đặc khí nitrogien và metan. Lớp sương mù này chuyển động không ngừng vì gió mạnh (tới 450 km/giờ), khiến Titan trông giống như "một quả cầu luôn sẵn sàng bốc cháy", nhưng không cháy được do không có oxy.
Bề mặt của Titan có kết cấu gồm đất ẩm xen lẫn các khối băng cứng như đá vì nhiệt độ nơi đây thấp đến -180 độ C. Nhiệt độ này cho phép các trận mưa metan trút xuống bề mặt Titan, tạo ra các hồ và sông metan trên vệ tinh của sao Thổ.
Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng bề mặt Titan về cơ bản là bằng phẳng ngoại trừ các hồ và sông khí này. Theo các nhà khoa học, Titan giống Trái Đất thời sơ khai về các quy luật hoạt động vật chất và hóa học nhưng khác về thành phần, đặc biệt là không có nước lỏng, điều kiện tiên quyết để tổn tại sự sống, mà chỉ có nước đóng băng.
Một chuyên gia tham gia dự án này đưa ra giả thiết có thể đã từng tồn tại sự sống ở rất sâu bên dưới lớp băng cứng như đá trên bề mặt Titan.
Trong một nghiên cứu cũng đăng trên tạp chí "Tự nhiên", một nhà thiên văn Mỹ đã đưa ra nhận xét tương tự về mặt trăng Titan. Nhà khoa học này cho rằng mặt trăng Titan "đóng băng" ngay từ thời kỳ đầu chứ không tiếp tục phát triển như Trái Đất do thiếu các thành phấn cơ bản như ánh sáng, hơi nóng và nước vì ở quá xa Mặt Trời.
Nguồn: tintuconline.vietnamnet.vn 4/12/2005