Tính ưu việt của vệ sinh sinh thái và triển vọng của Việt Nam
Gần đây, trên thế giới đã hìnht hành một phương thức tiếp cận mới trong vệ sinh môi trường, đó là vệ sinh sinh thái. Mô hình này đảm bảo sự cân bằng và phù hợp giữa nhu cầu và khả năng, dựa trên sự phát huy tối đa vai trò của người sử dụng phục vụ vệ sinh, bao gồm cả thoát nước, xử lý nước thải. Mô hình dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Ngăn ngừa ô nhiễm hơn là xử lý ô nhiễm sau khi đã xảy ra; Tách riêng nước tiểu và phân; Sử dụng các sản phẩm một cách an toàn để phục vụ cho nông nghiệp, cây trồng.
Theo hướng tiếp cận này, nước tiểu, phân được tách và xử lý riêng để loại bỏ những sinh vật gây bệnh rồi đưa đi sử dụng. Các chất dinh dưỡng chứa trong phân và nước tiểu có thể xử lý hay tái chế và sử dụng trong nông nghiệp. Một bộ phận quan trọng của vệ sinh sinh thái là hố xí để phân chia và lưu giữ riêng nước tiểu và phân trước khi thu hồi và tái sử dụng.
Khái niệm vệ sinh sinh thái là một chu trình kín của các chất dinh dưỡng chứa trong nước thải với nông nghiệp. Ngoài việc cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp, vệ sinh sinh thái còn góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm địa phương, một vấn đề rất quan trọng trong nhiều nước đang phát triển.
Đặc trưng cơ bản của vệ sinh sinh thái là ngăn ngừa ô nhiễm và bệnh tật liên quan đến phân người, quản lý nước tiểu và phân như một nguồn tài nguyên hơn là chất thải và phải thu hồi, tái chế, tái sử dụng các chất dinh dưỡng trong đó.
Nếu vệ sinh sinh thái được xã hội hóa, nó sẽ cho nhiều ưu điểm đối với các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, các hộ gia đình cũng như đô thị và chính quyền đô thị. Trong hệ thống vệ sinh sinh thái, việc tách phân và nước tiểu cũng như xử lý phân trong điều kiện kỵ khí là rất phù hợp và có hiệu quả. Như vậy, vệ sinh sinh thái không chỉ sản sinh ra năng lượng ở dạng khí sinh học, mà còn đảm bảo tái sử dụng chất dinh dưỡng một cách vệ sinh, an toàn cũng như bảo vệ nguồn nước. Phân có khả năng lên men và tạo khí sinh học. Vì vậy, việc tách riêng ngay tại nguồn là giải pháp tốt để cải thiện hệ thống vệ sinh.
Hệ thống vệ sinh sinh thái khác hệ thống vệ sinh truyền thống ở chỗ, hệ thống vệ sinh sinh thái không chỉ kiểm soát được một cách trực tiếp các nguy cơ về vệ sinh một cách trực tiếp các nguy cơ về vệ sinh đối với dân chúng, mà còn bảo vệ được môi trường thiên nhiên: trong thực tế; chiến lược vệ sinh sinh thái được áp dụng sẽ đảm bảo cho việc thu gom, xử lý riêng biệt phân, nước tiểu và nước xám, do đó sẽ giảm thiểu được nhu cầu dùng nước.
Hệ thống vệ sinh sinh thái bền vững sẽ bảo tồn được sự cân bằng tự nhiên vốn có. Hiện nay, tại Việt Nam , vấn đề xử lý nước thải còn khá mới mẻ, kể cả trong công tác tư vấn, thiết kế, xây dựng cũng như vận hành quản lý. Mặc dù, hàng loạt các dự án thoát nước, vệ sinh cho các đô thị bắt đầu được nghiên cứu triển khai, các hệ thống thu gom, chia tách nước thải, các trạm xử lý nước thải cho đô thị đã được đặt vào trong các dự án. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn rất mới mẻ và số lượng còn quá ít ỏi nên tác dụng cũng như hiệu quả chưa đáng kể. Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quốc gia về Kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010 đã được ban hành việc điều tra, thống kê xử lý và quản lý được 70% các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải nói chung trên toàn quốc; Tăng cường mạnh mẽ năng lực kiểm soát ô nhiễm môi trường và xử lý chất thải, đặc biệt chất thải ở những vùng kinh tế trọng điểm, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và lưu vực sông. Với nhiệm vụ trên, chúng ta có thể hy vọng các ý tưởng về vệ sinh sinh thái xử lý nước thải tại chỗ và phân tán quy mô nhỏ sẽ được thực hiện ở các dự án trong tương lai gần.