Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 07/04/2006 01:05 (GMT+7)

Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn

Có những tư tưởng rất vang dội lúc khởi xướng, được tung hô ồn ào, nhưng rồi sau đó lại tàn lụi đi rất nhanh, chết yểu trong quên lãng, bặt vô âm tín, chẳng còn để lại dấu vết gì trong đời sống.

Có những tư tưởng khác có đời sống dài hơi hơn, là động lực của một giai đoạn lịch sử nhất định, gây ảnh hưởng trên một diện rộng đáng kể. Chúng là những khâu mắc trong dòng tiến hoá của tư tưởng xã hội. Khi đã làm xong vai trò của mình, chúng trao lại sứ mệnh đã hoàn thành cho những cái mới khác ra đời, thay nhau liên tục tạo nên động lực không ngừng của dòng chảy đời sống.

Song thỉnh thoảng cũng lại có điều kỳ lạ hơn: có những tư tưởng có sức bền lạ lùng trước thử thách của thời gian, nhà kiểm duyệt vô tư và khắc nghiệt. Nó vượt qua không phải năm mười năm, cũng không phải năm bảy chục năm, mà đi xuyên qua cả mấy thời đại, giữ nguyên giá trị; thậm chí như ngọc nguyên chất, càng chịu sự mài dũa của thời gian lại càng sáng; hoặc cũng có trường hợp đáng lạ hơn nữa; nó có thể chìm đi trong một thời gian, lắm khi khá dài, rồi đến một lúc nào đó lại bật sáng lên rực rõ trong tình hình mới, trở nên hết sức “cập nhật”, gần như là được khám phá lại và ngày càng bộc lộ tất cả tầm lớn và chiều sâu tưởng chừng như vô tận của nó.

Rất có thể Phan Châu Trinh là một tác giả của những tư tưởng như vậy. Càng lùi xa, rõ ràng chúng ta càng thấy ông cao lớn hơn; và trong những ngày này, khi đang xử lý lắm khi khá lúng túng những câu hỏi nổi cộm trong đời sống xã hội của mình, chúng ta bỗng thấy những tư tưởng của ông cứ gần như là những câu trả lời hiện đại một cách lạ lùng cho chính những câu hỏi đó. Càng ngày chúng ta càng thấy ông quả thật là một hiện tượng lớn của lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, và chắc hẳn việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của ông là một công việc còn phải được tiếp tục một cách nghiêm túc, lâu dài, đồng thời cũng là một công việc cấp thiết, bởi tính cập nhật lạ lùng của nó.

Như chúng ta đều biết, do những điều kiện lịch sử đặc thù, vào khoảng đầu thế kỷ XX, Quảng Nam đã là một trung tâm nóng bỏng của công cuộc tìm đường cứu nước vô cùng quẫn bách và thống thiết, sau những thất bại đau đớn của phong trào Cần Vương (mà chính Quảng Nam cũng là một trong những trung tâm quan trọng nhất).

Phan Châu Trinh lớn lên và bước vào cuộc đời hoạt động trong chính tình hình đó. Ông ra Huế năm 1902, nhận làm một chức quan nhỏ trong bộ Lễ. Chắc chắn ông không hề có ý đeo đuổi con đường hoạn lộ. Ông ra Huế là muốn đến đúng giữa trung tâm văn hoá chính trị quan trọng nhất của đất nước hồi bấy giờ, nơi cũng đang có mặt những bậc đại trí của dân tộc, trong đó có cả nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu. Chính ở Huế, cùng các bạn đồng chí, ông đã được tiếp xúc với các “tân thư”. Và trong các bậc đại trí được tiếp xúc với các tân thư thời bấy giờ, ông là người bị lay chuyển dữ dội nhất, sâu sắc nhất, đi đến quyết tâm thay đổi cơ bản và sắt đá nhất, đi đến một đường lối cứu nước mới mẻ triệt để và nhất quán nhất.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nói về chuyển biến tư tưởng có ý nghĩa quyết định đó của Phan Châu Trinh như sau:

“Sau khi phong trào Cần Vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hoá xã hội Việt Nam, cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa của sự thua kém về văn hoá xã hội của xã hội ta so với phương Tây đã đưa đến mất nước, bị đô hộ ngày càng khốc liệt…”Phân tích này của Hoàng Xuân Hãn là hết sức quan trọng. Khác với tất cả các bậc thức giả, các nhà yêu nước đương thời, Phan Châu Trinh là người đầu tiên đi tìm và tìm thấy nguyên nhân sâu xa “đã đưa đến mất nước và bị đô hộ ngày càng khốc liệt” không phải ở đâu khác mà là chính ở trong văn hoá, ở “những nhược điểm cơ bản về văn hoá xã hội của xã hội ta so với phương Tây”. Đây là một chuyển biến có ý nghĩa cách mạng trọng phương hướng tìm đường cứu nước - mà trước hết và quan trọng nhất là tìm đúng nguyên nhân mất nước và thất bại đau đớn của tất cả các phong trào cứu nước trước đó mặc dầu vô cùng anh dũng, lẫm liệt - một nhận thức có tính cách mạng và hết sức cơ bản không chỉ về con đường cứu nước, mà về lâu dài, cả về con đường phát triển của dân tộc.

“Huỳnh Thúc Kháng, một trong hai người đồng chí tâm huyết nhất của Phan Châu Trinh - cùng với Trần Quý Cáp - đã hiểu rất thấu đáo tầm mức và chiều sâu cơ bản này trong sự chuyển biến về tư tưởng và đường lối của Phan Châu Trinh, khi ông gọi Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”).

Phan Châu Trinh cho rằng sở dĩ chúng ta thua Pháp, mất nước, là vì chúng ta thua họ một thời đại.

Suốt mấy nghìn năm lịch sử trước đó, trong tất cả các cuộc chống xâm lược của Trung Hoa, rất nhiều lần chúng ta đã phải ở trong những tình thế chênh lệch lực lượng rất hiểm nghèo mà bất lợi luôn nghiêng về phía ta. Song dầu có chênh lệch đến mấy về lực lượng, thì giữa chúng ta và họ vẫn là đồng đại. Đấy đều là những cuộc xâm lược và chống xâm lược trong nội bộ của chế độ phong kiến phương Đông. Lần này khác hẳn: chúng ta đối đầu với những lực lượng cao hơn hẳn chúng ta cả một thời đại. Sự thất bại là tất yếu.

Trước đó, Phạm Phú Thứ là một trong những người đầu tiên đã manh nha nhận ra vấn đề bức bách này: chúng ta lạc hậu quá xa so với đối phương về khoa học kỹ thuật. Và với tính cách đặc trưng của người Quảng, khi đã nhận ra chân lý thì quyết liệt tận tuỵ đến cùng với chân lý đã khám phá, ông là một nhà canh tân sớm nhất của nước ta, vừa là một nhà lý thuyết vừa là một nhà thực hành xuất sắc, một nhà cai trị tài ba toàn diện, thậm chí trong một chừng mực nhất định có thể coi là nhà khoa học thực nghiệm đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên – và cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở ông - dẫu sao tư duy của ông cũng chỉ mới dừng lại ở nhận thức phải ra sức học khoa học kỹ thuật phương Tây để có thể đuổi kịp họ, không bị đè bẹp bởi sức mạnh khoa học kỹ thuật của họ.

Phan Châu Trinh cũng suy nghĩ so sánh với phương Tây, nhưng sự so sánh của ông được đặt ở một tầm mức cao rộng hơn nhiều. Ông nhận ra sự lạc hậu về văn hoá cả một thời đại của chúng ta so với đối phương. Ông hiểu rằng đối mặt với phương Tây là chúng ta đối mặt với cả một thời đại khác về văn hoá, mới mẻ và tân tiến. Muốn cứu nước, phải khắc phục chính cái khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc mình, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại mới, để từ đó, trong cuộc đối đầu, đọ sức với họ, giữa ta với họ là những đối thủ bình đẳng, ngang bằng nhau về thời đại. Đây là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy. Về ý nghĩa, nó đưa công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính thức bước sang thời kỳ hiện đại. Nó chủ trương tạo nên một cơ sở văn hoá xã hội mớicó ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam .

Như vậy, không những so với chủ trương canh tân của Phạm Phú Thứ đây là một bước phát triển mới về vật chất, mà thậm chí so cả với Nguyễn Lộ Trạch, là người đã xướng lên tuyên ngôn nổi tiếng Thiên hạ đại thế luận, coi việc canh tân không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là một học thuyết chính trị xã hội, thì chủ thuyết của bộ ba Quảng Nam gồm có Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, mà Phan Châu Trinh là người đứng đầu, cũng có sự khác nhau về cơ bản. “Bởi vì với Nguyễn Lộ Trạch chỉ là chấp nhận một phương thức đổi mới, cải cách trên một xã hội cũ. Còn với Phan Châu Trinh là chấp nhận hoạt động cho một lý tưởng cách mạng, chính trị, xã hội, văn hoá để phục vụ cho Dân, đánh đổ ngai vàng của vua, đưa dân lên ngai vàng ấy trong xã hội mới” (1).

Hoàng Xuân Hãn đã tỏ ra rất sâu sắc khi gọi phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh là “một cuộc cách mạng tân văn hoá”.

Phan Châu Trinh nêu ra ba nội dung cơ bản của phong trào duy tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khoá là dân trí. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu. “Làm thế nào tạo được một số đồng chí (để rồi từ đó tạo được trong toàn dân, điều mà quả thực ông đã làm được một cách tuyệt vời) dám có cái nhìn đảo lộn ngai vàng, đảo lộn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền, đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán vào một thời xã hội còn tối ngòm ngòm”(2).

Tức chìa khoá của ông là “khai dân trí” (mở mang dân trí) – ông là người có niềm tin khổng lồ vào tri thức của con người, con người có tri thức mới thì sẽ có thể làm nên tất cả, có thể lay trời chuyển đất.

Trong chỗ này có một điều cần chú ý: Phan Bội Châu cũng đã nói đến vấn đề dân trí. Trong Lưu cầu huyết lệ tân thư, ông đề ra “những kế hoạch sẽ cứu cấp đồ tồn” là:

1. Mở trí khôn cho dân (khai dân trí)

2. Nhức nhối khí dân (chấn dân khí)

3. Vun trồng nhân tài (thực nhân tài)

Như sự khác nhau lớn giữa hai vị họ Phan là về vai trò của nhân dân. Đúng như Nguyễn Văn Xuân nhận định: “Chính từ chủ trương nhân dân tham gia việc nước mà Phan Châu Trinh luôn luôn không gặp và phản đối chủ trương của Phan Bội Châu” (3).

Vậy quan niệm “con người có tri thức mới” đây, đối với Phan Châu Trinh phải là nhân dân, toàn dân có tri thức mới (chứ không phải một số ít “nhân tài”, đương nhiên ông không hề coi thường vai trò của nhân tài).

Và “tri thức mới” đó trong quan niệm của ông là gì? Ông khẳng định rất quyết liệt: đó là hiểu biết về Dân quyền (ngày nay ta gọi là dân chủ), người dân biết rằng mình có quyền, biết rõ các quyền của mình trong xã hội, trong cuộc sống, trên đất nước, trước thế giới. Theo cách nói ngày nay, có thể nói ông cho rằng điều cơ bản để tạo nên sức mạnh lay trời chuyển đất là dân chủ về thông tin(“Dân biết”), trao thông tin về những quyền của nhân dân cho chính nhân dân. Ông coi đó là nền tảng cơ bản, là cơ sở của độc lập tự chủ, của vận mệnh đất nước, của tiến bộ xã hội, của hạnh phúc nhân dân, là nội dung và ý nghĩa chủ yếu của độc lập dân tộc, và cũng là sức mạnh vô địch để khôi phục và giữ vững nền độc lập. Thậm chí, ông còn cho rằng nếu có thoát khỏi tay ngoại bang, giành được độc lập, mà không có dân quyền, không có dân chủ, dân trí thấp, người dân không giác ngộ về quyền dân chủ của mình và sử dụng có hiệu quả quyền đó để làm chủ đất nước, xã hội, thì cũng là vô nghĩa, nhân dân không thể có hạnh phúc, đất nước không thể phát triển và như vậy nền độc lập dân tộc cũng không thể vững chắc.

Do tư tưởng và chủ trương nhất quán đó mà phong trào duy tân của bộ ba Quảng Nam thực chất là một cuộc vận động cách mạng cơ bản và sâu sắc như ta đã thấy, lại chủ yếu là một cuộc vận động cải cách giáo dục rộng lớn và thật kỳ lạ về nhiều mặt.

Quả thật, vào đầu thế kỷ XX, Quảng Nam đã là trung tâm của một cuộc cải cách giáo dục, thậm chí có thể gọi không sai là một cuộc cách mạng về giáo dục rộng lớn, sâu sắc, cơ bản, chưa từng có trước đó (và về sau này, rất nhiều khi chính chúng ta ngày nay không còn theo kịp, đã đánh mất kinh nghiệm và truyền thống, đến mức đi chệch hướng…)

Kỳ lạ: - Cuộc cách mạng giáo dục đó được tiến hành ngay dưới một chế độ thực dân hết sức tàn bạo, khắc nghiệt, giữ được thế hợp pháp của nó một cách tuyệt vời;

- Khác với Đông Kinh nghĩa thục chủ yếu tập trung vào “giới tinh hoa” (élite) của xã hội, cuộc vận động giáo dục mới ở Quảng Nam, và sau đó lan ra khắp Trung kỳ, ảnh hưởng lớn đến cả nước, chủ yếu nhằm vào quảng đại quần chúng, những tầng lớp lao khổ và tối tăm nhất của xã hội, và thấm sâu đến những hang cùng ngõ hẻm nhất của xứ sở, đánh thức dậy cả một xã hội; có đến cả gần trăm trường học ở khắp nông dân xứ Quảng, trong một chừng mực nào đó đã tạo nên cái mà ngày nay ta vẫn gọi và mong ước có được: “Một xã hội học tập”;

- Nội dung của nó mới mẻ và toàn diện đến mức ngày nay còn khiến chúng ta kinh ngạc: học văn, học toán, học “cách vật trí tri” (Khoa học tự nhiên), học kỹ thuật (học làm nghề), học tiếng Pháp, tiếng Nhật, học kinh tế (học đi buôn), học đạo đức, học quản lý xã hội, học quân sự. Nội dung giáo dục mới đi đôi và trực tiếp đưa đến một lối sống mới, tân tiến trong toàn xã hội: cắt tóc ngắn, ăn mặc gọn gàng, đưa chữ Quốc ngữ lên ngôi, tổ chức nhân dân tự quản xã hội. Thậm chí, có nơi như ở làng Phú Lâm của Lê Cơ, tri thức đạt được trong giáo dục đã được đem ra thực thi ngay tại chỗ, nông thôn được tổ chức theo một lý thuyết xã hội mới, tân tiến một cách kỳ lạ so với thời bấy giờ… Đây thật sự là một cuộc cách mạng cả về tư duy về giáo dục, nguyên lý giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, mục đích giáo dục, cách tạo ra con người mới, tổ chức xã hội mới.

Đặc biệt, công cuộc cải cách giáo dục này là một tuyên ngôn và một hành động dứt khoát, quyết liệt “đảo lộn ngai vàng, đảo lôn quý tộc, đảo lộn Khổng Mạnh, đảo lộn đặc quyền, đảo lộn phương thức sinh hoạt, phong tục tập quán” cũ, đảo lộn lối học từ chương lạc hậu kéo dài hàng nghìn năm, thiết lập một tư tưởng và một trào lưu giáo dục hết sức tân tiến: thực học, học để phục vụ xã hội, học để làm nghề, học để đi buôn. Một nền giáo dục thật sự hiện đại, còn nguyên ý nghĩa thời sự nóng bỏng đối với chúng ta ngày nay, thậm chí, nếu chúng ta thật sự trung thực, thì phải đem đối chiếu với nền giáo dục đã có quá nhiều mặt tiêu cực của chúng ta hiện nay, và có sự “tự phê bình” nghiêm túc trước cha ông.

Và lịch sử phong trào duy tân được khởi xướng lên đầu tiên và được thực hiện một cách độc đáo như vậy ở Quảng Nam do bộ ba đặc sắc Quảng Nam đứng đầu là Phan Châu Trinh đã cho chúng ta được chứng kiến một hiện tượng kỳ vĩ: chỉ có một nhận thức về văn hoá thôi, chỉ một tư tưởng và một chủ trương bắt nguồn từ nhận thức ấy thôi, chỉ một cuộc vận động trông chừng hết sức ôn hoà, chỉ một công cuộc cải cách giáo dục thôi, ấy vậy mà nó tạo nên một sức mạnh khổng lồ, đưa đến cả một cuộc nổi dậy lay trời chuyển đất năm 1908, làm rung chuyển cả bộ máy cái trị của chế độ thực dân ở Dông Dương, chấn động đến tận bên chính quốc Pháp.

Ngày nay, sau gần 100 năm, nhìn lại, chúng ta vẫn còn kinh ngạc vì tác động kỳ lạ của một tư tưởng như vậy. Và hẳn rất cần suy nghĩ nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa về chính tư tưởng đó, về sức mạnh và chiều sâu của tư tưởng lớn đó.

Hẳn không phải ngẫu nhiên khi một học giả uyên thâm và tâm huyết như Hoàng Xuân Hãn nói rằng: “Những tư tưởng của Phan Châu Trinh về cơ bản vẫn có giá trị lớn đối với xã hội ta ngày nay”. Còn nhà sử học Daniel Héméry thì viết: “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh, theo tôi, là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hoá và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problématiques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận”(4).

Những “nan đề lâu dài mà ngời Việt nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận lâu dài” là gì? Và đối với những nan đề đó “những tư tưởng của Phan Châu Trinh về cơ bản vẫn còn giá trị lớn” như thế nào?

Như chúng ta biết, lịch sử, do những éo le của nó, đã không đi theo con đường Phan Châu Trinh sáng suốt lựa chọn gần 100 năm trước. Nền độc lập dân tộc đã được giành lại không phải bằng một dân trí được nâng cao ngang tầm thời đại, mà bằng một cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt mà kẻ thù đã buộc chúng ta phải tiến hành, và chúng ta đã tiến hành thành công vẻ vang. Đó là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại và vinh quang nhất trong suốt lịch sử dân tộc.

Tuy nhiên, phải chăng mặt khác cũng không thể không nhận thấy rằng những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho nền độc lập tự chủ và sự phát triển của dân tộc mà Phan Châu Trinh đã nêu lên từ đầu thế kỷ XX, trong đó trung tâm là vấn đề Dân trí, nói theo cách nào đó, thì đến nay phần lớn vẫn còn nguyên đấy. Lịch sử đã khiến cho nó còn dở dang. Và rất có thể chính sự dở dang đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của những tình hình xã hội khó ổn định của chúng ta hiện nay. Đó là một nhiệm vụ, một món nợ, mà lịch sử còn để lại cho chúng ta hôm nay: nhiệm vụ xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được nâng cao.

Chính trong ý nghĩa đó mà những tư tưởng của Phan Châu Trinh đến hôm nay bỗng mang một ý nghĩa cập nhật lạ lùng.

Ngay cả về mặt biện pháp chiến lược mà ông đã đề xướng và thực hiện một cách thành công tuyệt vời trong phong trào duy tân, biện pháp tiến hành một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng, với tư tưởng cơ bản là thực học, đối với chúng ta ngày nay dường như bỗng trở nên thời sự một cách lạ thường, khi nền giáo dục của chúng ta đang lâm vào sự xuống cấp toàn diện và nặng nề. Nếu chúng ta đủ dũng cảm và trung thực để nhìn nhận nền giáo dục của chúng ta hiện nay thì phải nhận rằng một trong những căn bệnh trầm kha nhất của nó, gây nên sự xuống cấp của chính nó và ảnh hưởng không nhỏ đến sự xuống cấp trong xã hội, bệnh học giả dạy giả, chạy theo hư danh - cũng chính là căn bệnh mà Phan Châu Trinh đã quyết liệt đả kích và kiên quyết cải tạo, và đã cải tạo thành công, trong phong trào duy tân vĩ đại của ông, tạo nên một sức mạnh xã hội to lớn đến không ngờ.

Phan Châu Trinh đã bắt đầu bằng thực học để tạo nên sức mạnh của xã hội và quốc gia, để xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được thật sự nâng cao.

Phải chăng bài học cơ bản ấy, cả con đường đi cụ thể ấy - con đường bắt đầu bằng một cuộc đột phá cách mạng về giáo dục, rất có thể có ý nghĩa thật sự thiết thực đối với chúng ta hôm nay.

Quảng Nam cách đây 100 năm đã đi đầu cả nước trong công cuộc cách mạng tân văn hoá - nói theo cách nói của Hoàng Xuân Hãn - một cuộc đại cải cách giáo dục đem lại hiệu quả vô cùng to lớn.

Một điều gì tương tự như vậy có thể lại diễn ra hôm nay trên mảnh đất này chăng?

Có lẽ đó là một trong những điều gợi ý quan trọng nhất mà ký tức lịch sử về Phan Châu Trinh và phong trào duy tân đặc sắc của ông có thể làm thức dậy trong chúng ta hôm nay.

________________

(1) Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy Tân- NXB Đà Nẵng 1995, tr 13.

(2) Nguyễn Văn Xuân - Sách đã dẫn, tr 33.

(3) Nguyễn Văn Xuân - Sđd, tr 52.

(4) Xem Lê Thị Kinh - Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới- t II, NXB Đà Nẵng 2003.

Nguồn: Xưa và Nay, số 256, 3/2006

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.