Tiếng nước mình trên đất khách
Cuốn từ điển viết cả các phần mềm từ điển Việt - Lào, Pháp - Lào và Anh - Lào, rồi thành ngữ - tục ngữ Lào, từ đồng âm Lào - Việt... Tất cả đều được viết trên đất Savanakhet trong lòng hoài hương của người con xa xứ.
Tốt nghiệp bác sĩ (tây y) Đại học Y khoa Huế từ năm 1989, học xong lại theo nghề thuốc đông y với sư Tuệ Tâm ở Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế (Huế).
Đi học đường xa
Bác Trần Chí Thuận, hội trưởng Hội Việt kiều ở Savanakhet, kể rằng từ những năm sau giải phóng, Hội Việt kiều đã gửi con em mình về Huế học để có cái gốc đậm đà của quê hương.
Trần Kim Lân là một trong số những học sinh khóa đầu về học tại Huế, học hết trung học rồi thi đậu vào Đại học Y khoa Huế. Đi học đường xa cách trở nhưng làm Lân hiểu rõ ý nghĩa của hai tiếng quê nhà.
Những năm sau giải phóng, quốc lộ 9 chạy từ Đông Hà lên Lao Bảo, lên tận Savanakhet ở bờ đông sông Mekong là con đường quá cảnh của xe chạy từ Lào về cảng Đà Nẵng bốc hàng viện trợ và cũng là con đường buôn lậu hàng hóa từ đất Thái vào Việt Nam, Lân và bạn bè thường xuyên đi về theo những chuyến xe trên con đường ấy.
Hồi đó đường sá thâm u, phỉ vẫn hoạt động mạnh trên tuyến, đi từ Savanakhet về Huế mất mấy ngày đường chứ không được như bây giờ. Những năm tháng làm sinh viên y khoa Huế, anh triền miên trong những trận sốt rét, sáu năm đại học không đếm hết Lân đã trùm chăn dọc đường bao nhiêu bận.
Thế rồi Lân được sư Tuệ Tâm chữa dứt căn bệnh sốt rét, nghĩ rằng bao nhiêu năm theo tây y mà bó tay, nay nhờ đông y mà dứt bệnh, vậy là Lân khăn gói theo thầy Tuệ Tâm học thuốc. Rồi anh rời Huế với tấm bằng bác sĩ tây y và thêm nghề chữa bệnh bằng đông y.
Về lại Savanakhet, những bác sĩ chưa nhập tịch Lào như Lân theo qui định của nước bạn không được mở phòng mạch riêng, chỉ có thể vào làm cho các phòng mạch của bác sĩ người Lào đứng tên.
Ở Savanakhet có rất nhiều bác sĩ người Việt như anh Lân, chỉ riêng gia đình bên vợ của anh đã có năm bác sĩ, kể thêm dâu rể nữa là gần chục người, đủ sức thành lập một bệnh viện nhỏ.
Công việc của người thầy thuốc cuốn hút Lân mỗi ngày, chữa cho người Việt, chữa cho bạn Lào. Và cũng mỗi ngày, những tập từ điển dày cộp luôn nằm trước mặt bác sĩ Trần Kim Lân.
Yêu tiếng nước mình
Lân kể: về Lào chữa bệnh cứu người không chỉ bằng kiến thức tây y, rừng Lào nhiều cây thuốc quí, nhưng để hiểu cho rõ ngọn ngành cây thuốc không thể dựa vào những từ ngữ phổ thông, cần phải có một bộ từ điển, ít ra là để tra cứu nhưng một bộ từ điển như anh cần thì chưa ai làm.
Một ám ảnh khôn nguôi với anh là hai đứa con của anh, cũng giống như những đứa trẻ sinh ra trên đất Lào, tuy bố mẹ là người Việt nhưng do tiếp xúc với môi trường từ lúc mới sinh nên hầu như nói thạo tiếng Lào hơn tiếng Việt.
Năm 1989, ý nghĩ làm từ điển đến với anh và một nhóm bạn bè. Ở Savanakhet có một ngôi trường của người Việt mang tên Trường Thống Nhất, dành cho con em người Việt. Lân cùng anh Hứa Ngọc Minh, lúc đó là hiệu trưởng trường này, cùng lập ra nhóm để thực hiện cuốn từ điển Việt Lào - Lào Việt.
Bấy giờ chưa có máy vi tính, phải viết tay, nguồn tư liệu duy nhất là dựa vào hai cuốn từ điển Lào - Lào và Việt - Việt. Cuộc mưu sinh hằng ngày đã chiếm quá nhiều thời gian, không đủ sức dành cho công trình ý nghĩa kia nữa, công việc đành tạm gác lại.
Mãi đến năm 1997, mong mỏi về cuốn từ điển lại bùng lên trong Lân, lý do đầu tiên là nhờ có... chiếc máy vi tính. Lúc đầu anh dùng vi tính theo kiểu học mò mẫm vì ở Savanakhet bấy giờ không có ai dạy, hư thì tự sửa, mỗi lần về Huế mua thêm sách tự học.
Bây giờ, ngoài nghề y, anh em cho biết Lân còn là “tay tổ” về sửa chữa máy vi tính ở Savanakhet, phòng làm việc của anh ngổn ngang những máy là máy đủ chủng loại, mới có cũ có.
Chiếc máy vi tính là trợ lực rất lớn cho Lân trong việc tập hợp dữ liệu, đi chữa bệnh châm cứu cho bà con người Lào bao giờ anh cũng kè thêm một cuốn sổ tay, từ nào không hiểu thì hỏi, ghi chép, tập hợp...
Sau gần bảy năm miệt mài, bộ từ điển Lào - Việt đầu tiên của bác sĩ Trần Kim Lân đã thực hiện xong với độ dày 1.140 trang (khổ 18x26cm), bao gồm 31.000 từ mới có phiên âm đầy đủ với trên 15.000 ví dụ ngữ cảnh, 700 câu tục ngữ Lào có đối chiếu với những câu tục ngữ Việt tương đương và hàng ngàn từ đồng âm, đồng nghĩa, bảng so sánh đối chiếu.
Đó là một công trình đời người thật sự, dù anh là một bác sĩ chứ không phải là một nhà ngôn ngữ. Từ công trình công phu này, anh đã thực hiện thêm các cuốn Từ điển Việt - Lào dày 1.130 trang, hai cuốn Tục ngữ Lào -Việt và Tục ngữ Việt - Lào mỗi cuốn dày gần 200 trang, cuốn Từ đồng âm Lào - Việt dày 280 trang.
Cả năm đầu sách này đều đã được Cục Xuất bản Lào cấp giấy phép xuất bản vào năm 2003, nhưng anh chưa đủ tiền để in.
Cùng Lân ra ngồi bên sông Mekongnhìn con nước xuôi về đất Việt, nghe anh kể bao chuyện buồn vui khi sống nơi đất khách quê người. Anh nói rằng tuy chẳng xa xôi gì chặng đường từ đây về quê nhà, nhưng xa hay gần cũng đã là xứ sở khác, phong tục khác.
Và những đêm ngồi miệt mài bên máy vi tính thực hiện những công trình này anh thấy yêu đất nước mình hơn, thấy vợi đi nỗi hoài hương và cũng để trả ơn mảnh đất xứ người đã cưu mang đùm bọc.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 5/7/2005