Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 09/04/2024 14:10 (GMT+7)

Tiến sĩ Việt Nam lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia

Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy nằm trong danh sách 10 nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý được trao giải thưởng từ Viện Hàn lâm Khoa học ở Australia.

Anh Nguyễn Duy Duy từng trải nghiệm nền giáo dục ở ba châu lục khi tốt nghiệp xuất sắc đại học ở Nga, lấy bằng Thạc sĩ tại Mỹ và nhận bằng Tiến sĩ tại Australia với giải luận án tiến sĩ xuất sắc nhất.

Hiện anh Duy công tác tại Chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp liên bang Australia - CSIRO).

tm-img-alt

Anh Nguyễn Duy Duy (trên cùng, bên phải) nằm trong danh sách 10 nhà khoa học được trao thưởng SIEF (Ảnh: Australian Academy of Science).

Mới đây, anh Duy trở thành 1 trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc được trao giải thưởng từ quỹ tài trợ các nhà khoa học tại Australia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp, của Viện Hàn lâm Khoa học Australia (SIEF).

SIEF là giải thưởng có lịch sử gần 100 năm, dành cho các nhà khoa học có cống hiến cho ngành công nghiệp Australia, đồng thời thúc đẩy lợi ích cộng đồng và đóng góp vào mục tiêu quốc gia của Australia.

Giải thưởng trên không chỉ đem đến nhiều sự hỗ trợ về kinh tế trong quá trình nghiên cứu khoa học mà còn mang đến cho anh Duy, cùng các nhà khoa học nằm trong danh sách được vinh danh, có cơ hội giao lưu, trao đổi cùng hơn 45 nhà khoa học đạt giải Nobel và gần 600 nhà khoa học trẻ khác trên toàn thế giới vào tháng 7 sắp tới tại Thành phố Lindau, Đức.

7 trang thành tích và 5 bài báo khoa học tiêu biểu nhất

Để được xét duyệt nhận giải thưởng, anh Duy phải chuẩn bị nhiều hồ sơ để giới thiệu bản thân và các dự án nghiên cứu khoa học của anh từ tháng 8 năm 2023.

Các hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: Danh sách giải thưởng đã đạt được từ khi học đại học đến giờ; quá trình giảng dạy, đào tạo; 5 bài báo khoa học tiêu biểu nhất; bằng sáng chế; các dự án hoạt động xã hội; các bài luận và thư giới thiệu.

Danh sách giải thưởng của anh Duy, dài khoảng 7 trang, bao gồm: Học bổng toàn phần trong quá trình học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; thành tích tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa Saint Petersburg (Nga); học bổng President từ Đại học Notre Dame (Mỹ); giải luận án tiến sĩ xuất sắc nhất Đại học Sydney (Australia); các giải thưởng tại các hội thảo khoa học;….

tm-img-alt

Anh Duy trong chuyến thực địa tại hồ Hume (Australia). Kế bên là máy đo đa quang phổ được nhóm nghiên cứu của anh sáng chế phục vụ cho việc quan trắc chất lượng nước. (Ảnh: NVCC).

Về 5 bài báo được yêu cầu, anh lựa chọn những bài viết được đăng trên các tạp chí hàng đầu trong ngành, xoay quanh những nghiên cứu về mô hình trong các dự án anh Duy đang theo đuổi. Đa số đều liên quan tới chất lượng nước, dòng chảy, thủy lực,… kết hợp với trí tuệ nhân tạo, học máy và liên quan đến vật lý.

3 trong số 5 bài báo khoa học tiêu biểu của anh Duy nhận được nhiều giải thưởng từ các tạp chí đăng tải như: Featured Articles (Bài viết nổi bật - PV); Editor's Choice (Bài viết được bình chọn - PV); Best Paper Awards (Bài viết hay nhất - PV). Về thư giới thiệu, anh Duy có hai lá thư giới thiệu từ Giám đốc Khoa học của CSIRO và Trưởng Khoa Cơ khí của Đại học Sydney.

Sau quá trình chuẩn bị hồ sơ, anh Duy phải trải qua nhiều vòng thẩm định từ nhóm, khoa, trường và viện CSIRO, mỗi vòng chỉ được chọn ra 2 nhà khoa học phù hợp nhất. Bên cạnh đó, ngoài viện CSIRO, Australia có từ 140-150 trường và viện lớn nhỏ.

Trải qua lượng lớn hồ sơ gửi về, anh Duy cùng 9 nhà khoa học còn lại được Viện Hàn lâm Khoa học Australia lựa chọn để trao giải thưởng cùng với cơ hội tham dự Lindau Nobel Laureate Meetings (Đức), cuộc họp giữa các nhà khoa học đạt giải Nobel và các nhà khoa học trẻ trên thế giới để thúc đẩy trao đổi khoa học giữa các thế hệ nhà khoa học với nhau.

tm-img-alt

Một trong 5 bài báo tiêu biểu của anh Duy (Ảnh: NVCC).

Được biết, trong tổng số gần 600 nhà khoa học trẻ tham dự cuộc họp sắp tới, anh Duy là 1 trong 14 nhà khoa học được lựa chọn trình bày tại buổi giao lưu.

Anh Duy đang trong quá trình chuẩn bị nội dung cho bài trình bày kéo dài 15 phút tại buổi họp sắp tới tại Đức và đặc biệt có dịp ăn tối riêng cùng 3 nhà khoa học đạt giải Nobel với quy mô chỉ có 10 người.

Trong số các nhà khoa học đạt giải Nobel, có 3 nhà khoa học làm trong ngành của anh Duy. Theo anh Duy, giải Nobel vật lý trước nay thường được trao cho ngành vật lý cơ bản. Cho đến năm 2021, nhà khoa học về nhiệt - thủy động lực học và mô hình khí hậu, thời tiết mới được trao tặng giải thưởng Nobel.

"Tôi muốn hỏi các nhà khoa học về việc khi một lĩnh vực vật lý từ xưa đến nay chưa được chú trọng nhiều thì sự công nhận lần này ảnh hưởng thế nào đến nghiên cứu tương lai của họ cũng như đến nền khoa học thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay", anh Duy cho hay.

Ngoài ra, anh cũng muốn đưa ra góc nhìn từ một người đến từ Việt Nam để biết quan điểm của các nhà khoa học trong việc làm khoa học ở các nước đang phát triển, đồng thời đưa bài toán về biến đổi khí hậu ở Việt Nam đến với diễn đàn khoa học thế giới.

tm-img-alt

Anh Nguyễn Duy Duy và Phó Giám đốc chương trình AquaWatch Australia chia sẻ tại khóa tập huấn của Chương trình đối tác Mekong Australia với nội dung về "Giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu" do Đại học Queensland kết hợp cùng Bộ Ngoại giao Australia thực hiện (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về dự định trong tương lai, nhà khoa học trẻ cho hay, anh đang theo đuổi mô hình về chất lượng nước và nguồn nước, hai vấn đề nóng ở cả Australia và Việt Nam. Cụ thể, anh muốn tập trung giải bài toán về an ninh nguồn nước dưới ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, anh Duy cũng đang kết hợp cùng một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thực hiện chuỗi bài giảng về biến đổi khí hậu dành cho học sinh, sinh viên và người trẻ nói chung. Ngoài ra, anh cũng đang tham gia giảng dạy cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước về chống biến đổi khí hậu nhằm nâng cao nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc tập hợp và thảo luận cùng các chuyên gia từ Mỹ và Australia.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.