Tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch: Nhà hoá học của nhà nông
Tuổi trẻ với nhiều ý nghĩ độc đáo
Tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, tân cử nhân Nguyễn Đức Thạch được giữ lại trường giảng dạy. Đến năm 1966 ông được cử sang nghiên cứu sinh tại Bungari và ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoá học. Về nước, ông xin công tác tại Viện địa chất khoáng sản Hà Nội. Đến năm 1984, trước sự thiếu hụt nhân lực ở Miền Nam, tiến sĩ được tăng cường vào công tác tại tỉnh Đồng Nai. Vào đến Đồng Nai tiến sĩ tỏ ra thích thú và vui mừng vì Đồng Nai có khá nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy hoá chất đang hoạt động, nhiều diện tích đất trồng trọt chăn nuôi và bà con nông dân làm nông nghiệp cũng khá nhiều trong khi mục đích sâu xa nhất trong thâm tâm ông là được phục vụ bà con nông dân. Ở cương vị công tác mới, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật, ông có điều kiện phát huy khả năng chuyên môn của mình, có nhiều dịp giúp đỡ bà con nông dân trong khả năng của mình. Tiến sĩ bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu mà không một chút nề hà cực nhọc, một trong những đề tài khoa học thực tiễn được đưa vào áp dụng thành công tại đất Đồng Nai là đề tài nghiên cứu và chiết xuất chất bột licnin trong nước thải của nhà máy giấy để sản xuất thuốc diệt rầy nâu hại cây trồng.
Băn khoăn lo nghĩ về việc nguyên phụ liệu phục vụ cho việc chế biến thuốc diệt rầy nâu trong nước giai đoạn này hiếm, nguồn nguyên liệu vẫn được nhập chủ yếu từ nước ngoài về với giá đắt đỏ. Từ những suy nghĩ này tiến sĩ quyết tâm tìm đọc lại những quyển giáo trình mà trước đây tiến sĩ từng được đọc, xem qua và mua ở Bungari. Từ đống tài liệu cũ ấy ông đã phát hiện trong một quyển sách có đề cập đến chất licnin - giúp chống lắng cho các sản phẩm bột diệt rầy. Sau khi có tư liệu, ông lại băn khoăn về việc sẽ tìm chất licnin từ đâu? Qua nhiều ngày lăn lộn thực tế khắp nơi trong và ngoài tỉnh, tiến sĩ đã phát hiện ra chất licnin chẳng ở đâu xa đất Đồng Nai và điều quan trọng nhất là nó nằm trong những khối nước thải đen ngòm từ ống cống của những nhà máy, xí nghiệp đổ ra sông Đồng Nai. Sau khi có đầy đủ nguyên liệu, ông mạnh dạn đề xuất ngay với lãnh đạo xin thực hiện đề án mua chất thải để chiết xuất chất licnin cung cấp cho các nhà sản xuất thuốc diệt rầy nâu. Sáng kiến của ông được khá nhiều người đồng tình hưởng ứng khiến ông rất vui và lấy làm hãnh diện nhưng niềm vui của ông không lâu thì lại vụt tắt khi ông biết đề án của ông không được duyệt vì… không có kinh phí. Với sự đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề ông đã không ngần ngại đem hết tài sản trong nhà đi cầm cố và vay mượn thêm tiền của người thân trong gia đình, bạn bè để mua nước thải, rồi ông lại chạy đôn chạy đáo để thuê xe tải chở nước thải, thuê mướn các bãi đất trống để chứa nước và nhờ các cộng sự lấy mẫu phân tích, chiết xuất… Trong gần 10 năm bỏ tiền túi ra mua nước thải độc hại, tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch không chỉ góp phần làm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà điều quan trọng hơn là ông và các cộng sự đã cung cấp cho Tổng công ty Thuốc sát trùng miền Nam trên 150 tấn bột licnin, giúp công ty sản xuất ra hàng triệu lít thuốc diệt rầy nâu.
Ngoài những sáng kiến trên, trong những năm tháng công tác tại Trung Tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật Đồng Nai, tiến sĩ hoá học Nguyễn Đức Thạch còn nghiên cứu và chế tạo thành công bột màu vàng cung cấp cho nhà máy Sơn Đồng Nai; nghiên cứu sản xuất thành công chất dịch “phốt phát hoá” làm bền nước sơn của cánh quạt trần cho nhà máy Điện cơ Đồng Nai; thăm dò và đề xuất khai thác mỏ cao lanh Thạnh Phú góp phần giảm giá thành đầu vào và phục vụ kịp thời cho sản xuất gốm sứ của các làng nghề truyền thống tại thành phố Biên Hoà.
Nhà hoá học của nông dân
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1990, tiến sỹ Nguyễn Đức Thạch dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu và viết sách, đề tài được ông quan tâm nhất thường là những kiến thức phổ thông giúp ích cho nông dân trong lao động sản xuất và trong cuộc sống thường nhật của người dân. Trong thời gian này, ông không chỉ say mê với công tác nghiên cứu, viết sách mà ông còn bố trí một khoảng thời gian nhất định để trả lời những thắc mắc của bà con nông dân gửi đến bằng đường bưu điện hay gọi điện hỏi trực tiếp. Hiện ông đã cho xuất bản hai quyển sách liên quan đến các vấn đề của nhà nông và nước sạch. Chính từ những hoạt động thực tế này mà Đài Phát thanh truyền hình Đồng Nai, Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương, Báo Lao động Đồng Nai đã mời ông cộng tác tư vấn ở nhiều chuyên đề như: Cách phòng tránh ngạt giếng; xử lý kho lưu trữ hàng nông sản; các kiến thức phổ thông về khoa học và đời sống…và là một cộng tác viên thường xuyên của tờ Khoa học & Ứng dụng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai. Ngoài những công việc đó, tiến sĩ còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Dân lập Lạc Hồng tỉnh Đồng Nai.
Với ước mơ thành lập Hội hoá học để tập trung lực lượng các nhà hoá học, các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân hoá học trong tỉnh vào một tổ chức. Qua đó gặp gỡ trao đổi, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp để từng bước xây dựng các chương trình hoạt động thiết thực phục vụ cho bà con nông dân. Và ngày 23-2-2004, ước mơ của ông trở thành hiện thực, Hội Hoá học tỉnh Đồng Nai ra đời. Và tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch chính thức được chọn giữ chức vụ chủ tịch Hội Hoá học tỉnh Đồng Nai. Kể từ khi thành lập đến nay, bước đầu Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như: các hội viên đã có 12 giải pháp khoa học dự thi sáng tạo kỹ thuật do tỉnh tổ chức, qua đó đã có 8 giải pháp đoạt giải; có 14 báo cáo khoa học trình bày trong các hội nghị khoa học; tích cực tham gia phản biện các dự án về báo cáo tác động môi trường; viết bài đăng trên các báo về đề tài công nghệ hoá học; ra mắt hai quyển sách liên quan đến vấn đề nước sạch và kinh nghiệm cho nhà nông. Trong thời gian tới Hội hoá học sẽ tiếp tục cho ra mắt quyển “hoá học trong cuộc sống hiện đại”…
Tuy vẫn trong giai đoạn củng cố tổ chức nhưng những việc mà Hội Hoá học do tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch trực tiếp chỉ đạo làm được trong thời gian qua cũng là một kết quả không nhỏ. Tuy nhiên mong muốn lớn nhất của tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch là làm sao trong thời gian tới Hội cần có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa cho người dân, nhất là bà con nông dân và tích cực làm ra các “sản phẩm” tri thức, những đề tài khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cũng như những sáng tạo, những giải pháp kỹ thuật liên quan đến ngành nghề để bán cho những ai có nhu cầu. Không chỉ dừng lại ở đấy, điều mà tiến sĩ mong muốn đạt được trong thời gian tới là sớm được thành lập Trung tâm các dịch vụ hoá học để làm nhiệm vụ vừa tư vấn vừa chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và kỹ thuật.
Nguồn: Thông tin KH&CN Đồng Nai, 02/2006