Tiến sĩ... lò xo
Ra đi là để mang về
Tôi khá tò mò với cụm từ “tiến sĩ... lò xo” khi được giới thiệu về BS.TS. Lê Trọng Phi. Ông cười và giải thích một cách ngắn gọn: “Ngành ngoại khoa thế giới biết đến tôi cũng bởi vì chiếc lò xo thôi mà”. Thay vì mổ tim hở như cách thông thường, BS. Phi đã nghiên cứu phương pháp mổ kín bằng cách dùng lò xo để ngăn chặn các lỗ hở của tâm thất. “Bằng việc luồn ống thông qua tĩnh mạch, sẽ đưa chiếc lò xo đến nơi tổn thương (lỗ thông liên thất, còn ống động mạch), chiếc lò xo sẽ biến dạng tùy theo giải phẫu, “bung” thành dạng “dù” để bít các lỗ hở lại. Điều đặc biệt của phương pháp này là phẫu thuật nhẹ nhàng, thời gian thông tim can thiệp - đặt lò xo độ khoảng 1 tiếng đồng hồ, trong khi những ca mổ tim hở phải kéo dài nửa ngày trời. Không có biến chứng, không phải mang sẹo xấu vì phẫu thuật theo dạng mổ kín, và bệnh nhân chỉ cần nằm viện vài ba ngày - đó là những ưu thế hàng đầu của kỹ thuật phẫu thuật tim tiên tiến nhất thế giới hiện nay” – BS. Phi giải thích. Ông có vẻ ngạc nhiên khi tôi hỏi rằng ông có... run và căng thẳng không khi lần đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật đặt lò xo ở người. “Thật lòng là tôi không có cảm giác lo sợ. Là một nhà khoa học, lại là bác sĩ thì mọi thứ phải chính xác. Bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng mổ kín với lò xo của tôi là một bé trai nhỏ tại Đức. Bệnh nhân này vừa phẫu thuật, nối cầu động mạch phổi, chủ và ống thông vẫn còn. Vì bị tim bẩm sinh, nếu mổ tim hở sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bố cậu bé đến hỏi tôi: có cách nào điều trị ngoại trừ mổ tim hở. Đắn đo mãi, tôi quyết định dùng lòxo đặc biệt hơn để thực hiện đóng lỗ thông liên thất. Tôi đã nhận không ít lời của các đồng nghiệp đầu ngành can ngăn với khẳng định: không thể thực hiện được vì khi đóng lò xo nó sẽ bị lỏng. Tôi tìm mọi cách liên hệ với nhà sản xuất để chế tạo lò xo dẻo hơn. Cuối cùng, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. 5 năm trôi qua, cậu bé bệnh nhân của tôi không có bất kỳ biến chứng nào và sức khỏe tiến triển tốt”.
Từ hơn 4 năm qua, thành quả nghiên cứu của BS.TS. Lê Trọng Phi đã được áp dụng điều trị cho một số bệnh nhân có chỉ định tại các nước Đức, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Việt Nam... và chưa hề xảy ra biến chứng nào, những bệnh nhân được điều trị hoàn toàn khỏe mạnh. Một điều khá bất ngờ đối với chúng tôi và không kém phần thú vị là sự liên tưởng của bác sĩ Phi về chiếc lò xo và... cây tre: “Chiếc lò xo tôi ứng dụng trong y học được chế tạo bằng kim loại Nitinol - từ hỗn hợp Nickel Titanium, rất bền bỉ với thời gian. Chiếc lò xo này cũng có đặc tính như cây tre Việt Nam vậy - rất dẻo dai và bền bỉ. Đây cũng là một trong những đức tính đặc trưng và tuyệt vời nhất của người Việt Nam và tôi rất tự hào về điều đấy”. Dẻo dai và bền bỉ – cũng chính đức tính ấy đã giúp cậu thanh niên Lê Trọng Phi vượt qua những chật vật, khó khăn, thiếu thốn để có thể đam mê đến tận cùng đối với khoa học. 15 tuổi, cậu bé Phi cùng gia đình đến định cư ở Đức và đã ý thức rằng phải nỗ lực để tồn tại và khẳng định mình. Muốn vậy, không còn con đường nào khác ngoài trau dồi học vấn. Trong những năm tháng ấy, chàng trai Lê Trọng Phi đã không nề hà bất cứ công việc gì, miễn là có tiền để phụ thêm vào số học bổng nhằm trang trải cho việc học. Tốt nghiệp đại học Y, ông còn học tiếp 5 năm cho ngành nhi và 4 năm chuyên khoa tim bẩm sinh để trở thành một bác sĩ. Học vị tiến sĩ, chức vụ Phó giám đốc Viện Tim bẩm sinh ĐH Hamburg (Đức) là thành quả mà ông đạt được sau giải thưởng khoa học về y tế của Đức năm 1993.
Kết nối những yêu thương
BS. Phi tham gia chuyển giao công nghệ mổ tim tiên tiến cho BV Đà Nẵng. |
Mỗi lần về Việt Nam, lịch làm việc của ông hầu như đặc kín và phải di chuyển liên tục từ Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... với tâm nguyện duy nhất là chuyển giao những kỹ thuật mổ tiên tiến hàng đầu về tim bẩm sinh cho các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng để nhanh chóng xây dựng một khoa tim bẩm sinh tại miền Trung, để có thể giảm thiểu gánh nặng chi phí cho bệnh nhân trong điều trị, không phải di chuyển đến hai đầu đất nước.
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống, 31/1/2008