Tiến sĩ hóa dầu Nguyễn Anh Đức: Tài năng và khát vọng
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh với điểm bảo vệ xuất sắc hiếm có (điểm 10), Đức nhận công tác tại RDCPP (Trung tâm nghiên cứu phát triển chế biến dầu khí) - Petrovietnam. Trong gần hai năm, sức trẻ thôi thúc Đức có những thành quả đáng khâm phục. Anh hăm hở viết phần mềm tính toán tối ưu sơ đồ công nghệ Nhà máy lọc dầu. Phần mềm này, đến nay vẫn được sử dụng duy nhất tại Việt Nam .
Hoài bão Đức theo đuổi từ những ngày còn đạp xe đi lắp máy tính thuê và dạy kèm học sinh đã thành hiện thực. Đức nhận được học bổng của đại học Chulalongkorn - Thái-lan. Tại đây, những thành tựu của nền kinh tế Thái-lan cùng với nhiệt huyết của lớp trí thức trẻ tiếp thêm sức mạnh cho anh. Câu trả lời về khoảng cách giữa hai nền kinh tế với cùng xuất phát điểm được thêm trọn vẹn. Lời ba dặn về trách nhiệm và danh dự của lớp thanh niên Việt Nam theo Đức từng buổi lên lớp. Trong hơn một năm theo học thạc sĩ, đại học Chulalongkorn cảm phục chàng sinh viên Việt Nam có vóc dáng gầy còm. Đức vượt qua các sinh viên cùng khóa, đạt điểm trung bình chung tối đa, kết quả bảo vệ luận văn xuất sắc nhất, được vinh dự xuất hiện như một tấm gương trong các cuốn sách của các giáo sư đã dạy anh.
Hiện tượng cặn sáp paraffin và asphaltene đóng trong đường ống dẫn dầu và bồn bể chứa gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu khí thế giới hàng tỷ USD/năm. Ý tưởng tìm ra giải pháp "điều khiển hệ thống phản ứng tỏa nhiệt để xử lý cặn paraffin trong đường ống dẫn dầu dưới biển" đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ. Giáo sư S.Fogler - đại học Michigan - tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy ở Mỹ đã phát hiện ra tài năng vượt trội của Đức. Đức sang Mỹ bắt tay nghiên cứu đề tài cấp tiến sĩ này với học bổng của Michigan và được tài trợ bởi các công ty Baker Petrolite, Chevron, Conoco, Haliburton, PDVSA Intervep, Phillips Petroleum, Schlumberger và Total Fina.
Nguyễn Anh Đức tâm sự: Đang theo học tại Michigan Đức được tin ba mất. Khi ấy mùa đông, tuyết rơi dày nửa mét, nhiệt độ ngoài trời -20 0C. Lời nhắn cuối cùng của ba "nói thằng Đức học xong thì về Việt Nam..." làm anh rơi nước mắt trên đường đi bộ đến trường. Cũng lúc đó, mẹ Đức phát bệnh parkinson. Tiền học bổng chi tiêu phải tiết kiệm. Ngoài khoản chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ, Đức còn dành một khoản đầu tư chứng khoán để có tiền gửi về cho mẹ. Mặc dù bạn bè gọi Đức là "người nghèo nhất" trong nhóm nghiên cứu sinh cùng khóa, nhưng anh không buồn. Bởi lúc nào Đức cũng ngẩng cao đầu và trả lời rất rõ "tôi là người Việt Nam ". Hình ảnh một Việt Nam rạng ngời trong tương lai thôi thúc anh vượt qua "giấc mơ con, cuộc đời con". Đức thường không nhắc lại và cũng không cho phép mình sớm tự mãn với những gì đạt được. Anh hối hả chinh phục những thử thách mới, đặt ra những mục tiêu lớn lao và nung nấu quyết tâm sớm trở về góp phần xây dựng quê hương giàu, đẹp.
Đức tham gia giảng dạy tại trường Michtgan và được chọn là "Nghiên cứu sinh trợ giảng xuất sắc nhất 2001". Trong các kỳ nghỉ hè ngắn ngủi, Đức làm việc cho Conoco, Exxon Mobil, Schlumberger. Các kết quả nghiên cứu mới của anh không chỉ được ứng dụng tại các tập đoàn dầu khí tiếng tăm này mà còn nhiều lần được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu như AlChE Journal, Industrial & Engineering Chemistry Research, Journal of Catalysis, Chemical Engineering Science. Anh là nghiên cứu sinh được mời phát biểu tại các hội nghị thường niên AlChE, European Congress of Chemical Engineers.
Năm 2003, Đức bảo vệ xuất sắc Luận án tiến sĩ. Các giáo sư đánh giá cao kết quả nghiên cứu của anh và gọi anh là "người có trí thông minh vượt trội so với tuổi". Nhìn cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay sánh vai cùng quốc kỳ của Mỹ, của Anh, của Nhật... tại vị trí trang trọng nhất của đại học Michigan , Đức cảm thấy một cảm giác ấm áp kỳ lạ.
Tập đoàn Schlumberger gửi thư mời Đức làm việc với mức lương 130.000 USD/năm. Cũng có lúc, Đức có ý nghĩ "ở lại làm một vài năm lấy kinh nghiệm và tích vốn đầu tư rồi về Việt Nam cũng chưa muộn, bàn đạp ban đầu rất quan trọng, mình vẫn cam kết với mục tiêu cơ mà"... Nhưng có một sức mạnh nào đó lớn hơn thế, anh "khăn gói" về Việt Nam .
Trở về quê hương, Đức tiếp tục làm việc cho RDCPP được hơn một năm. Mọi người e ngại cho Đức trước những khó khăn về điều kiện, môi trường làm việc cộng với đồng lương quá khiêm tốn. Gặp lại thấy Đức già và gầy đi nhiều, tôi hỏi anh: "Đức có định quay lại với Schumberger không? Vì sao quyết định về Việt Nam để nhận mức lương còm này và làm việc trong một môi trường có khoảng cách quá xa so với Schlumberger"". Không chút do dự, đức trả lời: "Ở Mỹ lương của tôi chỉ có 4 số 0 một tháng. Về nước, lương của tôi những 6 số 0...".
Đức chia sẻ về những dự định lớn lao của mình với những dự án sẽ sớm được anh triển khai tại Việt Nam . Ba trong số các dự án anh tâm huyết nhất là nghiên cứu thành công công thức sản xuất xăng pha cồn; tìm ra chất phụ gia pha vào dầu D/O, F/O, LPG giúp giảm khí thải và hàm lượng chất độc đến 90% và giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ từ 5 đến 15%, làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng/năm. Đặc biệt nhất là dự án phủ xanh đất khô cằn - đất trống đồi núi trọc bằng một loại cây rất dễ trồng, không cần đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp sản xuất ra dầu đốt không gây ô nhiễm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền trung, trong đó có Quảng Trị - quê nội anh.
Đức nói: "Đấy, hiệu quả từ những dự án như thế này chẳng lớn gấp bội so với những gì tôi có thể nhận được từ Schlumberger. Tôi tiếc là mình không thể làm luận án tiến sĩ nhanh hơn. Lẽ ra tôi phải về Việt Nam sớm hơn nữa. Việt Nam mình có nhiều việc để làm quá...".
Trong một lần đến thăm Việt Nam , giáo sư S.Fogler đã không ngần ngại nói về câu học trò cưng của mình: "Đây là một tiến sĩ trẻ nhất mà tôi đặt nhiều hy vọng nhất. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cậu ấy là không chịu nói cho người khác biết cậu ấy rất tài năng và thông thái".
Nguồn: nhandan.com.vn 3/7/2006