Tiến sĩ Đào Huân: 13 năm hưu, 14 sáng chế
Từ lưng Trâu chở thành tiến sĩ
Sinh năm 1939 tai một làng quê nghèo ở Hưng Yên, Đào Huân lớn lên từ cọng rơm, gốc rạ. Nhà nghèo nên ngày còn bé Huân chăn trâu, rong ruổi ngoài đồng. Rời lưng trâu, Đào Huân học nghề cơ khí ở Hà Nội. Và năm 25 tuổi Đào Huân đã là một công nhân bậc 6, công tác ở phòng kỹ thuật của Tổng công ty lắp ráp Hylian thuộc Bộ Xây dựng.
Đào Huân xin đi học và là nguyện vọng may mắn được chấp nhận. Thật bất ngờ, người công nhân ấy đỗ ngay vào trường Đại học xây dựng Hà Nội (năm 1967). Thừa thắng xông lên, vừa đi làm Đào Huân vừa đi học và trở thành kĩ sư cao cấp, rồi thạc sĩ vào năm 1986 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành cơ khí với đề tài “Mở rộng phạm vi cần trục ô tô biến thành tổ máy”. Đề tài đã được hội đồng chấm luận án tiến sĩ đánh giá khá cao vì nó đã mở ra một hướng đi mới cho ngành chế tạo máy lúc bấy giờ.
Chất xám và… máu
Năm 1992, TS Đào Huân đã hoàn thành công trình nghiên cứu đầu tiên, đó là “Công trình máy vận chuyển tự hành đa năng”. Công trình này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền năm 1996.
Sáng chế đáng nhớ nhất của TS Đào Huân chính là công trình nghiên cứu chế tạo máy ép cọc tự hành đa năng áp dụng. Sản phẩm này khiến nhiều người ngạc nhiên pha lẫn thích thú khi thấy xe xích có bàn tựa quay, thiết bị ép cọc thuỷ lực được ghép với nhau thành một cỗ máy ép cọc tiện dụng, có khả năng di chuyển, tiết kiệm nhân công và thời gian lao động. Sản phẩm có được chính là kết quả của những ngày ông ấm ức vì các công trình thi công không kịp tiến độ. Mỗi lần ép cọc là mỗi lần phải lắp đặt, tháo rỡ và lắp đặt ở vị trí kế tiếp. Tại sao không thử vận hành một chiếc máy ép cọc có khả năng điều khiển vị trí ép? Đó là câu hỏi ám ảnh ông trong suốt thời gian làm việc ở Tổng công ty xây lắp máy.
Tuy nhiên, ít ai biết để có được công trình nghiên cứu này ông đã trả bằng chính máu của mình. Đó là khi nghiên cứu xong chiếc máy ép cọc tự hành đa năng ông đã tiến hành vận hành thử trên công trường. Khi lắp đặt xong hệ thống, ông đang hướng dẫn thao tác cho công nhân thì trên đầu máy, anh kĩ sư vận hành đã vô tình điều khiển, cần trục xúc thẳng vào chân của nhà sáng chế khiến xương đầu gối gãy nát! Tưởng chừng như phải tháo khớp nhưng ông may mắn được các bác sĩ điều trị tận tình, tránh được tình trạng mất chân nhưng từ đó, ông đi lại rất khó khăn và phải mang mãi vết thương đến hôm nay.
Năm 1994, TS Đào Huân nghỉ hưu. Cứ tưởng ở cái tuổi này ông sẽ ngưng nghỉ công việc nhưng không ngờ đây lại là thời khắc ông sáng tạo nhiều nhất. Đúc kết kinh nghiệm 40 lặn lội với ngành cơ khí chế tạo máy và công việc xây dựng của mình, Đào Huân đã có liên tục 14 sáng chế: Từ máy băng chuyền tự hành đa năng, đến các máy ép cọc, máy kích mở rộng phạm vi sử dụng cần trục ô, cần trục lắp thiết bị đóng cọc… Và mới đây nhất, ngày 19 - 8 - 2007, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ đã cấp bằng sáng chế độc quyền cho công trình “Cần trục bánh hơi lắp thiết bị nâng tải” cho Đào Huân. Đây cũng là bằng độc quyền sáng chế thứ 5 mà ông đã nhận được trong số 14 sáng chế đã gửi đơn nhờ Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ. UBND TPHCM cũng trao tặng ông giải thưởng người có nhiều sáng chế nhất trong 5 năm 2001 - 2005.
Nguồn: KH&ĐS, số 89, 24 - 9 - 2007, tr 6