‘Tiến sĩ cháy’
Ông được coi là “bác sĩ” giỏi nhất của chuyên khoa khám nghiệm - giám định cháy nổ hiện nay - người chuyên tìm ra nguyên nhân các vụ cháy lớn ở khu vực phía Nam từ năm 1999 đến nay.
Bắt đám cháy nói lên sự thật
Trong điều kiện công an các tỉnh không có giám định viên về cháy nổ, cả khu vực phía Nam chỉ có mỗi ông có nghề nên hầu hết vụ cháy lớn người ta đều thấy sự hiện diện của ông.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 18 tuổi, ông vào ngành công an làm lính chữa cháy. Nhờ có trình độ văn hóa lớp 10 nên sau đó ông được đưa sang học ở Liên Xô chuyên ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC). 10 năm học ở Liên Xô, ngoài mớ kiến thức bách khoa về cháy, nổ, ông đã mang về một đống sách. Khi về nước, ông được bố trí làm việc tại Cục Phòng cháy chữa cháy, sau đó sang Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) tại Hà Nội. Đến cuối năm 1998, ông Vinh được điều vào phân viện tại TP.Hồ Chí Minh giám định cháy nổ cho khu vực phía Nam . Tại đây, công việc của ông trở nên tất bật khi cháy nổ xảy ra thường xuyên, trong khi còn phải tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu. Ông nói dù nhận thức rất rõ sự độc hại sau các đám cháy nhưng không thể đứng ngoài nhìn vì yêu cầu công việc của ông là phải trực tiếp mắt thấy, tay sờ, mũi ngửi. |
Ông đến có khi mặc sắc phục, có khi mặc thường phục, không xua đuổi người hiếu kỳ, không tra hỏi người trong cuộc, không can ngăn phóng viên báo chí chụp hình... Ông lầm lũi đạp trên những đống đổ nát. Ở đó người ta thấy ông đào đào, bới bới rồi nhặt cho vào bao những cọng dây đồng, mẩu than, mảnh vỡ…
Tại hiện trường một vụ nổ ở Đồng Nai cách đây một năm, chúng tôi thấy ông dùng quẹt ga làm các thí nghiệm ngay tại chỗ để xác định chất gây nổ. Trước đó, chúng tôi quen ông khi xảy ra vụ nổ tại Công ty Long Tre (Tây Ninh) trong khi ông tách khỏi đám đông đi tìm một mảnh vỡ bị văng khỏi hiện trường hơn 200m.
Ông Vinh bộc bạch: “Mình chỉ thật sự vững tin và tự tin khi làm việc từ sáu năm trở lại đây sau khi tham gia khám nghiệm, giám định hàng trăm vụ cháy, nổ. Ở đó, các kiến thức học được mang ra áp dụng. Kiến thức, kinh nghiệm cho phép mình trong vòng hai, ba ngày là kết luận nguyên nhân cháy, nổ”.
Một chủ doanh nghiệp bị hỏa hoạn nói trong thời gian 2-3 ngày mà kết luận được nguyên nhân vụ cháy quả là niềm mong đợi của khổ chủ. Thử hình dung với 4.000m 2nhà xưởng bị cháy mà cơ quan điều tra cứ kẻ ô vuông để khám nghiệm, điều tra thì chắc đến tết mới xong!
Tháng 5/2004, đã xảy ra cháy tại nơi chứa hồ sơ lưu của Phòng thương mại - dịch vụ Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô ở Vũng Tàu.
Ông Vinh nhớ lại: “Một nơi nhạy cảm như thế khiến các cơ quan chức năng và dư luận đặt ngay vấn đề: đốt tài liệu, mặc dù vẫn có những dấu hiệu nghi vấn cháy do sự cố về điện.
Và do vậy Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã báo cáo nguyên nhân lửng lơ 50 - 50 cho hai khả năng. Sau khi được mời khám nghiệm, giám định vụ này, ông Vinh đã khoanh lại vùng cháy đầu tiên xảy ra tại khu vực để máy photocopy hiệu Ricoh FT, bởi ở đây có những dấu hiệu đặc trưng mà chỉ những người có nghề mới tính toán xác định được.
Vấn đề còn lại là cháy dây điện dẫn vào máy hay cháy từ bên trong máy. Không bỏ qua dấu vết, vật chứng nào, đặc biệt là những hạt đồng còn lại - đặc trưng cho hiện tượng chạm chập điện, ông Vinh xác định nơi xuất phát cháy đầu tiên tại bên trong máy chính là nơi lắp đặt biến thế nguồn và các bo mạch điện tử máy.
“Kết luận vụ này, mình phải đối đầu và chịu áp lực không nhỏ của dư luận khi có nhiều bài báo đã đặt ngược vấn đề” - ông Vinh nói.
Chiều 29/10/2002 xảy ra vụ thảm họa tại Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (TP.Hồ Chí Minh) thì ngày 1/11/2002, ông Vinh đưa ra kết luận: “Vùng cháy đầu tiên là khu vực bên phải vũ trường Blue, tốc độ cháy lan khoảng 0,6m/phút truyền theo phương nằm ngang, 1,2m/phút theo phương thẳng đứng, trong điều kiện nhiệt độ cao tốc độ cháy tăng gấp 3-5 lần”. Đám cháy từ đây lan đi mọi hướng.
Từ kết luận giám định này, cơ quan điều tra đã làm rõ vụ cháy rằng các thợ hàn đã bất cẩn khi hàn sắt.
Vết ám khói, hạt đồng, hướng đổ công trình..., theo tiến sĩ Vinh, là những dấu hiệu ban đầu để xác định vùng cháy và nơi cháy đầu tiên. Người ta nói rằng cháy là hết, nhưng với ông Vinh cháy vẫn còn. Đó là những gì có thể nói lên sự thật.
Nhất nghệ tinh!
Ông Vinh đang làm |
Bởi đứng trước một vụ cháy, người giám định phải tính toán, xác định được nhiệt độ cháy, chất cháy, nhiệt độ nóng chảy các vật liệu, qui luật cháy, hướng đổ công trình, các chất sinh ra sau các phản ứng...
Do vậy một kỹ sư điện, một kỹ sư hóa nếu làm công tác khám nghiệm, giám định sẽ không đánh giá hết một đám cháy.
Với tấm bằng tiến sĩ trong tay, mang lon thượng tá, nhưng hiện nay chức danh của ông chỉ là giám định viên cháy nổ, ông có thấy áy náy?
“Người ngoài khi nhìn vào những ai công tác trong khối nội chính, họ hay quan tâm ông nọ, bà kia có chức tước gì thì họ mới nể. Riêng mình nghĩ khác. Nếu mấy năm qua mình cứ loay hoay để có được chức phó, trưởng phòng gì đó thì nay mình đã là “người mù”. Bởi giữ chức vụ rồi tối ngày cứ phải lo đi họp, viết báo cáo, yêu cầu báo cáo, tiếp khách, tiễn khách... mất hết thời gian, lụt chuyên môn.
Từ người không biết nghề, được học nghề, làm việc rồi yêu nghề và quyết sống chết với nghề đã cho mình nhiều bài học đáng chiêm nghiệm. Nhưng điều mình phấn khởi nhất là đã góp phần giúp cơ quan điều tra tìm ra sự thật các vụ cháy một cách chính xác và nhanh nhất, giúp các chủ nhân bị hỏa hoạn rút ngắn thời gian bị làm khổ chủ”.
Qua thực tế, ông Vinh kết luận gần 90% các vụ cháy do sự cố về điện. Cũng chính nguyên nhân này, trong một đề tài khoa học mới đây, ông dự báo tình hình cháy tại khu vực phía Nam sẽ rất thảm hại năm bảy năm sau khi trang thiết bị, mà nhất là dây dẫn điện trong các nhà xưởng, công trình, chung cư cao tầng “giở chứng”, xuống cấp do nhiều nguyên nhân.
Điều nguy hiểm nhất, theo ông Vinh, là tình trạng chạy dây điện, đặt táplô, công tắc điện, bóng đèn điện quá nhiều bên trong nhà xưởng, kho chứa hàng.
Ông Vinh kể: “Tháng 5/2003, trước khi cải tạo kho hàng của mình, anh T. - Giám đốc Công ty TL ở TP. Hồ Chí Minh - ra Đồng Nai tham quan kho chứa hàng của Công ty TN vì cho rằng kho này được xây dựng đúng chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Không ngờ sau sáu tháng tham quan kho TN bị cháy. Và chỉ chín tháng sau đó, kho của anh T. cũng cháy do chỉ một nguyên nhân rất đơn giản: sự cố điện tại các bóng đèn treo lủng lẳng trong kho”.
25 năm để thành nghề quả là khó. Có một người yêu nghề rồi quyết sống chết với nghề quả cũng khó. Nhiều người lo ngại rằng sau năm năm nữa khi ông Vinh và vài đồng nghiệp của ông ở Hà Nội về hưu thì có mấy ai xứng tầm để kế tục?
Nguồn: www.tuoitre.com.vn ngày 3/10/2004.