Tiến sĩ cao-su
Trông anh Bích trẻ hơn nhiều so với tuổi 48. Anh kể: "Nhà nghèo, anh em lại đông tới 10 người, cha mẹ phải chạy gạo từng bữa. Có những bữa, 10 người ngồi quanh nồi cơm, mỗi đứa bới được một chén, đứa sau cùng phải vét nồi. Vì thế, không đủ điều kiện để ăn học, những anh chị lớn phải nghỉ học giữa chừng để các em nhỏ được đi học".
Lúc đó, anh học chưa hết lớp 11, phải nghỉ ngang xin vào nông trường cao-su Dầu Tiếng, Tây Ninh. Vốn học giỏi mà phải nghỉ học nửa chừng nên lúc đó anh rất tiếc. Ðã có lúc TS Nguyễn Ngọc Bích nghĩ rằng mình mãi mãi là công nhân. Nhưng dịp may đã đến, năm 1981, công ty có mở lớp bổ túc văn hóa tại chỗ. Từ nhân viên thống kê, anh xin về đội máy kéo để gần nơi học. Cứ thế, ban ngày theo đội xe đi khai hoang trồng mới, còn ban đêm cặm cụi đến trường học bổ túc. Chỉ hai năm anh đã tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, đồng thời tay nghề về thợ của anh đã là bậc 5/7.
Năm 1983, có thông báo lớp chuyên tu Ðại học Sư phạm Kỹ thuật, anh ghi danh và thi một lần đậu ngay. Ðược thoát khỏi công việc để học đại học, anh gặp phải khó khăn mới là cuộc sống chật vật. Ðể kiếm tiền trang trải việc học, anh đã từng làm bốc vác ngoài chợ. Tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục học cao học và làm luận án tiến sĩ. Anh nói rằng: "Cách đây 30 năm, lúc bỏ học đi làm, nghe đến chữ "tiến sĩ" thấy thật cao xa và vĩ đại".
"Cơ duyên nào một người tốt nghiệp đại học kỹ thuật về cơ khí như anh, lại chuyển hướng nghiên cứu môi trường?"- Tôi hỏi.
TS Bích trầm ngâm kể: "Cách đây 25 năm, khi còn là công nhân lái máy kéo cho nông trường cao-su, tôi đã quan tâm đến việc máy kéo đi trong lô cao-su làm chai đất, đứt rễ, có hại cho rừng cao-su. Từ suy nghĩ lúc xưa đó đã đưa tôi đến việc nghiên cứu cải tiến các thiết bị liên quan".
Tuy nhiên, anh có sự quan tâm về môi trường nhiều nhất khi tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật, về làm nhân viên phòng kỹ thuật của nhà máy. Lúc đó anh nghe nhiều lời than phiền của người dân về mùi hôi thối do nước thải của nhà máy chế biến cao-su. Mà cao-su là một trong những nguyên liệu chế biến cần nhiều nước nhất, vì thế việc giải quyết ô nhiễm cho các nhà máy cao-su là một vấn đề cấp bách.
Năm 1993, Tổng công ty cao-su hợp tác với Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nghiên cứu biện pháp xử lý nước thải cho ngành cao-su. Lãnh đạo ngành cao-su quyết định phải có người trong ngành đi học chuyên sâu về môi trường. Lúc đó, chỉ có anh là người viết và nói thông thạo tiếng Anh nên được cử sang Malaysia học cao học về môi trường.
Khi nói đến vấn đề ngoại ngữ, anh Bích cũng tâm sự rằng nhờ anh rất ham thích học tiếng Anh và hầu như chỉ tự học qua sách vở và băng cassette. Tuy nhiên, học kỳ đầu tiên ở Malaysia , anh gặp trở ngại trong giao tiếp. Bởi vì tiếng Anh tự học và tiếng Anh thực tế có khoảng cách. Lên lớp anh hiểu rất ít nhưng nhờ đọc giáo trình và giao tiếp với bạn bè, anh dần dần theo kịp. Hai năm sau, anh tốt nghiệp cao học, luận án tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc với đề tài "Xử lý ni-tơ nước thải của ngành chế biến cao-su".
Anh Bích đã tìm ra thủ phạm gây nên mùi hôi của nước thải cao-su và chế ngự nó.
Về nước, làm việc được một năm, anh quyết định thi nghiên cứu sinh. Anh nói "Sau cao học, nếu gián đoạn sự học lâu quá, thì khó tiếp tục trở lại". Vì thế, anh đã nhanh chóng tiếp tục học lên. Nhờ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, lại thêm kinh nghiệm trong hai năm học ở Malaysia nên anh Bích đã đỗ nghiên cứu sinh. Sau bốn năm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của GS-TS Lâm Minh Triết và GS-TSKH Lê Huy Bá, Nguyễn Ngọc Bích đã hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài "Xây dựng công nghệ xử lý nước thải cho ngành chế biến cao-su Việt Nam" - một công trình nghiên cứu rất thiết thực cho các nhà máy cao-su.
Từ năm 2003 đến nay, TS Nguyễn Ngọc Bích đã có 15 công trình được công bố, trong đó có sáu công trình đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Những công trình anh tâm đắc nhất là xử lý môi trường bằng các biện pháp rẻ tiền. Ví dụ như việc sử dụng xơ dừa làm giá thể cho bể xử lý sinh học. Trước đây, người ta thường sử dụng ống ruột gà bằng nhựa PVC để thu hút sinh vật bám vào đó không trôi ra ngoài. Sử dụng bằng xơ dừa hiệu quả cao hơn mà lại ít tiền. Một nghiên cứu khác của anh là khống chế mùi hôi do khí H2S thải ra từ nước thải. Biện pháp đơn giản, rẻ tiền của anh là dựa vào sự quang hợp của tảo Cholorella (tảo đơn bào) để khống chế mùi hôi.
Hiện nay, nghiên cứu của TS Bích đã được nhiều nơi áp dụng như Nhà máy cao-su Lộc Ninh, Công ty rượu bia Vạn Phú (Bình Ðịnh).
Nguồn: nhandan.com.vn, 18/12/2007