Tiên phong trong bảo vệ nguồn nước và cộng đồng ven sông
Cấp nước sạch và tạo sinh kế cho dân
Để tạo nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng cho các dự án can thiệp trên địa bàn, WARECOD đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu. Đây cũng là tiền khả thi cho các dự án phát triển cộng đồng và các hoạt động tư vấn vận động chính sách của WARECOD.
Từ khi thành lập tới nay, các nghiên cứu của WARECOD tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là: Nghiên cứu tri thức bản địa (Thai Baan Research) và Nghiên cứu về sinh kế và tiếp cận nước sạch của cộng đồng ven sông.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Siemenpuu, OSI và Birdlife, từ 2007 đến nay, 5 nghiên cứu tri thức địa phương về nguồn lợi thủy sản đã được triển khai ở các khu vực: Phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế, sông Hồng, sông Gâm và sông Năng. Những nghiên cứu này đã giúp xây dựng năng lực cho người dân địa phương, và đã tạo ra những tư liệu có giá trị về nguồn lợi thủy sản và giá trị văn hóa của các cộng đồng dân chài ở các khu vực này.
Bên cạnh đó, có thể kể tới các dự án nghiên cứu xã hội liên quan đến sinh kế và tiếp cận nước sạch của cộng đồng như Nghiên cứu về tác động của nguồn nước sông ô nhiễm tới sản xuất và sức khỏe của cộng đồng tại huyện Quỳ Hợp tài trợ bởi tổ chức McKnight; Nghiên cứu về sinh kế và tiếp cận với nước sạch của phụ nữ vạn chài dọc theo sông Hồng ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội được tài trợ bởi tổ chức GFW; Nghiên cứu về trương trình phát triển cây cao su và khả năng giải quyết sinh kế bền vững ở Sơn La do tổ chức Sông ngòi Quốc tế tài trợ.
Từ các kết quả nghiên cứu, WARECOD đã triển khai nhiều dự án phát triển cộng đồng. Điển hình là Chương trình phát triển cộng đồng của WARECOD đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cung cấp nước sạch, xử lý nước ô nhiễm asen, cải thiện điều kiện vệ sinh trường học và phát triển cộng đồng ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây (cũ) và Nghệ An. Các dự án triển khai tại 4 địa phương trên đều áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển cộng đồng lồng ghép, nhưng có sự đa dạng trong các hoạt động triển khai.
Dự án cấp nước, xây trường học và khuyến nông – khuyến lâm tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn: Hỗ trợ người dân tộc Tày đưa nước sạch để sử dụng tại nhà, xây trường học tại thôn cho các em học sinh, lắp đặt hệ thống thuỷ điện nhỏ để cấp điện cho trường học đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp khuyến nông tăng năng suất cây trồng để bảo đảm an ninh lương thực.
Dự án xử lý nước nhiễm Asen tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Trường mầm non, 2 trạm y tế xã và gần 100 hộ gia đình nghèo trong vùng dự án xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước nhiễm Asen bằng đá ong tự nhiên.
Dự án cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh cho các trường học và nâng cao sinh kế cho người dân xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 3 trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trong xã xây dựng hệ thống vệ sinh với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại và lắp đặt hệ thống cấp nước uống trực tiếp sử dụng màng lọc RO đồng thời hỗ trợ nông dân địa phương cải tạo hệ thống kênh mương và các biện pháp khuyến nông tăng năng suất cây trồng và vật nuôi
Dự án phát triển cộng đồng lồng ghép cho cộng đồng người Thái tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An hỗ trợ các phụ nữ người Thái các kiến thức, kỹ thuật liên quan tới các hoạt động tăng thu nhập để cải thiện kinh tế hộ gia đình đồng thời xây dựng hệ thống cấp nước tự chảy cho người dân vùng khan hiếm nước.
Ngoài ra, có thể kể tới dự án “Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước”, do WARECOD phối hợp thực hiện dưới sự tài trợ của Oxfam Quebec, tại địa bàn xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Dự án đã hỗ trợ cho bà con các máy bơm Honda Gx-160 cùng hệ thống ống dẫn để dẫn nước từ sông Gâm đến các ao trữ nước, đảm bảo đủ nước tưới trong mùa khô.
Chị Giàng Thị Mỷ, người thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông, chia sẻ: “Mùa khô, chúng tôi phải đi xách nước xa tới cả 5-7 km, có khi không có xe chở, phải lội bộ. Giờ có máy bơm và bể dự án hỗ trợ, chúng tôi mừng lắm, từ giờ không còn phải vất vả mới mang được cái nước về nhà!
Cùng với việc cấp nước cho những vùng khó khăn, WARECOD đã thực hiện nhiều dự án tuyên truyền, hỗ trợ người dân sống ven sông bảo vệ nguồn nước tự nhiên.
Tại xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, WARECOD đã cử đoàn cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương triển khai hoạt động thành lập Nhóm bảo vệ tài nguyên nước tại thôn Nà Mạt. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phương pháp tiếp cận lưu vực sông tại lưu vực sông Lô – Gâm, miền núi phái Bắc” do tổ chức SIDA tài trợ.Thành phần nhóm bảo vệ nguồn nước gồm lãnh đạo thôn, đại diện một số đoàn thể trong thôn và một số người dân có kinh nghiệm, am hiểu về sông, suối, các khe nước cũng như các loài sống trong đó.
Vận động chính sách xuyên quốc gia
Với vai trò là tổ chức nòng cốt của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), những năm qua, WARECOD đã nỗ lực cùng các thành viên trong mạng lưới tổ chức nhiều hoạt động vận động chính sách nhằm bảo vệ nguồn nước các dòng sông. Hoạt động này không chỉ thực hiện ở trong lãnh thổ Việt Nam mà còn diễn ra ở các diễn đàn khu vực.
Ở Việt Nam, hoạt động vận động chính sách nổi bật nhất của VRN thời gian gần đây chính là kiến nghị dừng xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai. VRN đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan liên quan để chứng minh rằng việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực như mất rừng, phá vỡ sự đa dạng sinh học,… đặc biệt ảnh hưởng nặng đến việc cung cấp nước cho các vùng hạ lưu thuộc Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh.
Trên phương diện quốc tế, VRN đã vận động ngừng xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên sông Mê Công (đoạn qua Lào). Để thực hiện cuộc vận động này, VRN đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức ở Việt Nam, trong khu vực và quốc tế tổ chức các cuộc nghiên cứu quy mô, hội thảo, diễn đàn… nhằm cung cấp bằng chứng gửi tới các chính phủ các quốc gia nơi sông Mê Công chảy qua.
Năm 2013, Liên minh cứu trợ sông Mê Công mà VRN là thành viên đã gửi thư tới Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan bày tỏ “lo ngại rằng công trình xây dựng đầu tiên trong chuỗi dự án, đập Xayaburi, sẽ gây nguy hại cho tương lai của dòng sông”. Theo đó, đập Xayaburi đã tạo tiền lệ rất nghiêm trọng là coi nhẹ các nguyên tắc hợp tác vùng và đe dọa sinh kế của hàng triệu người. Mặc dù các nhà phát triển dự án cho rằng con đập sẽ không có bất cứ ảnh hưởng xuyên biên giới nào, các bằng chứng khoa học của Ban thư kí Ủy hội Sông Mê Công (MRC) và các nhà nghiên cứu độc lập lại chỉ ra điều ngược lại. Đập Xayaburi và các con đập được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công sẽ mang lại những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến an ninh lương thực, phát triển kinh tế và môi trường bền vững đối với nước Lào nói riêng và các nước thuộc khu vực Mê Công nói chung. Trong khi mức độ ảnh hưởng còn chưa được đánh giá toàn diện, thì việc xây dựng đã bắt đầu được tiến hành.
Liên minh yêu cầu sự trợ giúp của lãnh đạo các quốc gia trong việc: Công bố thiết kế cuối cùng của đập Xayaburi; Đảm bảo thời gian cần thiết cho nghiên cứu tác động dự án; Giải quyết sự chưa rõ ràng trong quá trình PNPCA trước khi đề xuất thêm các con đập khác; Thực hiện một quy trình tham vấn vùng đích thực; Kêu gọi sự dàn xếp từ phía thứ ba; Tìm ra các lựa chọn phát triển thay thế khác có thể giữ cho hạ lưu con sông Mê Công được chảy tự do.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan - Ngài Prayuth Chan-ocha đến Việt Nam, VRN đã có thư ngỏ gửi tới Thủ tướng để bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng liên quan đến các dự án thủy điện Xayaburi đã được đề xuất tại Lào.