Tiền Giang: Góp ý Báo cáo Quy hoạch cuối kỳ thời kỳ 2021-2030
Ngày 9/8/2022, TS Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang chủ trì hội thảo khoa học góp ý dự thảo “Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý từ các viện, trường đại học ở trong và ngoài tỉnh tham dự.
Nguyễn văn Khang – Chủ tịch Liên hiệp Hội Tiền Giang phát biểu tại hội thảo
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), báo cáo quy hoạch do liên danh giữa Công ty Haskoning DHV Nederland B.V, Viên Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tiến phối hợp thực hiện.
Báo cáo Quy hoạch gồm 2 phần với tổng số 11 chương. Nội dung tập trung phân tích điều kiện đặc thù và bối cảnh phát triển của Tiền Giang; định hướng chính của Quy hoạch tổng thể; các định hướng kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển không gian; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội.
Chiến lược phát triển không gian tổng thể nhấn mạnh “3 tầm” và “1 dải”. Trong đó, “3 tầm” bao gồm: (1) Trung tâm đô thị tổng hợp Mỹ Tho, gồm cả Mỹ Tho, Châu Thành và Chợ Gạo, là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, là đô thị vệ tinh cửa ngõ vùng TP. Hồ Chí Minh; (2) Trung tâm kinh tế biển Gò Công gồm toàn vùng Gò Công Đông và cù lao Tân Phú Đông, tập trung vào đô thị biển, du lịch, công nghệ số, với trung tâm là đô thị Gò Công Đông; (3) Trung tâm đô thị lớn cấp vùng ở Tân Phước, kinh doanh nông nghiệp, chế biến nông sản, chế tạo, phát triển hệ thống đô thị công nghiệp mới và phân tán thành hệ sinh thái đô thị - công nghiệp. Dải ven sông Tiền phát triển mới thành một trục đô thị trọng điểm cấp vùng TP. Hồ Chí Minh, gồm nhiều điểm đô thị du lịch nhỏ, kết hợp với các cù lao sông. Theo đó, các kịch bản (KB) được đưa ra, bao gồm: KB1 – Tiền Giang phát triển theo định hướng hiện nay của tỉnh, phát triển đồng đều, phát huy điều kiện hiện trạng; KB2 – Kịch bản tăng trưởng xanh và bền vững; KB3 – Kịch bản tăng trưởng đột phá, phát huy mọi tiềm lực chính và cơ hội mới của tỉnh. Kịch bản chọn là sự kết hợp giữa 3 kịch bản trên với những định hướng lớn như: Đến năm 2025, phát triển dựa trên những định hướng, dự án hiện tại, đặc biệt, theo định hướng trong Nghị quyết 25, trở thành tỉnh có phát triển cân đối; giai đoạn 2025 – 2030, tạo nền tảng tăng trưởng xanh và một số đột phá trong những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (về cơ abrn theo KB 2); giai đoạn 2030 – 2050, tăng trưởng đột phá theo hướng phát huy những đặc điểm địa kinh tế quan trọng nhất của Tiền Giang theo KB 3.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao nội dung báo cáo quy hoạch; đồng thời, bổ sung nhiều lý luận, cơ sở khoa học quan trọng để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch như: Chưa mô tả lợi thế khác biệt và cơ hội nổi trội của Tiền Giang trong không gian phát triển q ua liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tầm nhìn chiến lược và trụ cột đột phá của Tiền Giang là trở thành tỉnh công nghiệp xếp thứ ba của quốc gia nhưng hiện tại Tiền Giang dựa vào nông nghiệp là chủ yếu; quy hoạch chưa chú trọng vào tài nguyên biển, kinh tế biển mà Tiền Giang có lợi thế; về thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, đề nghị cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (thay cho kịch bản năm 2016); việc lựa chị kịch bản trong quy hoạch chưa nêu rõ phương pháp tiếp cận để xây dựng kịch bản cũng như cơ sở khoa học của việc lựa chọn kịch bản; đề nghị bổ sung hành lang dọc sông Tiền, định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản, trái cây gắn với các đô thị sinh thái; khi xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, nên tích hợp, chồng xếp quy hoạch (bản đồ số), tránh chồng chéo; các phương lập quy hoạch, chỉ nêu tên và nội dung các phương pháp, chưa trình bày cách thức thực hiện…