Thúc đẩy sáng tạo khoa học công nghệ trong thanh thiếu niên, nhi đồng
Cuộc thi Sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong nhiều năm nay. Những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi gây được tiếng vang. Đề tài của các em thể hiện rõ cái nhìn mới về cuộc sống, nhận ra các nhu cầu cấp thiết của nhà trường, gia đình, xã hội và tìm được cách giải quyết mới.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau
Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” đạt mục tiêu là khơi dậy và phát huy khả năng tư duy, tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh phát huy năng lực sáng tạo, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đạt được kết quả đó là nhờ có sự phối hợp và chủ động của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh đoàn trong việc phổ biến, tuyên truyền kế hoạch, thể lệ cuộc thi và có biện pháp nhắc nhở các đơn vị vận động thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia cuộc thi”.
Học sinh đến với cuộc thi này đều xuất phát từ sự yêu thích khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học, dù đó là lĩnh vực thuộc khối khoa học xã hội hay khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật cơ khí… Các em phải quan sát cuộc sống và tự đưa ra những ý tưởng, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Quá trình từ khi “thai nghén” ý tưởng đến khi đề ra các giải pháp và bắt tay vào thực hiện, có khi kéo dài hàng năm trời. Chính điều này đã rèn giũa cho các em cách làm việc khoa học và bồi đắp niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo.
Cũng nhờ quá trình “thai nghén” đó, các nghiên cứu, sáng chế của học sinh mang tính ứng dụng ngày càng cao. Sản phẩm khoa học kỹ thuật mà các em mang đến không chỉ thể hiện rõ óc quan sát, sự quan tâm đời sống thực tiễn, mà còn cho thấy tinh thần nhân văn của các cô cậu học trò. Một điều đáng mừng nữa là nhiều phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động “vừa chơi vừa học” này, nên rất ủng hộ con em mình tham gia. Thậm chí, họ còn là tác nhân quan trọng để lan tỏa những sân chơi này.
Tiềm năng sáng tạo của giới trẻ ở tỉnh Cà Mau lớn, nhiều học sinh ban đầu đến với cuộc thi chỉ với tinh thần học hỏi, thử sức mình. Nhưng sân chơi kỹ thuật này có sức hút kỳ lạ với các em. Các em liên tiếp tham gia cuộc thi nhiều năm liền, rồi có khi quyết định học đại học ở khối ngành liên quan đến những đề tài mà mình đã thực hiện. Với những tiền đề đó, học sinh sẽ có khả năng học tập, nghiên cứu, đạt kết quả tốt hơn ở các bậc học trên.
Sự phát triển của cuộc thi cũng cho thấy công tác nghiên cứu khoa học đang được chú trọng nhiều hơn ở các trường phổ thông; đồng thời chứng tỏ khả năng hướng dẫn học sinh làm quen với công tác nghiên cứu khoa học của giáo viên ngày càng được nâng cao. Đây là một trong những hướng đi đúng đắn để tạo nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi
Từ năm 2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng hàng năm. Đây là một hoạt động khoa học công nghệ có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tạo, phát hiện và khai thác tiềm năng trí tuệ, sáng tạo của thanh, thiếu niên và nhi đồng, góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ tỉnh nhà.
Năm 2016, lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi chỉ nhận được với 6 sản phẩm dự thi, nhưng các năm sau số đề tài dự thi đã tăng lên đáng kể. Để thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, thanh thiếu niên nhi đồng trong tỉnh, Ban Tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm việc trực tiếp với tất cả các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các Trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ngay khi kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã phát động và ban hành Thể lệ cho Cuộc thi năm sau. Cùng với đó, cơ quan thường trực Ban Tổ chức là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều hình thức tuyên truyền, vận để giới thiệu, hướng dẫn Thể lệ Cuộc thi một cách cụ thể nhất.
Cuộc thi năm 2017 là Cuộc thi lần đầu tiên (năm 2016 mới làm thí điểm) tỉnh ta chính thức đứng ra tổ chức do Liên hiệp Hội tỉnh chủ trì cũng đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, có 31 đề tài đăng ký dự thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 25 giải thưởng với 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Đặc biệt trong 6 đề tài lần đầu tiên tỉnh ta gửi đi dự thi toàn quốc có 2 đề tài đạt giải thưởng với 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích và được xếp vào tỉnh trung bình khá của khu vực miền Trung -Tây Nguyên.
Cuộc thi năm 2018 là năm thứ 3 tỉnh ta chính thức tổ chức, nhưng đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, đã có 53 đề tài dự thi; trong đó có 29 đề tài đạt giải thưởng; có 9 đề tài được Ban Tổ chức Cuộc thi gửi dự thi toàn quốc và đã có 1 đề tài đạt giải khuyến khích. Đến nay, sau 5 năm tổ chức, với 5 lần trao thưởng, Cuộc thi đã lan tỏa rộng khắp trên toàn tỉnh, với hơn 164 đề tài dự thi và có trên 105 đề tài được nhận giải thưởng ở từng lĩnh vực khác nhau; đặc biệt các em học sinh ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ cũng đã nhận được giải thưởng Cuộc thi.
Qua 5 lần tổ chức, cho thấy Cuộc thi không ngừng được mở rộng về quy mô và số lượng, chất lượng mô hình, sản phẩm tham gia, sức lan tỏa của Cuộc thi ngày càng rộng khắp. Hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường học. Nhiều sản phẩm dự thi có sự đầu tư công sức nghiên cứu nghiêm túc, thuyết minh rõ ràng, mô hình đẹp, mới, giàu tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng ở nhiều lĩnh vực cuộc sống. Trong đó, có thể kể đến các ý tưởng như mô hình “Cano cứu hộ điều khiển từ xa cho người đuối nước” của các em Phan Văn Danh, Huỳnh Công Nhật, Võ Quang Phát, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng; mô hình “Robot cứu hỏa” của em Đặng Văn Thành, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn; đề tài “Nghiên cứu sản xuất dấm gỗ từ một số phế phẩm nông nghiệp” của các em Phạm Ngọc Phục, Nguyễn Thị Thùy Trang , học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng; đề tài: “Máy vẽ bánh kem- In 3D đa vật liệu” của em Phạm Hồng Thái, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn; đề tài Phần mềm hỗ trợ nhập liệu bằng giọng nói cho Microsoft Word của em Lê Nguyễn Minh Châu, học sinh Trường THPT số 1 Đức Phổ… Đây là những ý tưởng được các em hình thành từ những kiến thức, kỹ năng đã học được, cộng thêm lòng đam mê tìm tòi, sáng tạo mà nhiều em học sinh đã cùng nhau sáng chế các sản phẩm rất hữu ích, thiết thực với cuộc sống.
HT.