Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 15/05/2006 13:37 (GMT+7)

Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc: vinh quang và lặng lẽ

Phải đầu những năm 1980, do làm việc ở một ngành cơ mật của lực lượng Công an, tôi mới được biết đến Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc. Nhiều đồng đội đã nói với tôi về ông bằng những tình cảm nể trọng, nhiều câu chuyện pha chút huyền thoại khiến tôi, một người thuộc thế hệ sau, khi gặp ông lúc đó đang là một chuyên gia đầu ngành về toán học, máy tính quả thật không dám lại gần. Nhưng nhìn đôi mắt ông sáng quắc, trong veo, nhìn ai cũng toát lên sự thiện cảm thân thiện, khuôn mặt rung lên những nét thần thái trân trọng người mới gặp như mời gọi, cộng với lối ăn mặc giản dị, sạch sẽ nhưng thiếu sự chăm chút của một bàn tay phụ nữ đã cuốn hút tôi.

Vậy là Ban Chấp hành đoàn chúng tôi bàn nhau mời vị Giáo sư ấy đến nói chuyện với tuổi trẻ. Trong câu chuyện với Đoàn Thanh niên ở Hội trường Bộ Công an số 44 phố Yết Kiêu, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Đình Ngọc đứng trên bục với dáng người nhỏ thó rơm rớm nước mắt trong sự im lặng đến tuyệt đối: "Thưa các đồng chí! Tôi vụt thành người lớn trên một quả đồi lúc mới 16 tuổi năm 1947. Lúc ấy tôi nằm trong bụi cây, nhìn thấy lính Pháp châm lửa đốt nhà, cầm lưỡi lê và súng tàn sát bà con thân thích của mình mà không dám hét lên. Trái tim tôi vụt lớn và trở thành cán bộ điệp báo của Công an Liên khu 4 từ đó".

Có lẽ trong Điếu văn đọc trước linh cữu Thiếu tướng, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc ngày 8/5, những đồng đội thân thiết, những nhà khoa học, những người bạn trong và ngoài nước yêu quý ông sẽ không còn thời gian để kể thêm về những ngày người chiến sĩ điệp báo Nguyễn Đình Ngọc đã phải "nếm mật nằm gai" như thế nào trong lòng địch.

Gia đình ông ở làng Phượng Dực, Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, một làng vốn có nhiều văn nhân, kẻ sĩ. Vậy mà cha ông, một người yêu nước hết lòng đã bị giặc Pháp bắn chết trong một trận càn, chàng trai Nguyễn Đình Ngọc với trái tim rớm máu đã sớm có suy nghĩ phải làm gì để đánh đuổi thực dân, đem lại trí tuệ cho những người dân quê do yếu kém lạc hậu mà bị làm nô lệ.

Trong buổi nói chuyện ngày xưa ấy, ông kể rằng, bắt đầu từ Giám đốc Công an Liên khu 4 - Nguyễn Hữu Khiếu, chàng thanh niên khôi ngô, thông minh, giàu dũng khí Nguyễn Đình Ngọc được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn để mắt tới và quyết định đào tạo "đánh" anh vào lòng địch tại miền Nam dưới sự điều khiển đơn tuyến từ miền Bắc tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Một chàng thanh niên "nhà quê", một thân một mình giữa lòng địch, nhưng Nguyễn Đình Ngọc đã tự mình làm nên tất cả, ông chúi mũi vào học hành với tâm vọng học giỏi để sau này lọt vào mắt xanh của địch, từ đó mà "chui sâu leo cao" giúp cho ngành An ninh. Vậy là ông cố học, nhịn đói để học, học thâu đêm đến mức đau cả dạ dày, thi đỗ và được cử sang Pháp du học.

Từ năm 1955 - 1966, nhiều lần Nguyễn Đình Ngọc mất hết liên lạc với An ninh miền Bắc, đến mức có người đã đặt câu hỏi, liệu người thanh niên yêu nước ấy có còn giữ được chí khí. Nhưng Nguyễn Đình Ngọc vẫn giữ nguyên tấm lòng son. Những ngày học ở Pháp, thật khó tưởng tượng là ông đã bảo vệ thành công 2 luận án Tiến sĩ toán học và địa lý học tại Trường Đại học Sorbonne của Pháp. Cũng thật khó tưởng tượng là thời gian này, ông là một người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng của Pháp như Đại học Hải Công, Đại học Viễn Thông, Đại học Sorbonne...

Có lần ông kể với tôi, vì ông tự ái, tại sao người Việt Nam lại không thể giảng bài ở Pháp mà không nhìn vào giáo án. Thế là suốt nhiều đêm ông đã đọc và thuộc lòng giáo án đại học. Sáng hôm sau vào lớp, ông chỉ cầm một chiếc bút và thao giảng những kiến thức cao siêu trước sự ngạc nhiên của sinh viên nước ngoài.

Ông còn nhớ, sau nhiều ngày mất liên lạc ở Pháp, trong một đêm ở nhà trọ, ông mở sóng Đài tiếng nói và khóc trào nước mắt khi được nghe giọng nói của Bác Hồ phát biểu trong một chuyến thăm nước ngoài. Bác dừng lời, nhưng nước mắt ông vẫn tuôn trào rồi vội vàng len lén lau khi nghe có tiếng gõ cửa của khách lạ...

Những ngày ở Paris tráng lệ, dẫu mất liên lạc với tổ chức, nhưng trái tim ông luôn hướng về Tổ quốc, luôn ứa máu kỷ niệm chứng kiến tội ác của kẻ thù trên một quả đồi năm 1947. Vì thế, ông tạm biệt vợ và con trai ở Pháp, trở lại miền Nam trong những ngày đất nước còn chia cắt và nhiều năm giảng dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn để tìm mọi cách bắt liên lạc với An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng vô cùng cam go, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, ông cũng không ngờ chuyến trở về tạm biệt vợ con ngày đó... trở nên xa vời mãi mãi... Có lần ông kể với bọn trẻ chúng tôi, ngày 3/9/1969, ông đang dạy ở Huế, lúc nghỉ trưa xuống nhà ăn, ông vừa bê bát cơm lên thì nghe một giáo sư "phía bên kia" ghé tai nói giọng buồn rầu "Cụ Hồ mất rồi!". Nguyễn Đình Ngọc ngước mắt lên, vội nuốt nước mắt vào trong vờ giữ khuôn mặt tỉnh bơ mà lòng đau nhói. Ông bỏ vội bát cơm, đi vội về phòng úp mặt vào tường mà khóc. Cho đến trước lúc từ biệt cõi trần, tiếc thay Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc cũng chưa một lần giải thích với ai nỗi đau đớn, cô đơn, sự nghiệt ngã của người làm tình báo là thế đó...

Có lẽ cũng ít người biết những câu chuyện huyền thoại kể về ông mà phần lớn là sự thật. Nhiều cấp dưới là đồng nghiệp trẻ của ông thường lượm lặt kể cho nhau nghe tài nghệ xem chiêm tinh của ông. Nghe đâu, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người được giới chính trị cấp cao chính quyền Sài Gòn hay cậy nhờ xem về hậu vận, ở một vị trí với uy tín vỏ bọc thuận lợi như thế, những tin tức tình báo chuyển về An ninh Trung ương Cục sẽ vô cùng có giá trị.

Càng leo cao, người tình báo như ông càng cô đơn trong thực hiện nhiệm vụ, đó sẽ là điều dường như Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc muốn gửi gắm cho đồng nghiệp trẻ. Bởi có thời gian, do hoạt động đơn tuyến, ông cũng bị đặt nhiều dấu hỏi; thậm chí đến sau giải phóng miền Nam năm 1975, nhiều người trong lực lượng Công an còn chưa biết Nguyễn Đình Ngọc là ai, cả khi năm 1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ thuật và tháng 10/1994 được phong hàm Thiếu tướng.

Mãi mãi xung quanh ông là một bức màn bí mật. Nhưng có điều này thì rất nhiều người biết, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người đặt nền móng và phát triển có hiệu quả nhất mạng thông tin tin học, viễn thông trong lực lượng CAND. Ông cũng là người thiết tha và đam mê với công tác phát triển công nghệ thông tin của nước nhà khi mà dù bận bịu với chức vụ Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông - Tin học thuộc Bộ Công an, ông cũng sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban chỉ đạo 49/CP - Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Có điều rất đáng khâm phục ở nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc, dù làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay to, ông đều dốc hết tài năng và tâm trí nhằm đạt tới kết quả tối ưu.

Trong nghề tình báo Việt Nam, cũng quả là hiếm có một người như ông, 49 năm công tác, chiến đấu liên tục trong lực lượng Công an. Lúc cô đơn lặng lẽ, lúc vinh quang một mình, bền bỉ giữ vững một niềm tin và trí tuệ để phấn đấu trở thành một Giáo sư, một nhà khoa học với 2 bằng Tiến sĩ khoa học được cả giới khoa học trong và ngoài nước nể trọng. Ông đạt tới đỉnh cao của khoa học không phải để tìm kiếm vinh quang mà cốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Luôn ngời sáng trong ông bản chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người chiến sĩ Công an nhân dân tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, liêm khiết, giản dị, trung thực, thân ái với đồng chí, đồng đội, được mọi người kính mến

Nguồn: cand.com.vn

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…