Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 12/12/2005 23:43 (GMT+7)

Thiếu tướng, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp - Một người con Hà Nội

Tác phẩm gây tiếng vang trong giới y học Việt Nam và Pháp, sách gối đầu giường của các nhà nghiên cứu, các thầy giáo, sinh viên các trường đại học. Ở nước ta, giáo sư Đỗ Xuân Hợp lần đầu tiên được nhận giải Tes Tut, cho đến ba mươi năm sau, năm 1980 giáo sư Tôn Thất Tùng là người thứ hai và là người thứ mười trên thế giới được nhận giải này.

Trong thời thuộc Pháp, nước ta không có tên trên bản đồ thế giới, người Pháp coi người Việt Nam là “dân Anamít hèn hạ” thế mà Viện Hàn lâm y học Pháp phải thừa nhận tài năng xuất sắc của giáo sư Đỗ Xuân Hợp. Tên tuổi của một người Việt Nam - Giáo sư Đỗ Xuân Hợp được đặt ngang tên một người Pháp - giáo sư Pierre Huard trên bìa sách được giải thưởng khoa học của nhà nước Pháp. Một trợ lý giải phẫu người Việt, khi viết chung cuốn sách ấy mới có bằng Y sĩ - Đỗ Xuân Hợp đủ tài năng hợp tác với thầy giáo người Pháp, Giám đốc Viện Giải phẫu đồng thời là Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội - giáo sư Pierre Huard. Ông đã đem lại vinh quang và niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Nhân cách giáo sư cùng với niềm tự hào dân tộc càng được nhân lên khi giáo sư, tận tâm phục vụ kháng chiến, thiếu thốn đủ điều nhưng lại từ chối việc đến Thủ đô Paris nhận giải thưởng Tes Tut cùng với số tiền thưởng 32.000 USD. Từ một trò nghèo của đất Thăng Long, Đỗ Xuân Hợp tự học tự nghiên cứu trở thành trợ lý giải phẫu cho giám đốc Viện Giải phẫu Hà Nội... Ông cũng đã miệt mài học tập, nghiên cứu, giảng dạy nghiêm túc trong suốt 10 năm (1932 - 1942) để đạt vinh quang trong khoa học: được nhận giải thưởng y học lớn tầm cỡ thế giới.

Giải thưởng Hồ Chí Minh


Cách mạng tháng Tám thực sự là cuộc hồi sinh kỳ diệu cho toàn dân tộc trong đó có lớp trí thức yêu nước được đào tạo dưới chế độ thực dân.Cách mạng tháng Tám, lãnh tụ Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn, cảm hóa lạ lùng. Được chứng kiến giờ phút thiêng liêng tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, giáo sư Đỗ Xuân Hợp ý thức được con đường đi của mình. Bắt đầu từ việc mở các lớp huấn luyện hồng thập tự cho nữ sinh các trường trung học. Ông được cấp trên tín nhiệm cử làm Chủ tịch ủy ban hành chính lâm thời khu phố Chợ Hôm, Hà Nội. Đầu năm 1946, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp tình nguyện tham gia quân đội được Cục Quân y đưa lên Việt Trì xây dựng bệnh viện quân y chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến. Trong ba năm đầu của cuộc kháng chiến (1947 - 1949) mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, với cương vị Viện trưởng Viện Quân y liên khu X, bác sĩ Hợp làm được nhiều việc trên cương vị là người tổ chức, lãnh đạo Viện cũng như với tư cách bác sĩ quân y. Đầu năm 1950 ông được điều về làm Trưởng phòng Huấn luyện của Cục Quân y vừa tham gia giảng dạy cho Trường Quân y sĩ và Trường Đại học Y khoa. Sau cách mạng tháng Tám, các trường đại học y khoa đều dùng giáo trình và giảng dạy bằng tiếng Pháp. Bác sĩ Hợp thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban tu thư và ấn loát tài liệu, giáo trình vận động đồng nghiệp tham gia. Ban ngày Đỗ Xuân Hợp làm công tác chuyên môn, tham gia giảng dạy nhưng đêm đêm dưới mái nhà tranh đơn sơ cùng ngọn đèn dầu ông cặm cụi với công việc biên soạn giáo trình tiếng Việt. Sau gần hai năm, mùa thu năm 1951, cuốn sách “Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa” được Cục Quân y xuất bản. Cuối năm 1952 cuốn thứ hai “Giải phẫu bụng và thực dụng ngoại khoa” ra đời. Những cuốn sách đầu tiên của nền y học nước ta viết bằng tiếng Việt được gửi lên xin ý kiến Hồ Chủ tịch. Người chỉ định một tiểu ban giám định gồm các bác sĩ nổi tiếng: Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng và Vũ Văn Cẩn. Những nhận xét tốt của tiểu ban cả về nội dung khoa học và giá trị thực tiễn nhanh chóng được báo cáo Bác và Người đã quyết định tặng bác sĩ Đỗ Xuân Hợp Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Tấm Huân chương đầu tiên tự tay Người ký tặng cho một trí thức yêu nước, một vinh dự lớn lao đối với ông cũng là niềm tự hào của những người trí thức Việt Nam đi kháng chiến. Đó là hai trong bốn tập của bộ sách về giải phẫu người mà hai mươi năm sau giáo sư mới có điều kiện để hoàn chỉnh: “Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ” “Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi” “Giải phẫu ngực” và “Giải phẫu bụng”. Một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày bộ sách hoàn chỉnh, hơn mười năm sau khi giáo sư qua đời, bộ sách y học nổi tiếng của ông được Nhà nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về khoa học kỹ thuật đợt đầu tiên cùng với các giáo sư Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng...

Thầy thuốc, thầy giáo mẫu mực


Cuối năm 1932, y sĩ Đỗ Xuân Hợp được bổ nhiệm Trợ lý giải phẫu ở Viện giải phẫu thuộc trường Đại học Y khoa Đông Dương. Hơn mười năm làm việc chăm chỉ, vừa giúp việc cho Viện trưởng vừa tham gia chữa bệnh tại Bệnh viện Phủ Doãn, ông đã hoàn thành chương trình bác sĩ y khoa. Năm 1944, Đỗ Xuân Hợp được công nhận là giảng viên trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trong kháng chiến, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được giao nhiều chức vụ quan trọng: Viện trưởng Viện Quân y Liên khu X chỉ đạo các bệnh viện dã chiến tham gia phục vụ nhiều chiến dịch lớn từ Thu đông - 1947, Biên giới, Quang Trung, Trần Hưng Đạo đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đồng thời là hiệu trưởng trường Quân y sĩ. Sau ngày hòa bình, ông vẫn tiếp tục giữ những trọng trách trong ngành: Hiệu trưởng trường sỹ quan quân y nay là Học Viện quân y, Chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu của trường đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1955, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư - giáo sư đầu tiên của ngành y nước ta và là một trong mười hai giáo sư đầu tiên dưới chế độ mới.

Người con ưu tú của Hà Nội


Giáo sư Đỗ Xuân Hợp sinh ngày 8-7-1906 tại phường Hàng Đào, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Hà Nội không chỉ là nơi ông sinh ra, lớn lên mà còn gắn liền với mọi mặt hoạt động khoa học, chính trị của giáo sư. Góp phần vào thành công của giáo sư không thể không nói đến người vợ hiền thục của ông cũng là một người Hà Nội - bà Nguyễn Thị Thịnh, nữ sinh trường Đồng Khánh hồi bấy giờ. Bà là người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng, là chỗ dựa vững chắc cho giáo sư trong cuộc sống cũng như trong công tác của ông. Tuần trăng mật qua nhanh, bà quyết định nghỉ dạy học theo chồng lên vùng cao heo hút. Để khuyến khích chồng học tập, bà đã cùng ông đăng ký học bằng cách gửi thư tại trường Đại học tổng hợp Paris, Pháp. Hai ông bà kiên trì học tập và đã tốt nghiệp vào năm 1933. Cách mạng tháng Tám thành công, bà hăng hái hoạt động trong Hội cứu đói, là một trong những người đầu tiên sáng lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vào năm 1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự, bà là Hội phó. Cũng như giáo sư, những lần được gặp Bác là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ. Bác coi vợ chồng giáo sư như người trong gia đình, đến bây giờ những chiếc kẹo Bác cho bà còn nhớ: “Vào mùa xuân 1946, trong dịp Bác Hồ đi thăm hỏi đồng bào Nam Định, Thái Bình đang đắp đê chống lụt bão, trong lúc nghỉ tạm bên đường gần thị xã Nam Định chờ các xe sau, Bác ân cần hỏi thăm hoàn cảnh riêng của bác sĩ. Bác hỏi về các cụ thân sinh, về các con và những người trong gia đình. Bác lắng nghe bác sĩ thưa, rồi cười vui và bảo:


- Có khó khăn gì về công tác chú thím cứ báo cáo Bác nhé.


Bác lấy một gói kẹo trao cho bác sĩ Hợp, trong gói kẹo có tám cái và dặn: “Bốn cụ bốn cái, thím một cái và ba cháu ba cái nhé”. Bác sĩ Hợp đón nhận và vô cùng cảm động vì một cử chỉ thật ân cần của vị Chủ tịch nước...”.

Trong những năm kháng chiến gian khổ, người thiếu nữ khuê các đất Hà thành lên chiến khu, vẫn luôn bên chồng chăm sóc, giúp ông vượt qua mọi khó khăn để toàn tâm, toàn ý phục vụ kháng chiến. Những điều bà kể mộc mạc nhưng người nghe không khỏi ngạc nhiên, cảm phục. Không chỉ là tình cảm vợ chồng thông thường, hơn thế nữa bà là một tâm hồn lớn có khả năng đồng điệu về tư tưởng, tình cảm với ông - một tình yêu bao la, sự hy sinh tận tụy chăm sóc giáo sư để ông dành tâm lực cống hiến được nhiều nhất cho nhân dân, cho Tổ quốc”.

Thành phố Hồ Chí Minh có một đường phố mang tên Ông. Mai này, Hà Nội không chỉ có tên phố mà còn có Bảo tàng danh nhân Đỗ Xuân Hợp - Thiếu tướng, Giáo sư người con ưu tú của Hà Nội, một trí thức lớn, suốt đời tận tâm, tận lực với khoa học phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.