Thiết kế Bảng tương tác trong giảng dạy - Sáng kiến hiệu quả và tiết kiệm
Bảng tương tác điện tử (Interactive WhiteBoards IWB) là một màn hình hiển thị tương tác lớn được kết nối với bộ xử lý hoặc máy vi tính mà trên đó người dùng có thể viết, vẽ và sử dụng các phần mềm máy tính bằng ngón tay hoặc bút cảm ứng. Tuy nhiên, giá của bảng tương tác trên thị trường hiện nay không hề rẻ, hơn nữa phải lắp đặt cố định tại phòng học, độ cơ động không cao, hạn chế khi tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh vì chỉ có một bút cảm ứng…
Bảng tương tác của thầy Ninh được chế tạo từ những thiết bị đã qua sử dụng như điều khiển từ xa của ti vi, đầu kỹ thuật số, bút bảng trắng (loại đã hết mực), dây điện loại nhỏ, dây kẽm, keo dán, pin tiểu loại AAA, công tắc nhỏ loại nhấn có 4 chân và Wiimote. Thiết bị hỗ trợ gồm một bộ phận giao tiếp với máy tính (lấy tọa độ) và một bút. Bộ thiết bị này có thể kết hợp với máy tính và Projector sẵn có để tạo thành bảng điện tử tương tác. Thiết bị hỗ trợ có thể kết nối với máy tính thông qua đường truyền vô tuyến, bluetooth, người thuyết trình có thể đứng trên bảng dùng bút để thực hiện các tính năng của bảng tương tác. Bút tương tác được gắn một LED phát ánh sáng hồng ngoại. LED được cấp điện bằng nguồn pin và đóng ngắt cấp điện nhờ một công tắc thường hở, LED chỉ được cấp điện và phát tia hồng ngoại khi ấn công tắc.
Nguyên tắc hoạt động của Bảng tương tác rất đơn giản. Trước hết, người dùng thực hiện các thao tác cần thiết như: Bật máy tính, máy chiếu, màn chiếu ( dùng vải trắng hoặc giấy trắng dán lên bảng sao cho thật phẳng, có thể chiếu vào tường sơn trắng). Sau khi lắp pin vào Wiimote và bấm thử một phím bất kỳ thấy 4 đèn nhấp nháy là được và đặt Wiimote nằm ngang sao cho mắt của Wiimote (màu đen) nhìn vào tâm màn hình và đặt nằm lệch về một phía tạo một góc từ 30o đến 60o. Cách màn hình máy chiếu từ 2m đến 5m (tùy theo khổ rộng của màn hình), nếu gần quá Wiimote sẽ không nhìn thấy hết màn hình, nếu xa quá thì Wiimote nhận sóng yếu và không chính xác. Bật bluetooth trên máy tính (hoặc cắm USB bluetooth). Khởi động chương trình Smoothboard Air with Duo trên desktop, khi cả 4 đèn của Wiimote đều nhấp nháy chờ khoảng vài giây đến khi cửa sổ sau xuất hiện thì việc kết nối thành công ( chỉ còn 1 đèn trên Wiimote sáng).
Giá thành thiết kế Bảng tương tác trong giảng dạy thấp, khoảng 2 triệu đồng (bằng 1/10 giá mua SmartBoard trên thị trường), cấu tạo đơn giản, lắp đặt dễ dàng, dễ tìm phụ tùng thay thế,… Vì vậy, nếu máy tính và máy chiếu của trường đã sẵn có, người dạy có thể sử dụng ngay các tài nguyên có sẵn trên máy tính, từ máy scan hoặc từ Internet như hình ảnh, video, đồ thị và ghi chú trực tiếp lên các đối tượng này khi giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tương tác giữa người dạy, người học với tài nguyên học tập hoặc người dạy có thể thao tác trực tiếp trên bảng thay vì trên máy tính để không làm phân tán sự tập trung của người học. Việc sử dụng bảng tương tác tự thiết kế vừa giúp giáo viên giữ lại những ưu điểm của cách dạy truyền thống là phấn trắng, bảng đen nhưng đồng thời cũng phát huy được thế mạnh của công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ngoài ra, phương tiện này còn hỗ trợ tốt các dạng bài tập kéo thả, trắc nghiệm ( điền khuyết, nhiều lựa chọn và ghép hợp).Tất cả những ghi chép và hình vẽ trên bảng đều có thể lưu lại trong máy tính để sau buổi học giáo viên có thể in ra và phát cho học sinh đem về nhà ôn lại hoặc gửi qua email, tải lên website, copy và dán vào các ứng dụng khác.
Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế Bảng tương tác trong giảng dạy” có thể áp dụng cho tất cả giáo viên và người làm công tác thuyết trình, đặc biệt là đối với cán bộ, giáo viên vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện trang bị cho mình những thiết bị hiện đại, đắt tiền. Hiện nay, sáng kiến này đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chứng minh cho tiện ích và ưu điểm mà bảng tương tác mang lại so với các dòng máy cùng loại hiện có trên thị trường.