Thiết bị sấy lúa di động không dùng điện, thân thiện môi trường
Anh Nguyễn Hoàng Phi cho biết, hiện nay nông dân sử dụng nhiều loại máy sấy lúa phải dùng quạt gió áp lực cao từ môtơ điện hay máy dầu. Giá điện và dầu cao nên chi phí lớn, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường do tiếng ồn của máy nổ lớn, tro bụi của máy sấy làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sấy và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặt khác, các máy sấy hiện nay sử dụng nhiều lao động trong khi nguồn nhân công ngày càng khan hiếm. Hiện hệ thống sấy lúa ở ĐBSCL đang thiếu, nhất là vụ lúa thu hoạch tháng mưa bão. Hầu hết nông dân không có điều kiện sấy buộc phải phơi lúa theo cách truyền thống, sử dụng mặt đường giao thông làm cản trở lưu thông. Mặt khác, phơi lúa trên mặt đường hạt lúa dễ bị rạn nứt hay vỡ vụn do phương tiện lưu thông qua lại. Phơi lúa trên bề mặt sân không tốt, cát đất hòa lẫn làm giảm phẩm chất hạt lúa.
Anh Phi đã hoàn thành mô hình sấy loại nhỏ và vận hành khá tốt và hoàn chỉnh thiết bị sấy chuẩn (bồn sấy ngang 1,62 m; dài 3 m; cao 1,2 m), mỗi lần sấy 2 tấn lúa, chi phí sử dụng trấu khoảng 15.000 đồng/mẻ. Thiết bị có thể di chuyển đến nơi có nhu cầu sấy dễ dàng. Kết quả sấy đạt tốt, thời gian sấy trung bình từ 6 giờ, sấy được cả lúa ướt đã có mọng, sấy khô trên 90%.
Thiết bị sấy lúa của anh Phi được thiết kế và lắp đặt bằng những vật liệu rẻ tiền như tre, gỗ và khung sắt; không sử dụng quạt gió, không cần nhân công xúc lúa vô bao, chỉ cần một người vận hành. Những địa phương không có trấu có thể thay bằng củi, than đều vận hành tốt. Thiết bị sấy khắc phục nhược điểm của các loại máy sấy khác là giá thành sấy lúa cao, không có sân phơi, cao điểm máy sấy không thể đáp ứng... Thiết bị này hoàn toàn không sử dụng điện hay động cơ máy nổ như máy sấy hiện có.