Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 23/04/2008 19:50 (GMT+7)

Thép phế, nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành công nghiệp thép

1. Tổng quan về nguyên liệu của ngành thép

Năm 2007 sản lượng thép của toàn thế giới dự báo sẽ vượt 1,2 tỷ tấn. Sản lượng thép đã tăng ở hầu hết các châu lục và đặc biệt là Trung Quốc, với sản lượng thép thô sản xuất gần 500 triệu tấn (hơn 40% sản lượng thép thế giới). Số lượng thép nêu ở trên được sản xuất chủ yếu bằng hai công nghệ là:

- Lò cao - lò thổi oxy dùng quặng sắt làm nguyên liệu, chiếm»70%

- Lò điện sử dụng thép phế làm nguyên liệu chiếm»30%.

Nguồn quặng sắt cung cấp cho luyện thép chủ yếu từ ba nước là Úc, Braxin, Ấn Độ (khoảng 75% sản lượng quặng thế giới). Do tính phụ thuộc nguồn tài nguyên quá lớn vào một số ít nước và nhiều nguyên nhân khác nên giá quặng sắt đã không ngừng tăng. Giá quặng sắt hiện nay, so với giá quặng năm 2005 đã tăng gấp ba lần, và dự kiến năm 2008 giá quặng sẽ còn tăng thêm 30% so với năm 2007. Do giá quặng sắt cao, nên việc sử dụng thép phế để luyện thép trong lò điện trở nên vô cùng quan trọng, nó vừa có ý nghĩa làm sạch môi trường, tái sinh lại kim loại đã qua sử dụng, vừa có ý nghĩa kinh tế to lớn. Tất cả các nước trên thế giới đều coi thép đã qua sử dụng là nguồn nguyên liệu cho luyện thép chứ không phải là phế thải.Trong nguyên luyện thép phế (95 – 97%) là sắt (Fe), chỉ có (3 - 5%) là tạp chất lẫn vào, nếu các tạp chất đó, không phải là chất nổ, phóng xạ, hoá chất độc hại, thì thép phế là loại nguyên liệu “sạch”, khi cho vào lò điện hồ quang có nhiệt độ (1600 - 1700) 0C, mọi chất tạp sẽ chảy hoặc hoá khí và các thiết bị xử lý trong công nghệ luyện thép sẽ đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn môi trường.

Nếu luyện thép sử dụng nguyên liệu quặng sắt thì quặng chỉ có (50 - 60)% là Fe, còn lại là tạp chất, phải dùng than cốc và các chất trợ dung để nấu chảy thì quá trình đó sẽ thải ra đủ các chất thải rắn (xỉ, bụi), chất thải lỏng (xỉ), chất thải khí (CO x, NO x, SO x...) và công nghệ luyện kim sẽ bắt buộc phải xử lý rất tốn kém mởi bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường.

Vì lí do nói trên, việc thu hồi phân loại thép đã qua sử dụng để nấu lại đã trở thành chính sách tiết kiệm, trở thành tập quán ở tất cả các nước có nền kinh tế phát triển.

2. Nguyên liệu thép phế ở Việt Nam

Những năm trước đây, khi kinh tế Việt Nam chưa phát triển, ngành luyện thép Việt Nam chủ yếu nhập phôi để cán thép, gây sự mất cân đối giữa việc sản xuất phôi (thượng nguồn) và cán thép thành phẩm (hạ nguồn). Lượng phôi thép nhập khẩu chiếm (70 - 80)% nhu cầu phôi thép của cả nước.

Từ sau năm 2000, các công ty luyện thép đã đầu tư cho sản xuất phôi, chủ yếu là xây dựng lò điện hồ quang, sử dụng phế thép thu mua trong nước và nhập khẩu làm nguyên luyện. Do nguồn thép phế trong nước rất hạn chế (chỉ thu mua được khoảng 1 triệu tấn/ năm) nên số lượng nhập khẩu thép phế ngày một tăng.

Năm 2007: Tổng sản lượng phôi thép nhập khẩu là (2,1 - 2,2) triệu tấn. Tổng số lượng phôi thép phế nhập khẩu khoảng 1,1 triệu tấn.

Lượng phôi thép sản xuất trong nước sẽ tăng cao trong những năm tới, vì hiện đang có nhiều dự án xây dựng lò điện đã khởi công và dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2008 hoặc 2009 như lò điện của các Cty Thép Vạn Lợi, Việt Ý, Hưng Tài, Thép Việt... đưa công suất sản xuất phôi thép bằng lò điện hồ quan tăng thêm (1,5 - 2) triệu tấn.

Với tốc độ tăng trưởng cao như vậy, lượng thép phế nhập khẩu năm 2008 sẽ khoản (1,5 - 1,7) triệu tấn, năm 2009 sẽ phải nhập (2,2 - 2,5) triệu tấn.

Theo phân loại quốc tế, những loại thép phế loại nặng hoặc đã cắt, xẻ, sẽ có giá cao, các loại mỏng nhẹ như đồ hộp, phoi bào, phoi tiện... sẽ được ép thành bánh (chiếm 30 - 35%) có giá hạ hơn. Vì là thép đã qua sử dụng và thu hồi ép bánh nên việc lẫn một số tạp chất là không tránh khỏi vì không có nước nào lại rửa sạch lon đồ hộp trước khi ép bánh. Ngành luyện thép sẽ phải phối hợp với các loại nguyên liệu phế thép này, để đảm bảo giá thành phôi thép có tính cạnh tranh, không thể chỉ dùng một loại thép phế tốt vì giá rất đắt.

Với tổng số thép tiêu thụ ở Việt Nam năm 2007 đã đạt con số (9,6 - 9,7) triệu tấn, trong đó sản phẩm thép xây dựng (thép thanh, cuộn, hình) đạt (4,5 - 4,6) triệu tấn đã làm cho nhu cầu về phôi thép tăng lên nhanh chóng. Giá phôi thép nhập khẩu do tác động của nhiều yếu tố kinh tế đã tăng liên tục. Giá bình quân phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam năm 2006 là 389 USD/T thì cuối năm 2007 đã là 600 USD/T. Hiện tại giá phôi Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã lên đến (630 - 650) USG/T CFR. Giá phôi thép càng cao thì việc luyện phôi từ phế thép càng trở nên cấp thiết. Ở Việt Nam việc xây dựng các Liên hợp luyện kim đi từ quặng sắt, với số vốn đầu tư (4 - 5) tỷ USD cho mỗi Liên hợp sẽ còn cần thời gian (3 - 5) năm nữa. Các lò điện luyện thép từ thép phế sẽ có vai trò quan trọng để Việt Nam bớt đi sự phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu, góp phần giảm giá và bình ổn thị trường thép trong nước.

3. Những mắc mứu mà ngành thép Việt Nam đang kiến nghị giải quyết

Sau khi có Thông tư hướng dẫn về thi hành Luật Môi trường, các công ty sản xuất phôi thép và các công ty thương mại đã nhập thép phế vào Việt Nam để sản xuất phôi ở các cơ sở có điều kiện xử lý phế liệu là các công ty luyện thép lò điện như quy định.

Những tháng cuối năm 2007, nhu cầu thép trong nước tăng cao vì là mùa xây dựng, các cơ sở lò điện sản xuất hết công suất để đáp ứng nhu cầu phôi thép của các nhà máy cán. Việc nhập khẩu phôi đang gặp khó khăn, do giá phôi tăng quá cao và chính sách của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phôi.

Hiệp hội Thép đã nhận được công văn của một số công ty phản ánh họ đang gặp ách tắc do việc nhập khẩu phế liệu (là thép mỏng và các loại đồ hộp thu hồi, được đóng thành bánh và được chứa trong các container mà lâu nay các công ty đã nhập khẩu và sản xuất có hiệu quả) bị giữ lại ở cảng Hải Phòng và cảng Tp. Hồ Chí Minh với số lượng gần 200 container, trên 6.600 tấn phế thép. Thời gian lưu giữ hơn 3 tháng, vì không được phép thông quan. Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên – môi trường ở địa phương yêu cầu tái xuất và phạt hành chính, vì cho rằng việc nhập lô thép phế này đã vi phạm Điều 43 Luật Môi trường, “do có tình trạng rỉ nước, có mùi hôi”... trong khi chứng thư giám định của Vinacontrol thì kết luận có thể nhập vì “hàng không có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không phải là chất thải nguy hại”, “hàng đã được xử lý để làm nguyên liệu, nhưng chưa làm sạch hoàn toàn”... còn lẫn một ít tạp chất “với một tỷ lệ nhỏ”.

Việc tái xuất là rất khó khăn, việc lưu giữ ở cảng quá lâu đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp vì phải trả tiền lưu kho, tiền thuê và phạt về container thuê kéo dài hơn 3 tháng và không biết đến khi nào mới được giải quyết. Trong khi đó, các lò luyện thép đang rất cần nguyên liệu.

Trước tình hình này, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn số 76/HHTVN ngày 13/11/2007 gửi Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng Cục Hải quan kiến nghị giải quyết theo hướng:

- Cho thông quan lô thép nêu trên để đưa vào lò luyện thép giải quyết kịp thời khó khăn của doanh nghiệp.

- Sau đó tổ chức cuộc họp thống nhất các quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu loại nguyên liệu ép bánh này.

Ngày 16/11/2007, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã gửi công văn báo cáo sự việc trên với Văn phòng Chính phủ.

Ngày 22/11/2007, Bộ Công thương đã trả lời đồng ý với đề nghị của Hiệp hội Thép và kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Tổng cục Hải quan giải quyết sớm.

Nhưng tới nay, kiến nghị của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Đây là một khó khăn lớn đối với doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng trên, nhưng đồng thời cũng là khó khăn lâu dài cho ngành thép Việt Nam trong thời gian tới, khi ngành thép lò điện đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ và đang rất cần các loại thép phế nhập khẩu.

Trong cuộc hội thảo về chuyên đề thép phế do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức ngày 17/12/2007 đông đảo các chuyên gia luyện thép và các giám đốc công ty nhập khẩu đã giải trình chi tiết các vấn đề về công nghệ luyện thép phế của các nước sử dụng thép phế để luyện thép, với mong muốn các nhà quản lý Việt Nam hiểu rõ vai trò quan trọng của thép phế để có giải pháp kịp thời, thích ứng với thông lệ quốc tế, coi thép phế là nguồn nguyên liệu quan trọng, không thể thiếu được trong công nghiệp luyện thép.

Nguồn: KH&CN Kim loại, số 16, 2 - 2008, tr 3

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.