Thêm góc nhìn về giáo sư Vũ Tuyên Hoàng
Giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng được nhiều người biết đến với vai trò của một nhà khoa học nông nghiệp xuất sắc. Các công trình nghiên cứu về cây lúa đưa ông lên vị trí “ngôi sao thần Nông” trong lòng những người nông dân.
Với giới trí thức, ông là người tiên phong giương cao ngọn cờ phản biện xã hội. Các ý kiến đóng góp về những dự án mang tầm thế kỷ như Thủy điện Sơn La, Đường Hồ Chí Minh, bảo tồn Di tích thành cổ Thăng Long… của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đều mang dấu ấn của ông.
Thế nhưng, với bạn bè và những đồng nghiệp tại VUSTA, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng còn là người thủ trưởng đa tài, giản dị và giàu lòng nhân hậu.
“Thổi sáo trên lưng trâu”
Sinh ra trong một gia đình theo nghiệp văn chương, có cha là nhà văn hóa Vũ Ngọc Phan, mẹ là nữ sĩ Hằng Phương, cuộc đời giáo sư Vũ Tuyên Hoàng dường như được định đoạt gắn liền với văn nghiệp, nghĩa là “sẽ đi cày trên chữ nghĩa”.
Vậy mà, ông lại chọn con đường nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, “dù lội ruộng cùng trâu cày ra lúa gạo, thỉnh thoảng anh Hoàng lại trèo lên lưng trâu thổi sáo”, giáo sư Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình vui vẻ nhận xét về tâm hồn nghệ sĩ của người bạn, người thủ trưởng trong VUSTA.
Trong cuộc trò chuyện với Đất Việt, ông Tiến cao hứng ngâm một khổ thơ trong bài “Gửi em nơi xa vời” của giáo sư Vũ Tuyên Hoàng làm dẫn chứng:
“Anh muốn xin mảnh nắng
Phất phơ đâu lưng trời
Làm tấm khăn gửi tặng
Em ở nơi xa vời”.
Có lẽ, vì là con “nhà nòi” nên “chất văn” của giáo sư Vũ Tuyên Hoàng thể hiện rất rõ trong di cảo và cả những văn bản công vụ. “Ngôn từ mềm mại, văn phong trong sáng, tư duy mạch lạc, ít phải sửa chữa, gần như các văn bản của bác sau khi được đánh máy xong là có thể công bố ngay”, chị Kim Tuyến, chuyên viên ban Tổ chức VUSTA nhớ lại.
Bên cạnh sáng tác văn thơ, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng còn đam mê hội họa. Suốt cuộc đời, ông đã vẽ hàng trăm bức sơn dầu, màu nước và một số lượng bức tranh ký họa chân dung không nhớ nổi. Như một thói quen, khi gặp gỡ, làm việc với ai, ông thường ký họa chân dung trên một loại giấy vẽ riêng để tặng người đó. Nếu sưu tập tất cả những tác phẩm ký họa của ông có thể mở được một triển lãm thú vị.
Các nhà khoa học tham dự Hội nghị khoa học kỹ thuật các nước ASEAN (CAFEO) được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2000, chắc hẳn khó quên bức chân dung bà nữ tổng thư ký được ông tặng trong bữa tiệc chia tay.
Hôm đó, cả hội trường đã rất bất ngờ khi nhận ra gương mặt khả ái của bà trong bức họa trên tay người dẫn chương trình. Họ còn ngạc nhiên hơn khi biết, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, tác giả bức ký họa đã tranh thủ vẽ khi mọi người dùng tiệc. Việc làm tuy nhỏ những đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng các quan khách quốc tế. Thật là, một bức ký họa ghi điểm cho lòng hiếu khách của người Việt Nam .
“Huýt sáo dọa ma”
Theo giáo sư Nguyễn Trường Tiến, tâm hồn nghệ sĩ không nằm ngoài phẩm chất của một nhà khoa học trong giáo sư Vũ Tuyên Hoàng. Chính sự lãng mạn, bay bổng là chất xúc tác cho sáng tạo khoa học và cũng là cách mà ông khuây khỏa tâm hồn trước những thăng trầm của cuộc sống.
Tính ông ưa phản biện và thường động viên các nhà khoa học tư vấn, phản biện các chính sách hệ trọng của đất nước. Cũng vì vậy mà ông hay gặp rắc rối. Tuy nhiên, ông vẫn một mực bảo vệ quan điểm, có phản biện mới có chân lý.
Nhớ lại những lần VUSTA tham gia tư vấn, phản biện các dự án lớn, tiến sĩ Hồ Uy Liêm nhận xét: “Nếu không có nhà lãnh đạo cương quyết và bản lĩnh như giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Liên hiệp hội khó có được những đóng góp giá trị cho xã hội”.
Trí tuệ của tập thể các nhà khoa học trong VUSTA cùng nỗ lực của ông đã giúp Hà Nội tránh nguy cơ cuốn trôi ra biển, nếu Thủy điện Sơn La xây dựng theo phương án cao trình 264m và Hồ Tây đã không nhấn chìm 32 triệu USD tiền vay của Chính phủ Áo trong một dự án môi trường bất khả thi…
Nhận xét tinh thần phản biện của ông có người nói vui: “Vũ Tuyên Hoàng không sợ ma, thậm chí nhiều lúc còn huýt sáo để dọa lại ma nữa”.
“Gõ cửa là tiếp”
Nghiêm khắc, kiên định trong công việc nhưng lại điềm đạm và tình cảm trong các mối quan hệ thường ngày.
Những ai từng làm việc với ông ở trụ sở VUSTA đều nhớ phong cách làm việc “gõ cửa là tiếp”. Quan niệm, Liên hiệp hội là tổ chức phục vụ các hội thành viên, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng không phân biệt chức năng, quy mô tổ chức trong việc xếp lịch làm việc. Hễ có người tìm đến, chỉ cần gõ cửa là ông tiếp chuyện mà không cần hẹn trước.
Thấy ông bận rộn, đồng nghiệp ngỏ ý tìm một thư ký riêng, nhưng ông gạt đi vì cho rằng, vị trí đó có khi tạo ra một rào cản giữa ông và các nhà khoa học.
Với người sống đã vậy, với người đã mất ông cũng không quên quan tâm. Nhân một dịp vào miền nam công tác, ông đã tìm đến tận nhà cố giáo sư lâm học Thái Văn Trừng để chúc tết và hỏi thăm gia đình.
Nói về giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, giáo sư Trương Quang Học, ĐH Quốc gia HN nhận xét: “Chữ tài của ông thì khỏi nói, mọi người đều biết. Nhưng tôi thấy hiếm ai hội đủ chữ “nhân” như ông.
Còn trong nhật ký của mình, ông viết: “Trên đời này, có hai thứ vĩnh viễn thanh xuân, đó là trí tuệ và tình yêu”.
Trí tuệ của ông, đã hóa thân vào những giống lúa mang lại mùa màng bội thu cho người nông dân, được khẳng định bởi các danh hiệu khoa học mà thế giới trao tặng; Tình yêu của ông, ở lại mãi với người thân, bè bạn và đồng nghiệp.