Thanh Hoá: Phản biện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách
Sáng ngày 13/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội thảo “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa”.
Chủ tịch Liên hiệp hội Nguyễn Văn Phát chủ trì hội thảo.
Theo nội dụng Báo cáo nghiên cứu phục vụ phản biện do Liên hiệp hội xây dựng, Dự thảo đã cơ bản nêu được sự cần thiết ban hành và danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Việc xác định được danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh là cơ sở cho việc nhà nước (tỉnh) có trách nhiệm đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh cho việc thực hiện các hoạt động này. Đồng thời đây cũng là cơ sở cho việc triển khai cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập (trong đó có Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) theo tinh thần Nghị địnhsố 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được làm rõ và thống nhất trong toàn bộ nội dung của Dự thảo. Hội đồng phản biện đề nghị: Cơ quan soạn thảo (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) xác định rõ danh mục dịch vụ công trong lĩnh vực KH&CN và dịch công trong lĩnh vực nông nghiệp; cần tập trung nghiên cứu đầy đủ và chính xác các văn bản của Trung ương, của tỉnh để lý giải làm rõ vấn đề này, từ đó lựa chọn danh mục dịch vụ công mà Viện có khả năng thực hiện để đề xuất trong Dự thảo Tờ trình; loại dịch vụ sự nghiệp công nào đã được Thủ tướng Chính phủ quy định thì không phải trình ban hành trong Nghị quyết này; xác định các dịch vụ công đặc thù và có báo cáo đánh giá tác động của các dịch vụ công khi thực hiện Nghị quyết; chỉ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công đối với những danh mục đã có định mức kinh tế - kỹ thuật của bộ, ngành Trung ương và của địa phương; làm rõ hiện tại có bao nhiêu danh mục dịch vụ công sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã ban hành một số định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá dịch vụ…
Ngoài ra, Viện cần nghiên cứu, xem xét về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của các sở, ngành và xây dựng một báo cáo phục vụ xây dựng Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết để làm rõ sự cần thiết, thực trạng của việc ban hành và thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau hội thảo, Liên hiệp hội có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo phản biện, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định, gửi cơ quan soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện./.