Thành công nhờ miệt mài sáng tạo
Anh là Đặng Văn Bẩy, thường trú tại thôn 14, xã Hòa Ninh. Nơi gia đình anh hiện đang sinh sống cũng là Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng. Khi chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất công nghiệp của anh cũng vào lúc 20 công nhân đang say sưa người nào, việc nấy. Nhìn cơ ngơi và không khí làm việc ở đây, chúng tôi vui lây và không ngờ rằng, giữa vùng đất nông nghiệp, bốn bề là cà phê lại có một cơ sở cơ khí đang hoạt động tốt như này. Và điều bất ngờ hơn, anh không phải là một kỹ sư hay là một nhà khoa học, mà xuất phát điểm là một nhà nông đã nhiều năm thực sự gắn bó và tâm huyết với cây cà phê, kể từ khi đến vùng đất mới này để xây dựng quê hương thứ hai trong đời mình.
Theo lời anh Đặng Văn Bẩy kể: Từ Nam Hồng (Nam Trực, Nam Định), anh theo bà con vào đây lập nghiệp năm 1980, khi mới 15 tuổi. Lúc đấy, hoàn cảnh quá nghèo, tuổi đời còn quá trẻ và chuyện học vấn bị dở dang, anh rất hoang mang, không biết cuộc sống tự lập sẽ bắt đầu từ đâu. Không có sự lựa chọn nào khác, anh “lân la” đi làm thuê, dần dần tìm đất khai hoang, mở rộng diện tích trồng cà phê. Năm tháng trôi qua, anh lập gia đình và bằng nghị lực của cả hai vợ chồng, cuộc sống của gia đình anh phát triển nhanh, sớm có tích lũy.
Không chỉ dừng lại ở vài mẫu cà phê, anh tìm cách tạo thêm ngành nghề khác để làm ăn. Sinh sống, lao động và chứng kiến cảnh nông dân trong vùng cũng như bản thân rất vất vả mỗi khi đến mùa thu hái, là phải xay, tách vỏ cà phê bằng phương pháp thủ công. Ban đầu, với hiểu biết rất ít ỏi khi tiếp cận với nghề cơ khí, nên anh đã chịu khó, miệt mài tìm tòi, học hỏi và “động não” suy nghĩ để tìm ra những nhược điểm, những chi tiết máy không hợp lý và tìm cách cải tiến loại cối xay (chà) vỏ cà phê bắt đầu bán trên thị trường. Từ đó, anh thay đổi mẫu mã và thiết kế để sản xuất, chế tạo loại cối chà theo ý tưởng riêng.
Sau nhiều lần cải tiến, thử nghiệm và chế tạo thành công, năm 2000, anh Đặng Văn Bẩy mạnh dạn thành lập cơ sở sản xuất cơ khí và đặt tên là Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng. Năm 2001, Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng bắt đầu sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, là máy (cối) chà cà phê tươi. Cũng trong thời gian này, cơ sở tiếp tục “cho ra đời” cối chà cà phê khô. Vừa sản xuất vừa tiếp tục điều chỉnh, khắc phục những chi tiết chưa hợp lý, cơ sở đã nhanh chóng hoàn thiện và sản xuất đại trà các loại cối chà cà phê vỏ tươi và cà phê vỏ khô. Anh Đặng Văn Bẩy cho biết: “Sản phẩm máy chà vỏ cà phê Toàn Thắng có ưu thế là công suất cao, tiết kiệm được nguyên liệu chạy máy nổ. Đối với máy chà khô, chất lượng cà phê nhân được đảm bảo, không bị dập bể, thổi sạch vỏ. Còn máy chà tươi, nhân cà phê bị ảnh hưởng không đáng kể. Nhờ vậy, sản phẩm máy chà cà phê Toàn Thắng bán ra được thị trường chấp nhận, bà con nông dân mua nhiều và sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đó”.
Vừa sản xuất vừa tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và đến năm 2004, anh Đặng Văn Bẩy đã sản xuất được cối chà để tách riêng vỏ và nhân cà phê tươi. Với loại cối chà này, sau khi tách được vỏ, chỉ lấy nhân cà phê để phơi, nông dân tiết kiệm tối đa sân phơi và rút ngắn thời gian phơi. Ngoài ra, nhờ chịu khó tìm cách cải tiến, đến năm 2008, anh sản xuất thêm sản phẩm mới. Đó là “củ” bơm nước (hay còn gọi là đầu bơm nước). Sản phẩm củ bơm nước Toàn Thắng gọn, nhẹ, công suất cao hơn so với một số sản phẩm cùng loại khác lưu thông trên thị trường.
Từ ngày thành lập, Cơ sở Cơ khí Toàn Thắng hoạt động liên tục và sản phẩm ngày càng có uy tín trên thị trường. Anh Đặng Văn Bẩy cho biết: “Hàng năm, cơ sở xuất bán trên 2.000 sản phẩm các loại. Thị trường không chỉ ở Lâm Đồng mà hiện nay, sản phẩm cơ khí Toàn Thắng đã “vươn” ra các tỉnh có trồng cà phê, như: Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (thông qua các đại lý phân phối). Cơ sở làm ăn có hiệu quả với mức thu nhập bình quân (trừ chi phí) khoảng 1 tỷ đồng/năm và hiện giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng”.
Hiện nay, anh Đặng Văn Bẩy đang có ý tưởng là trong năm 2014 này sẽ tiếp tục sản xuất ra máy phân loại và tách riêng quả cà phê chín, cà phê xanh; đồng thời, tiếp tục cải tiến để ngày càng nâng cao chất lượng những sản phẩm cơ khí hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nông dân trồng cà phê. Và để tạo dựng, quảng bá thương hiệu, anh dự kiến, cứ mỗi lần cải tiến và sản xuất thành công loại sản phẩm mới thì Cơ khí Toàn Thắng sẽ đặt thêm tên mới cho sản phẩm đó.