Thái Bình: Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề
Ngày 15/7/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham dự Hội thảo có hơn 30 chuyên gia, đại biểu đại diện cho các sở, ngành của tỉnh. TS. Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch và TS. Bùi Quang Hộ, Phó Chủ tịchLiên hiệp Hội đồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự thảo đề án được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng gồm bốn phần, nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao; tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đa dạng về loại hình đào tạo và trình độ đào tạo; xây dựng các mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các trường cao đẳng, trường trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu trên môi trường số; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số...
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Đề án đã thể hiện được tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề án đã đưa ra một trong những vấn đề có tính quan trọng trong việc góp phần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu xã hội đó là phát triển Phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.Các nội dung triển khaicủa đề án đã bước đầu đánh giá được thực trạng tình hình giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2021 của tỉnh, đánh giá được bối cảnh xã hội tác động đến vấn đề, có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, nội dung tương đối đầy đủ. Hệ thống 10 bảng biểu, phụ lục đi kèm, số liệu ở các Phụ lục phong phú, cụ thể ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, thành viên Hội đồng phản biện cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải thống nhất số liệu nêu trong đề án cũng như xem xét lại việc đánh giá chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của tỉnh.Bố cục Đề án chưa thật logic, nội dung nhiều phần mục lại trùng lắp, nhiều ý giống nhau. Có nội dung còn chung chung, thiếu số liệu, thiếu phân tích đánh giá. Hình ảnh đào tạo nghề nông thôn còn rất mờ nhạt, trong khi lao động ở nông thôn chiếm trên 75%. Cần bổ sung những đặc điểm mới về bối cảnh đào tạo nghề cho lao động nông thôntính đến xu hướng hiện đại hóa nông nghiệp và các loại hình lao động nông thôn nhờ trang bị những công nghệ mới.Bên cạnh đó cũng cần xác định các ngành đào tạo trọng điểm tại Thái Bình phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Về phần giải pháp, có thể gộp 9 giải pháp trong đề án thành 4 nhóm giải pháp chính là: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp Gắn GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Phần tổ chức thực hiện nên tổ chức cơ quan thường trực, xác định rõ vai trò của sở LĐ,TB&XH, vai trò của ngành GD&ĐT, các trường, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động để có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai, thực hiện Đề án….
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Dư, Chủ tịch Liên hiệp Hội đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, ghi nhận các ý kiến phản biện sâu sắc của các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Đề án trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.