Thác Đỗ Quyên của núi rừng Bạch Mã
Dọc đường, mỗi loài cây, mỗi đoạn suối đều biểu hiện một vẻ đẹp rất riêng. Tuy vậy, đáng để ý hơn cả chính là những cây tùng Bạch Mã, cây chắp tay, cây sau sau, cây dương sỉ thân gỗ. Với hình hài khác biệt của lá, những loài cây này không thể lẫn được mặc dù nhiều chỗ chúng mọc xen giữa nhiều loài cây lá rộng khác.
Lội qua dòng nước chảy tràn trên bề mặt những phiến lá khổng lồ, nhẵn và trơn, chúng ta sẽ tiếp cận đỉnh thác Đỗ Quyên. Dòng suối đột ngột biến mất, đất đá cũng biến mất nhường chỗ cho một không gian mây trời. Từ đây, phóng tầm mắt sang sườn phía bên kia chỉ thấy một màu xanh mờ đục vì hơi nước bốc lên từ bề mặt lá dưới ánh nắng mặt trời trong một ngày không có gió. Tấm biển đề những dòng chỉ dẫn cần thiết cho những du khách thích khám phá “…Thác Đỗ Quyên cao 300m, đường xuống rất dốc gồm 689 bậc…Không nên xuống quá muộn và chỉ dành cho những người có sức khoẻ…”.
Ngay phía bên trái, như hút vào dưới tán cây rừng là con đường nhỏ dẫn xuống chân thác. Độ cao hạ thấp khá nhanh theo những bậc bê tông đưa du khách dần xuống phía dưới. Độ dốc của con đường tăng rất nhanh đồng nghĩa với độ chênh cao và độ hẹp của mỗi bậc cũng tăng lên. Lúc này cần phải vịn tay vào lan can sắt hai bên mép đường để bảo đảm an toàn. Đường rợp mát vì tán cây rừng. Những ngày có gió, việc đi xuống cốt làm sao giữ nhịp độ điều hoà và không bị chồn chân, nhưng vào những ngày nắng, không có gió thì thường phải nghỉ ít phút cho đỡ mỏi chân sau khoảng 80 đến 100 bậc (tương đương 20 đến 25m độ chênh cao).
Những bậc thang cuối cùng sẽ đưa các bạn ra một không gian ồn ã nhưng huyền ảo. Từ vị trí này nhìn sang phía bên kia, rừng xanh tụt dần xuống lũng sâu nhưng cũng kịp lộ ra nhiều cây thân gỗ màu mốc trắng giữa những tán lá đủ sắc màu. Ngước nhìn thật cao phía bên phải chợt sáng loà: nước, bụi nước bắn tung sáng lấp lánh dưới ánh nắng. Nước ào ào dội xuống vách đá dựng đứng cao tới 250m. Trong quá trình chuyển động, thỉnh thoảng gặp gờ đá nhô ra, dòng nước bật tung tạo nên những tinh thể nhỏ sáng như bông rơi xuống nhập vào dòng, rồi lại bật ra khi gặp gờ đá khác. Cứ như vậy, có dễ đến hàng chục lượt tạo nên một khoảng nước bay-nhảy kéo dài từ đỉnh xuống chân thác. Ở phần sâu phía trong, nước dội xuống mạnh nên lượng nước bắn lên nhiều, không gian mờ đi vì hơi nước. Nói là chân nhưng thực ra những phiến đá lớn vẫn dốc nghiêng kéo dài thêm vài chục mét rồi hạ thấp tạo nên độ chênh cao khoảng 60 đến 70m nữa mới tới nơi để nguồn nước hoà mình vào dòng chảy lớn. Lúc này ngắm toàn cảnh mới nhận ra những vẻ đẹp quyến rũ của vùng thác Đỗ Quyên. Vách đá rộng tới 150m, hai bên là thảm thực vật gồm những cây lá rộng. Những phần nhô ra thường là vách đá mọc nhiều cây bụi mà đáng để ý nhất là đỗ quyên. Có lẽ vì vậy mà thác có tên gọi Đỗ Quyên. Mùa tháng ba tháng tư hoa đỗ quyên nở đỏ rực trong một không gian ầm ào của hơi nước mờ ảo càng tô điểm thêm cho một thắng cảnh đẹp và hùng vĩ không đơn thuần chỉ là dòng thác có nước chảy.
Nếu ai có thú thăm viếng những thác đẹp của Việt Nam mà chưa đến chiêm ngưỡng thác Đỗ Quyên của núi rừng Bạch Mã thì quả là điều khuyết điểm. Đến rồi bạn hãy so sánh xem có nơi nào thác cao và hoang sơ như ở nơi đây. Thậm chí còn ao ước giá như được ngắm nhìn dòng thác vào mùa nước lớn. Khi ấy nếu người yếu bóng vía chắc sẽ không dám nhìn với dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn đổ từ cao độ gần 300m.
Quãng đường về vẫn là 689 bậc với độ chênh cao không quá 300 m nhưng là một thử thách thực sự. Bạn hãy đi chậm, nghỉ và ngắm cây rừng. Chắc chắn sức lực bỏ ra để chinh phục “ngược” con đường sẽ lớn hơn nhiều so với khi xuống. Song, với cảm xúc vừa có được cùng với những nét đẹp riêng và độc đáo của những loài cây khác nhau dọc ven đường sẽ làm vơi đi cái mệt nhọc và vơi đi độ chênh cao của mỗi bậc xi măng đá dễ đến 30cm.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 74 (1792), ngày 16/9/2005