Tay ngang có 7 bằng sáng chế
Biến ý tưởng thành sáng chế độc đáo
Chưa qua trường lớp hay khóa đào tạo chuyên môn nào, anh chỉ có ý tưởng rồi biến chúng thành hiện thực. Suy ngẫm cách pha cà phê tiện ích trong thời đại công nghiệp nhưng vẫn mang tính truyền thống, anh nghiên cứu cho ra đời chiếc phin pha cà phê sử dụng một lần. Rất tiện lợi, cho sẵn cà phê vào, chỉ việc châm nước sôi là có ngay ly cà phê. Vật liệu làm phin có trong nước, đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng. Giá thành cho mỗi phin từ 500 - 1.000 đồng/cái. Sáng chế này được Cục sở hữu công nghiệp cấp bằng độc quyền.
Nhớ lại những ngày làm rẫy ở Tây Nguyên, đến mùa khô cây trồng héo rũ không phát triển, còn việc làm đất, bón phân thủ công rất mất thời gian. Từ trăn trở đó, anh sáng chế ra chất giữ ẩm, đảm bảo cây phát triển tốt trong mùa khô hạn mà không ảnh hưởng môi trường. Ấn tượng nhất có lẽ là phương pháp canh tác sinh học đa địa tầng của anh. Giải pháp này giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt nhưng không cần cung cấp nước, thích hợp để tạo mảng xanh cảnh quan nơi công cộng, trồng cây xanh trên mái nhà, mái che… Anh Ngọc tiếp tục được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho máy xới đất bằng rung động địa chất, giúp đất tơi xốp nhưng không gây ảnh hưởng rễ cây; máy nối màng ngoại kích giúp nối các màng theo nhu cầu sử dụng trong làm nhà lưới, trải ao nuôi thủy sản.
Chưa dừng ở đó, anh cho ra đời van tự động đóng mở không dùng năng lượng, máy phun phân, thuốc tự động. Rồi anh nghiên cứu cách sản xuất phân hữu cơ vi sinh dạng lỏng, cách trồng cây trên mặt nước ứng dụng cho vùng ngập lũ. Nguyễn Quang Ngọc cặm cụi sáng chế, trong đó anh tâm đắc với sáng kiến “Ước mơ xanh” mang đến không gian xanh cho từng ngôi nhà, góc phố.
Anh chàng “xê dịch”
Rất vui tính và luôn có những câu chuyện, so sánh dí dỏm, nhưng Ngọc cũng rất tâm tư và mang dáng dấp của nhà nghiên cứu. Xuất phát từ những trăn trở trong cuộc sống, anh chịu khó săn tìm tài liệu, đọc sách báo rồi sáng chế. Chưa lập gia đình nên ngày đêm anh dành thời gian nghiên cứu, săm soi từng thiết bị rồi thử nghiệm. Có những sáng chế phải mất mấy năm mới hoàn thành, nhưng có sáng chế ra đời sau vài giờ đồng hồ (bộ tắm an toàn cho em bé).
Không như các anh, chị của mình, ai cũng có bằng đại học hay học vị tiến sĩ, Nguyễn Quang Ngọc vẫn tay ngang và thích lối sống “xê dịch”. 13 tuổi anh đã vác cuốc ra đồng phụ việc với cha, rồi đảm nhiệm việc chăm sóc vườn cà phê. Hết lớp 12, anh mê đá bóng nên vào đội tuyển tỉnh Đak Lak. Ít lâu sau anh đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, dù thu nhập cao nhưng mới hai năm đã quay về Việt Nam . Anh bắt đầu con đường mưu sinh ở đất Sài Gòn, làm lái xe, bán hàng. Chưa bao lâu thì anh trở lại Tây Nguyên trồng cà phê, rồi lại xuống Sài Gòn trồng rau sạch. Thăng trầm và “xê dịch”, có lẽ từ thực tế đó biến anh thành nhà sáng chế. Nhiều lúc người thân, bạn bè không nghĩ anh có nhiều ý tưởng đến vậy. Anh cười vui khi nói về những dự định của mình, đó là biến ý tưởng thành hiện thực, đưa vào ứng dụng và tiếp tục cho ra đời sáng chế hữu ích.