Tàu ngầm mini “made in Việt Nam” xuất ngoại
Đón khách bằng cách chỉ dẫn qua điện thoại, ông mua hai ly cà-phê, mời khách dùng và ngồi ngay trên chiếc máy tiện để trả lời báo chí. Người đàn ông Việt kiều Pháp này quả là có đầu óc sáng tạo, dám nghĩ dám làm và có lòng tự hào dân tộc sâu sắc. Ông thuê cái xưởng 10 triệu đồng một tháng, bỏ ra hàng năm trời để chế tạo chiếc tàu ngầm (quân sự) mini đầu tiên chỉ với giá 10 nghìn USD rồi để đó, không bán, chờ chuyển giao cho Bộ Quốc phòng!
Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm cho chúng tôi biết, ông Trân là anh kỹ sư “gàn”, bỏ ra cả cuộc đời chỉ để chế tạo tàu ngầm, rồi để đó. Ông từng là kỹ sư thực hành tham gia sản xuất tàu ngầm ở Hãng đóng tàu Comex của Pháp.
Chiếc tàu ngầm mini đầu tiên mà ông Trân sản xuất phục vụ mục đích quốc phòng mang tên Yết Kiêu, dài 3,2 mét, cao một mét và chiều ngang một mét, nặng hơn một tấn nhưng có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Vỏ tàu được làm bằng composit nên độ bền cao hơn vỏ thép mà không rỉ sét.
Bánh lái sau để di chuyển tới, lui
Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP Hồ Chí Minh kể, để có phiên bản hoàn hảo, đã phải thử đến ba lần, tàu ngầm Yết Kiêu mới được hội đồng khoa học chấp thuận.
Kỹ sư Phan Bội Trân, chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu nói: Tôi sản xuất tàu ngầm không phải để nổi tiếng hay cho thoả đam mê”, mà tôi là nhà khoa học (kỹ sư hoá chuyên ngành com- pô- dít), muốn làm để phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc.
Chân vịt hông giúp tàu xoay chuyển dễ dàng
Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Trân vừa ký hợp đồng bán cho đối tác năm tàu ngầm mini (phục vụ mục đích dân sự, du lịch khám phá) bằng vật liệu com- pô- dít. Tàu có thể lặn sâu ba mét. Tàu ngầm du lịch có thể chở hai người, đi từ nắp tàu xuống, người ngồi trong tàu ngầm sẽ ngập nửa người trong nước để cân bằng áp lực và vỏ tàu làm bằng com-pô-dít với giá thành khá rẻ. Hơn 90% linh kiện của tàu cũng được mua hay tự chế tạo trong nước, chỉ riêng động cơ phải đặt mua từ nước ngoài. Tàu ngầm di lịch có thể lặn sâu 40m song để đảm bảo an toàn, ông Trân chỉ “cho phép” nó lặn tối đa 3-5 mét bằng cách gắn một thiết bị phao hạn chế độ sâu.
Ông Trân cho chúng tôi xem bản hợp đồng, trong đó ghi giá thành mỗi tàu ngầm “made in Việt Nam” này là 3.500 USD (giá sỉ) và thời hạn giao hàng là tháng 9-2014. Phía bên mua (một người Pháp xin giấu tên) đã đặt cọc 50% số tiền. Ông Trân cho biết số tàu ngầm trên sẽ được bán sang Ma-lai-xi-a cho một khu du lịch cao cấp và cuối năm nay, ông sẽ ký tiếp một hợp đồng bán thêm 30 tàu ngầm mi-ni khác.