Tạo hình da cổ cho bệnh nhân bỏng
Bệnh nhân là anh Trần Văn Minh, 27 tuổi ở Hiệp Hòa, Bắc Giang bị bỏng lửa cồn vào tháng 1/2005. Hậu quả của tai nạn đã để lại vết sẹo lớn ở phần cổ và ngực, quay cổ rất khó khiến bệnh nhân hạn chế trong vận động, khả năng lao động giảm sút, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng. Sau khi gặp tai nạn anh Minh đã phải nghỉ việc.
Không phẫu thuật kịp thời ảnh hưởng đến sức khỏe
Nếu không can thiệp sớm, bệnh nhân sẽ gặp phải biến chứng như co kéo các vùng lân cận gây hở miệng, kéo cả má, mí mắt gây lộn mí. Nhiều khả năng bệnh nhân còn bị co kéo phế quản.
Ngày 27/10, anh Trần Văn Minh đã nhập Viện bỏng Quốc gia và ngày 7/11 các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật.
Ca phẫu thuật do BS Vũ Quang Vinh, Trần Vân Anh và Nguyễn Minh Tâm, Khoa Phẫu thuật Tạo hình (Viện Bỏng quốc gia) cùng các bác sĩ của Viện thực hiện dưới sự chỉ đạo của PGS Lê Năm, Giám đốc Viện bỏng Quốc gia.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong hơn 7 giờ bằng kỹ thuật vi phẫu nối vạt da.
Theo BS Vũ Quang Vinh: Phẫu thuật điều trị phục hồi sẹo bỏng vùng cằm cổ mặt vẫn là một thách thức với các phẫu thuật viên tạo hình. Ngoài phục hồi chức năng, kết quả thẩm mỹ cũng là một đòi hỏi quan trọng.
Kỹ thuật vi phẫu có nhiều ưu điểm
Sau khi phẫu thuật vét bỏng đã được thu hẹp lại. (Ảnh: V.Q.V) |
Trước kia để điều trị trường hợp như thế này phải sử dụng các phương pháp ghép da mảnh hoặc chuyển vạt da.
Nhược điểm của các phương pháp là sau khi phẫu thuật mảnh ghép sẽ có hiện tượng co kéo, miếng da ghép có màu sẫm hơn ảnh hưởng đến chất lượng thẩm mỹ. Còn kỹ thuật vi phẫu nối được cả mạch máu đường kính nhỏ dưới 2mm, giúp bổ sung thêm nguồn cấp máu cho vạt da được ghép.
Vạt da được cấy sẽ có kích thước lớn hơn, bảo đảm che phủ toàn bộ vùng cổ trước của người bệnh. Đây là phương pháp ưu việt nhất trong tạo hình da sau bỏng hiện nay.
Hiện sức khỏe của bệnh nhân Trần Văn Minh tiến triển tốt, cuối tuần này có thể xuất viện. Chi phi cho cả phẫu thuật là 3 triệu đồng.
Trên thế giới, chỉ mới có vài nước áp dụng kỹ thuật này như Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Còn tại Việt Nam, Viện bỏng Quốc gia là nơi đầu tiên áp dụng kỹ thuật này. Trước đó, Viện đã cử người sang Nhật để học tập kỹ thuật này.
Nguồn: vnn.vn 25/11/2005