Tầm sư... đỡ đẻ cho cua
Trước cơ hội đổi đời, thầy giáo tiểu học Nguyễn Văn Tùng bỏ nghề, gom góp vốn liếng, mướn nhân công bao bờ làm cống, chuyển hơn 5 ha đất hương hỏa ngoài Vàm Rạch Cỏ thành vuông nuôi tôm sú. Năm đầu tiên thả nuôi vuông tôm cho lợi nhuận kha khá, đã thúc đẩy anh vay thêm vốn, dốc sức đầu tư để nhanh chóng làm giàu với con tôm sú. Ở đời ai học được chữ ngờ, liên tiếp những vụ sau, do môi trường nước bị ô nhiễm cộng với kỹ thuật chăm sóc không đúng qui cách, hàng loạt tôm trong vuông tôm nhà anh cũng như phần lớn vuông tôm ở xã Long Vĩnh lăn ra chết vì bị bệnh đỏ thân, rồi bệnh đốm trắng... Không ít gia đình ở Long Vĩnh lâm vào canh lao đao.
“Thua keo này bày keo khác”
Năm 1998, anh Tùng xoay qua nghề nuôi cua. Cua biển vốn là nguồn lợi tự nhiên mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho các xã ven biển ĐBSCL, nhất là vùng đất Long Vĩnh quê anh. Trước đây, hàng năm, khi dứt mùa mưa những cua con bằng ngón tay từ đâu ngoài biển khơi lội về, đeo kín rễ mắm, rễ dừa nước... tìm đường lên cạn nảy nở sinh sôi. Sau ngày đất nước mở cửa, cua biển được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước, giá cua thương phẩm ngày một nhích lên thì lượng cua tự nhiên trên những cánh đồng ven biển ĐBSCL ngày một giảm xuống. Do vậy, lợi nhuận từ con cua nuôi không kém các vuông tôm sú được mùa, trong khi vốn đầu tư cũng như công chăm sóc nhẹ hơn nhiều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến nghề nuôi cua biển ở các xã ven biển Trà Vinh (và cả ĐBSCL) khó mở rộng diện tích là nguồn cua giống tự nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt. Số lượng cua con tự nhiên không nhiều nên người nuôi phải thu mua thành nhiều đợt, khiến cho độ đồng đều của cua trong vuông nuôi không cao, độ hao hụt lớn mà chất lượng cua thu hoạch cũng không như ý. Việc săn tìm, săn mua cua giống tự nhiên trở thành cuộc chiến thực sự của những chủ vuông nuôi cua với biết bao chuyện tranh giành, cự cãi. Rốt cuộc nguồn cua giống vẫn không đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi từ nghề nuôi tôm sú chứa đựng nhiều rủi ro sang nghề nuôi cua biển ở các xã ven biển Trà Vinh.
Nhìn thấy “cuộc chiến” tranh giành cua giống của những người nuôi cua, bất giác anh Tùng nảy ra ý tưởng: Sao không tìm cách cho cua đẻ trong ao. Là người sinh ra, lớn lên ngay tại làng biển Long Vĩnh, anh hiểu rằng cua biển là loài động vật sinh sống trên cạn, nhưng cứ đến khoảng tháng 10 âm lịch trở đi, sau mùa động dục, cua cái ôm trứng tìm mọi cách ra biển để sinh nở, duy trì và phát triển nòi giống. Cua đẻ ngoài biển khơi được thì sẽ đẻ được trong ao nuôi, nếu ta tạo được môi trường thích hợp cho chúng. Nghĩ vậy, mùa mưa dứt hột, vợ chồng anh tìm đến những vựa thu mua cua thương phẩm ở chợ Long Vĩnh để “chia” lại những “nàng” cua cái có vóc dáng, trọng lượng, sức khỏe tốt nhất mang về. Rồi anh thuê ghe ra khơi, cách bờ hơn chục cây số (là nơi cua sinh sản tự nhiên) chở nước biển về, đổ vào ao nhà. Gặp môi trường nước thích hợp, những “nàng” cua cái không muốn tìm đường ra biển nữa. Vợ chồng anh khấp khởi chờ đợi, ngày đêm chong đèn theo dõi từng diễn tiến một của đàn cua bố mẹ... Những “nàng” cua cái trong ao nuôi có mai từ màu xanh đặc trưng chuyển dần sang màu đỏ son, rồi chuyển dần về màu xanh... Ao sinh sản cua thử nghiệm nhà anh Tùng không thấy bóng dáng chú cua con nào.
Không nản chí, anh Tùng tìm đến những bậc cao niên nhiều kinh nghiệm ở địa phương tìm hiểu đặc tính sinh sản của cua biển, để mùa cua sinh sản năm sau lại vay vốn tiếp tục nuôi thử nghiệm. Lại thất bại! Nợ nần ngày càng chồng chất. Vợ con, bà con thân tộc khuyên anh từ bỏ ý định viển vông, tập trung vào nghề nuôi cua thịt dễ ăn hơn nhiều. Nhưng, càng thất bại, Tùng càng quyết tâm, bởi anh hiểu rằng chỉ có thành công trong việc ươm cua giống trong môi trường nhân tạo mới đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích vuông cua hiện nay. Hơn nữa, người ta đã ươm tôm sú giống thành công thì tại sao lại không ươm được cua giống? Nghĩ vậy, Tùng tìm về Trung tâm Khuyến ngư Trà Vinh cầu cứu. Nhưng cả Trung tâm cũng bó tay vì ngành Thủy sản Việt Nam đến thời điểm đó chưa có tài liệu nào về cua biển sinh sản trong môi trường nhân tạo, trừ đề tài nghiên cứu khoa học mà Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản Trung ương III tại Nha Trang... đang tiến hành. May sao, năm 2003, đề tài cua biển sinh sản của Trung tâm thành công và Viện chiêu sinh mở lớp đào tạo kỹ thuật viên ươm cua giống. Theo giới thiệu của Trung tâm Khuyến ngư Trà Vinh, anh Tùng vay nợ 30 triệu đồng làm lộ phí, âm thầm giấu cả bà con thân tộc, lên đường ra Nha Trang tầm sư học nghề... đỡ đẻ cho cua.
Lớp học có 11 học viên (Tùng là người duy nhất của khu vực ĐBSCL), với mức học phí 15 triệu đồng, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” vừa lý thuyết lẫn thực hành. Với trình độ của một giáo viên tiểu học, nhiều phen thất bại trong nghề ươm cua giống, anh tiếp thu nhanh nhất và trở thành người được cấp chứng chỉ sớm nhất lớp sau 8 tháng học tập, thay vì 14 tháng như dự kiến của Trung tâm. Càng học, Tùng càng thấy sự liều lĩnh của mình mấy năm trước là không vô ích. Những thất bại của mấy năm mày mò đã giúp anh rút ngắn thời gian hơn 6 tháng trong cuộc chạy đua cùng các bạn đồng học, tạo ra một ưu thế nhất định trong cơ chế kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Trại ươm cua giống đầu tiên ở Trà Vinh |
Đầu năm 2005, Nguyễn Văn Tùng cùng người cháu (người lâu nay vẫn hỗ trợ và khuyến khích anh lao vào lĩnh vực này) hùn vốn hơn 300 triệu đồng, mở trại ươm cua biển giống mang tên Thịnh Bình, tọa lạc tại ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc (Duyên Hải, Trà Vinh). Khi chúng tôi đến thăm, tháng 7-2005, lứa Megalov đầu tiên đã ra đời mà tỷ lệ sống đạt gần 5%, có nghĩa là với một cua cái mẹ có trọng lượng khoảng 0,5 ký có thể cho ra đời không dưới 10.000 con cua giống, mà giá cua giống hiện nay trên thị trường khoảng 800 - 1.000 đồng mỗi con. Kinh nghiệm từ hai mẻ thử nghiệm thành công, anh Tùng dần dần đi vào chính xác hóa qui trình với các thông số kỹ thuật như độ mặn bể dưỡng cua bố mẹ, độ mặn và nhiệt độ phòng ấp, độ mặn bể ươm Zoa, bể ươm Megalov và bể dưỡng cua bột, việc xử lý nguồn nước, lượng ôxy đưa vào của mỗi giai đoạn...
Tất cả đã sẵn sàng để trại giống Thịnh Bình - trại ươm cua giống đầu tiên ở ĐBSCL - cung cấp đủ nhu cầu với số lượng lớn, chất lượng ổn định nguồn cua biển giống sinh sản trong môi trường nhân tạo trong mùa thả nuôi cuối năm 2005 này. Anh Nguyễn Văn Tùng đã góp phần không nhỏ trong việc mở ra một vận hội mới, đầy hứa hẹn cho nghề nuôi trồng thủy sản ven biển Trà Vinh nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung.
Nguồn: baocantho.com.vn 6/9/2005