Tái cấu trúc hệ thống nghiên cứu
Theo tôi, muốn tái cơ cấu nền KH&CN, trước hết cần tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo – những người có trách nhiệm đưa ra quyết sách. Họ cũng cần có thái độ thực sự trọng thị công tác KH&CN và cá nhân các nhà khoa học, họ cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng, KH&CN thực sự là đòn bẩy và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, vì thực tiễn lịch sử phát triển của các quốc gia trong những thập niên qua đều cho thấy một đất nước muốn phát triển phải dựa trên ba trụ cột chính là lực lượng trí thức, lực lượng doanh nhân và các chính sách mang tính khai sáng của nhà nước.
Ở cấp độ cộng đồng làm khoa học, tôi cho rằng, có rất nhiều công việc để làm và phải làm, nếu muốn tái cơ cấu nền KH&CN một cách thực sự. Trước hết, chúng ta cần tính đến việc tổ chức lại/tái cấu trúc mạng lưới hệ thống các đơn vị nghiên cứu (viện nghiên cứu, trường đại học…) nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực trong KH&CN như kinh phí đầu tư, thiết bị, lực lượng nghiên cứu... Việc quy hoạch này còn đem lại kết quả là tránh tái diễn hiện trạng nhập nhằng giữa các viện nghiên cứu cấp quốc gia, cấp tỉnh, ngành hay các viện nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và các hoạt động triển khai kết quả nghiên cứu…
Khi tiến hành quy hoạch hệ thống các đơn vị nghiên cứu, chúng ta cần ưu tiên những viện nghiên cứu trong các trường đại học bởi hoạt động nghiên cứu khoa học trong các viện [trực thuộc các trường đại học] chính là xương sống, là yếu tố đem đến sức sống cho môi trường đại học, nơi khởi nguồn và cung cấp nguồn nhân lực cho nền KH&CN. Và trường đại học có ưu thế hơn hẳn so với nhiều nơi khác khi mang yếu tố liên ngành bên trong lòng nó: mỗi trường đều có từ năm-bảy khoa, thậm chí đến 20 khoa, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu về các chuyên ngành hẹp khác nhau. Các viện nghiên cứu trong trường đại học, vì thế, cũng dễ liên kết, hợp tác với nhau hơn, qua đó dễ hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành và nhóm nghiên cứu đa ngành hơn. Hơn nữa, một yếu tố quan trọng khác là mỗi trường đại học đều có nguồn nhân lực vô tận là đội ngũ nghiên cứu sinh mà kết quả nghiên cứu là “sinh mệnh” của họ. Trường đại học nào cũng có trung bình vài ba trăm nghiên cứu sinh, có khi còn nhiều hơn, những người có khả năng tận dụng tối đa thời gian trong ngày cho công tác nghiên cứu; trong khi ở các viện nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, ngành, những cán bộ, chuyên viên thường cũng chỉ làm việc theo giờ hành chính ngày tám tiếng, kết quả nghiên cứu không là “sinh mệnh” của cá nhân các cán bộ nghiên cứu này, nên khả năng đưa ra những sản phẩm KH&CN đích thực không cao.
Nếu chúng ta cứ chạy theo đề tài của các chuyên ngành khoa học đơn lẻ, với các sản phẩm đòi hỏi phải ‘ứng dụng’ được ngay theo kiểu ‘mỳ ăn liền’ thì khó mà tạo dựng được các giá trị của một ngành khoa học. |
Vì vậy để phát huy những ưu điểm vốn có, cần chú trọng phát triển các viện nghiên cứu trong trường đại học, nhất là trong bối cảnh từ trước đến nay công tác nghiên cứu KH&CN tại môi trường đại học vẫn chưa được coi trọng, chưa được cấp biên chế nghiên cứu, như trường hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã đề nghị rất nhiều nhưng chưa được chấp thuận, trong khi một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Học viện là nghiên cứu, và khẩu hiệu “NCKH là sức sống của trường đại học” được dăng đầy ở các khuôn viên đại học. Tôi nghĩ, với trường đại học có viện nghiên cứu thì phải cho phép có tới 40% “biên chế cứng” là nghiên cứu viên, những người chuyên tâm cho công tác nghiên cứu, thì mới có thể tính đến chuyện xây dựng các trường đại học nghiên cứu hay định hướng nghiên cứu như chúng ta mong đợi được.
Sau khi ổn định về mặt tổ chức các viện nghiên cứu, theo tôi việc chúng ta cần làm tiếp theo là cách “ra đầu bài” nghiên cứu, tổ chức hội đồng đánh giá và sử dụng hiệu quả lực lượng nghiên cứu trẻ.
1. Cách ‘ra đầu bài’: Hiện nay, cách chúng ta vẫn thường làm là các đơn vị nghiên cứu gửi yêu cầu tới bộ, ngành để các cơ quan chức năng này tập hợp các đề xuất lại thành các đề tài/dự án, rồi thông báo lại cho các “tác giả” của các đề tài/dự án ấy gửi đề xuất để lựa chọn qua hội đồng hoặc đấu thầu; đây chỉ là một trong nhiều cách làm. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không học tập cách làm của nước ngoài là các cơ quan quản lý kinh phí NCKH/Quỹ KH chủ động kêu gọi nộp đề xuất liên tục ba tháng một lần theo chủ đề về các vấn đề mà thực tiễn sản xuất và đời sống trong nước đang cần các nhà khoa học giải quyết, thay vì kêu gọi các nhà khoa học nộp đề tài bởi đó vốn chỉ là những thứ mà các nhà khoa học có chứ chưa chắc đã là những thứ xã hội cần.
2. Hội đồng đánh giá: Để thành lập được các hội đồng đánh giá khách quan, chuẩn xác thì người được mời tham gia phải là những nhà khoa học có uy tín, có lòng tự trọng và là những người làm nghiên cứu thực sự, ít nhất trong năm năm gần đây. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là nhiều thành viên trong một số hội đồng đánh giá có lý lịch khoa học… “trắng phau”, nếu tra tên họ trên các trang Google Scholar, ResearchGate hay Scopus, những người này có thể “nói” về NCKH rất hay, luôn luôn đúng “nghị quyết” nhưng chưa thực sự NCKH bao giờ!
3. Vấn đề sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ, đặc biệt là những tiến sỹ trẻ từ nước ngoài trở về. Trên thực tế, nhiều tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài về Việt Nam là “đứt hẳn” mạch nghiên cứu, bởi không nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu. Nguyên nhân là do muốn được giao kinh phí theo các đề tài thì phải đáp ứng được tiêu chí có từ hai đến ba năm kinh nghiệm, trong khi tiến sỹ đó mới “chân ướt chân ráo” trở về, chưa tích lũy được kinh nghiệm nghiên cứu nào. Để tìm lối thoát, vị tiến sỹ trẻ đó phải xoay theo hướng khác là “bám” lấy một vị tiền bối có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, dù họ không hơn gì mình về mặt chuyên môn. Vì vậy theo tôi, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh trở về Việt Nam để họ có thể tiếp tục hướng nghiên cứu mà họ đang theo đuổi trên chính quê hương mình; và hơn nữa, trở thành dây nối giữa các nhà nghiên cứu, các giáo sư ở các lab quốc tế với các lab trong nước. Đây cũng chính là cách chúng ta có thể “đi tắt đón đầu”, tiếp cận với những công nghệ mới, phát kiến tiên tiến của thế giới. Nếu không làm tốt vấn đề này, các ‘ông Nghè ông Cống’ trẻ dần chìm nghỉm với môi trường nghiên cứu chưa mấy chuyên nghiệp trong nước; vì sau khi về nước từ ba đến năm năm mà không được chủ trì hay tham gia một đề tài/chương trình nghiên cứu nào thì điều đó có nghĩa là kiến thức tích lũy ở nước ngoài sẽ trở về con số 0.
Cuối cùng, tôi nhận thấy rằng, nếu chúng ta cứ chạy theo đề tài của các chuyên ngành khoa học đơn lẻ, với các sản phẩm đòi hỏi phải ‘ứng dụng’ được ngay theo kiểu ‘mỳ ăn liền’ thì khó mà tạo dựng được các giá trị của một ngành khoa học. Lấy mục tiêu ngắn hạn làm thước đo như thế thì nền khoa học của chúng ta vĩnh viễn là nền khoa học ăn đong, không thể xây dựng được tiềm lực khoa học quốc gia mang tính dài hạn. Để đạt được mục đích này, chúng ta cần làm lành mạnh hóa nền khoa học theo các chuẩn mực quốc tế, chuẩn mực của các nước có nền KHCN tiên tiến.