Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/02/2005 21:02 (GMT+7)

Tác động của toàn cầu hoá đối với sự phát triển đội ngũ trí thức và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Toàn cầu hoá hiện nay dựa trên cơ sở và nguồn lực là kinh tế tri thức cho nên những tác động của nó ảnh hưởng trực tiếp nhất đến nguồn lực chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội nước ta: đó là đội ngũ trí thức đang có mặt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, trước hết là trong các hoạt động lãnh đạo và quản lý.

1. Tác động của toàn cầu hoá đối với trí thức trong lĩnh vực kinh tế

Trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hoá kinh tế là mặt chủ đạo quyết định quy mô và trình độ của toàn cầu hoá trên các lĩnh vực khác. Vì vậy, tác động của toàn cầu hoá kinh tế có bề rộng và chiều sâu cả về kinh tế và chính trị.

a.Trong giai đoạn nước ta lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm thì việc xử lý những tác động của toàn cầu hoá kinh tế có dựa trên những căn cứ khoa học thực tiễn hay không sẽ có quan hệ đến thành bại của quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, thái độ đối với tác động của toàn cầu hoá kinh tế của những trí thức đang hoạt động trong hệ thống lãnh đạo và quản lý kinh tế ở vĩ mô và vi mô có ý nghĩa quan trọng đến toàn cục.

Sự thách thức đối với bộ phận này là ở khả năng vươn tới tầm tư duy khoa học và hệ thống trong lĩnh vực kinh tế - chính trị. Từ đó, mới có năng lực xử lý thông tin làm cơ sở cho mọi hoạt động sáng tạo của mình và của cả hệ thống. Đối với một số người thì còn phải vượt qua ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm và thói quen của những công chức hành chính quan liêu hoặc còn vướng trong động cơ mưu cầu danh lợi.

Một vấn đề quan trọng nữa đối với bộ phận trí thức đang hoạt động lãnh đạo, quản lý kinh tế là phải giải quyết những vấn đề thực tiễn trong trạng thái quá độ từ thời đại kinh tế cũ (với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giai đoạn kinh tế công nghiệp) lên thời đại kinh tế mới (với nền kinh tế tri thức hướng tới một xã hội mới). Khi nhân loại đã đi vào thế kỷ XXI với nền kinh tế tri thức và xu hướng phát triển bền vững thì tầm nhìn của những trí thức đang hoạt động lãnh đạo và quản lý kinh tế phải hướng tới thời đại kinh tế mới khi giải quyết những vấn đề quá độ.

b.Toàn cầu hoá kinh tế dựa trên nền kinh tế tri thức nên sự thay đổi về chất trước hết ở hình thành lực lượng sản xuất mới, trong đó nguồn lực hàng đầu là tri thức chứ không phải là tài nguyên hay vốn tài chính như trước đây. Thắng bại trong cuộc cạnh tranh kinh tế hiện nay, suy cho cùng quyết định bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mới. Vì vậy, tác động của toàn cầu hoá đối với bộ phận trí thức trong các doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế thể hiện ở:

- Sớm làm cho khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

- Đổi mới mối quan hệ giữa trí thức với công nhân, liên kết
thành lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội.

- Đề ra nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng các vấn đề thực tiễn cho bộ phận trí thức trong các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng.

- Cùng với các cơ sở nghiên cứu và trường học, thực hiện thường xuyên quá trình "xã hội hoá tri thức", làm cho mặt bằng tri thức trong sản xuất và kinh doanh, trong quản lý vi mô và vĩ mô không ngừng được nâng cao.

c.Sự phát triển của toàn cầu hoá kinh tế đã làm cho các dòng vốn đầu tư của thế giới, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hiện nay, khối lượng hàng hoá và dịch vụ do nhiều chi nhánh ở nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia bán được lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Như vậy, sản xuất của thế giới dựa nhiều hơn vào sự di chuyển của dòng đầu tư trực tiếp giữa các nước so với buôn bán thế giới.

Tác động của toàn cầu hoá thông qua dòng đầu tư trực tiếp thể hiện ở hai phía: đối với các công ty đầu tư nước ngoài là nhằm thực hiện và củng cố lợi thế cạnh tranh liên quan đến công nghệ tiên tiến. Đối với nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài là mong muốn tiếp nhận chuyển giao công nghệ, năng lực quản lý và vốn tài chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra tiếp nhận đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy quá trình phân công lại lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Những tác động tích cực của tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt được khi nước ta chuẩn bị được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu chuyển giao công nghệ, yêu cầu quản lý hiện đại. Vì vậy, đòi hỏi thực hiện đào tạo và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động của các dự án đầu tư và cán bộ quản lý. Các công ty xuyên quốc gia có những hoạt động đào tạo nhân lực, được coi là một hình thức chuyển giao công nghệ cho dự án đầu tư. Như vậy, thông qua phát triển hình thức đầu tư trực tiếp, nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đội ngũ lao động tri thức - lực lượng lao động này quyết định trình độ cạnh tranh và sự phồn vinh của đất nước.

d.Hình thành và phát triển một đội ngũ doanh nhân kiểu mới là một đòi hỏi trước những tác động của toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế. Ngày nay ai cũng thấy rõ, toàn cầu hoá kinh tế dựa trên động lực và sức mạnh của kinh tế tri thức. Quá trình chuyển biến từ nền công nghiệp lớn lên nền kinh tế tri thức là quá trình kết hợp những thành tựu của hai cuộc cách mạng: cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và cách mạng kinh tế (người ta còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba). Hiệu quả vận dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả của cách mạng kinh tế (đổi mới hình thức tổ chức kinh tế, năng lực quản lý doanh nghiệp và năng lực quản lý nhà nước).

Theo thời gian, kinh tế tri thức càng phát triển thì càng thúc đẩy một đội ngũ doanh nhân kiểu mới ra đời. Họ là những trí thức hoạt động trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Đội ngũ này khác nhiều so với đội ngũ doanh nhân trong nền công nghiệp lớn, giống như lao động trong nền kinh tế tri thức khác với lao động trong nền công nghiệp cơ khí.

Lực lượng chủ yếu để tham gia toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế chính là đội ngũ doanh nhân mới, còn các cơ quan nhà nước (như ngoại giao, thương mại,...) là tạo điều kiện, mở đường cho họ hoạt động có hiệu quả.

2. Tác động của toàn cầu hoá đối với trí thức trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục

Do toàn cầu hoá dựa trên động lực và sức mạnh của kinh tế tri thức nên tác động của nó đối với những trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục ngày càng tăng, ngày càng có tính chất trực tiếp. Điều này bắt nguồn từ đặc điểm của lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế tri thức đòi hỏi một mặt, tri thức không ngừng được xã hội hoá, mặt khác, xã hội không ngừng được tri thức hoá. Chính vì vậy, mối quan hệ tương tác giữa kinh tế tri thức với văn hoá, xã hội, giáo dục ngày càng gắn bó. Mối quan hệ đó thúc đẩy thông qua tác động của toàn cầu hoá.

Tác động của toàn cầu hoá đối với những trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục đã đặt ra những vấn đề sau đây đòi hỏi nhận thức đúng:

a.Mối quan hệ giữa văn hoá phương Đông với văn hoá phương Tây. Đây là vấn đề đang tranh luận ở nhiều nước với các quan điểm khác nhau.

b.Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong xã hội "hậu công nghiệp" khác trong xã hội công nghiệp. Sự khác nhau tập trung ở hai vấn đề: con người trong mối quan hệ với xã hội và với tự nhiên; con người phát triển toàn diện khác với con người chủ nghĩa cá nhân.

c.Đối với những vấn đề về lực lượng sản xuất mới, nền văn hoá mới, con người mới nói trên thì người ta mong đợi nhiều sự phát triển nền giáo dục mới. Chính vì vậy mà toàn cầu hoá đang gây ra sức ép mạnh mẽ đối với những trí thức hoạt động giáo dục, đang tham gia quá trình cải cách giáo dục.

d.Trong quá trình phát triển kinh tế tri thức và toàn cầu hoá còn đưa đến những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu xã hội dân cư. Trong giai đoạn quá độ hiện nay, cơ cấu xã hội - giai cấp trong xã hội công nghiệp vẫn còn và đang biến đổi, nhưng một xã hội mới đang dần hình thành do sự phát triển phân công lao động mới trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu hoá kinh tế. Những nét mới thấy được của cơ cấu xã hội đang hình thành là:

- Giai cấp công nhân đang phát triển ở trình độ mới hình thành những người lao động tri thức, có vai trò ngày càng tăng trong lao động sáng tạo và quản lý.

- Lần đầu tiên trong lịch sử, khoảng cách giữa lao động chân tay với lao động trí óc (do lịch sử sinh ra từ phân công lao động cũ) đang được thu hẹp và mờ dần. Người công nhân mới cùng với các chuyên gia đang kết hợp thành lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội mới.

- Sự phân công lao động mới trong nền kinh tế tri thức được thúc đẩy bởi toàn cầu hoá đã đưa đến hình thành tầng lớp trung lưu (hay tầng lớp hữu sản, không phải là vô sản cũng không phải là tư sản). ở các nước đang phát triển kinh tế thị trường trong thời đại hiện nay đều hình thành tầng lớp trung lưu. ở Trung Quốc đã có hơn 15% dân số thuộc tầng lớp này. Xu hướng "dân giàu, nước mạnh" sẽ thể hiện ở một trong những tiêu chí là sự ra đời và phát triển tầng lớp trung lưu như là con đẻ của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn kinh tế tri thức và toàn cầu hoá. Những công nhân, nông dân trí thức sẽ trở thành một bộ phận ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu. Đó là sự giải phóng lần thứ hai khi công nông vượt ra khỏi tình trạng vô sản chuyển thành những người hữu sản văn minh.

3. Tác động của toàn cầu hoá với mối quan hệ giữa chính trị - xã hội và khoa học công nghệ

Khoa học là lĩnh vực hoạt động sáng tạo nhằm tìm tòi những quy luật, xu hướng phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy vì sự phát triển của xã hội loài người. Sự phân biệt giữa văn minh với dã man, tự do với tất yếu đều gắn liền với trình độ phát triển khoa học. Tuy vậy, từ xưa đến nay, sự thực hiện chức năng khoa học đều gắn liền với môi trường chính trị - xã hội lại do những điều kiện lịch sử quy định, không thể từ mong muốn chủ quan.

a.Trong thời đại chủ nghĩa tư bản, khoa học công nghệ đã phát triển chưa từng có, là nhân tố chủ yếu tạo ra sự giàu có của chủ nghĩa tư bản. Nhưng môi trường chính trị - xã hội của chủ nghĩa tư bản đã làm cho tiến bộ khoa học công nghệ mang tính chất hai mặt. Theo quan điểm của trường phái Phranphuốc thì "Tiến bộ khoa học kỹ thuật = Tăng trưởng của cải xã hội = Phát triển nô dịch". Tiến bộ khoa học kỹ thuật do con người tạo ra nhưng trở thành lực lượng khống chế, thậm chí nô dịch con người. Trong các chế độ bá quyền hay độc tài thì khoa học kỹ thuật bị tha hoá thành công cụ thống trị chính trị.

Sự ra đời kinh tế tri thức và phát triển toàn cầu hoá, một mặt đã mở rộng cả mặt tích cực và tiêu cực của tiến bộ khoa học kỹ thuật ra toàn cầu, mặt khác đã có nhiều nhà khoa học và dân chúng lên tiếng phê phán và đòi hỏi "nhân đạo hoá và nhân văn hoá khoa học" theo các phương hướng:

- Loại trừ khả năng lạm dụng những thành tựu khoa học.

- Khai thác sử dụng giới tự nhiên một cách cân bằng.

- Khắc phục tính phiến diện và tuyệt đối hoá việc nhận thức bằng phương pháp thực nghiệm duy lý.

- Bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp cần thiết cho cán bộ khoa học, giúp bản thân nhà khoa học phát triển toàn diện và hài hoà nhằm phát huy cao độ tiềm năng sáng tạo của mỗi người.

- Nhà nước bảo đảm cho khoa học có một vị thế tương đối và sự ủng hộ về mặt đạo đức của xã hội.

Như vậy, vai trò của đội ngũ khoa học công nghệ phát huy như thế nào đều gắn liền với môi trường chính trị - xã hội. Ngoài ra từ cuối thế kỷ XX trở đi, xu hướng phát triển hài hoà giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội trong nền khoa học hiện đại, trong đội ngũ và trong mỗi nhà khoa học đang mở ra triển vọng to lớn và tính khả thi về thực hiện quá trình nhân đạo hoá khoa học. Tính chất tiên tiến của một nền khoa học quốc gia còn được đánh giá từ tiêu chí nhân đạo hoá khoa học.

b.Do môi trường chính trị - kinh tế khác nhau, nên hiện nay vấn đề lưu động chất xám ngày càng tăng cùng với phát triển toàn cầu hoá. Trong đó có vấn đề "chảy máu chất xám" của nhiều quốc gia

... Tình trạng mất đi những người được đào tạo chuyên môn ở trong và ngoài nước được người ta coi là "sự tàn phá đặc biệt" đối với quốc gia ở thời kỳ phát triển trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt. Gần đây, tình trạng những người có chuyên môn tuy không ra đi, nhưng không được sử dụng đúng hoặc phải chuyển nghề để kiếm sống cũng được người ta coi là một "sự tàn phá bên trong".

Hiện nay, xu hướng phát triển bền vững đang ngày càng có tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường chính trị - xã hội cho phù hợp với nhu cầu nhân đạo hoá và nhân văn hoá khoa học.

4. Tác động của toàn cầu hoá đối với sự phát triển của các Hội khoa học kỹ thuật nước ta

Các Hội khoa học kỹ thuật nước ta và Liên hiệp hội được xác định là một lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vai trò và nhiệm vụ ấy càng nặng nề trước những tác động của sự phát triển kinh tế tri thức và toàn cầu hoá. Có thể nói, tác động toàn cầu hoá đối với sự phát triển của đội ngũ trí thức cũng là tác động đối với các tổ chức của họ.

Phương hướng phát triển cùng với phương thức và phương pháp hoạt động của các tổ chức này có hiệu quả tốt hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào thái độ xử lý của những người điều hành các Hội trước thực tiễn biến đổi nhanh của đất nước và tác động của toàn cầu hoá.

Tác động của toàn cầu hoá đặt ra những vấn đề gì cho các Hội và Liên hiệp hội?

a.Trước hết đòi hỏi có tầm nhìn sáng tỏ những xu hướng của thời đại, của khoa học công nghệ, góp phần nâng cao nhận thức của các thành viên trong hoạt động thực tiễn.

b.Đổi mới phương thức hoạt động, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả phát triển tri thức và phương pháp làm thước đo, làm cho một tổ chức khoa học khác với một tổ chức hành chính.

c.Do kinh tế tri thức và toàn cầu hoá phát triển nhanh, nên cần coi trọng công tác thông tin, nâng cao năng lực xử lý thông tin, tránh tình trạng "no thông tin, đói nhận thức", nhằm nâng cao trình độ các thành viên.

d.Sớm tìm tòi những hình thức liên kết phối hợp với công nhân trong công nghiệp và xây dựng, với nông dân trong các lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hình thành lực lượng sản xuất mới.

đ.Tổ chức khoa học theo phương pháp hệ thống, trong đó phát huy đầy đủ vai trò cá nhân nhà khoa học và vai trò tập thể khoa học. Xử lý tốt mối quan hệ cá nhân và tập thể. ở đây, "trái ngược không phải mâu thuẫn, mà chúng bổ sung cho nhau". Trước thực tiễn biến đổi nhanh, bổ sung và hoàn thiện cho nhau trở thành một nhu cầu phát triển tri thức và các tổ chức khoa học.

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới