Sức sống thần kỳ của đa dạng sinh học
Sau hơn 50 năm được coi là tuyệt chủng hoàn toàn, mới đây loài chim gõ kiến mỏ ngà (tên khoa học là Campephilus principalis) đã được các nhà sinh vật học người Mỹ tái phát hiện ở miền nam nước này. Đây được coi là một phát hiện gây chấn động giới nghiên cứu nước Mỹ. Một quan chức của cơ quan Audubon Society - trung tâm điểu học có uy tín của Mỹ - thậm chí còn phấn chấn đến mức tuyên bố rằng phát hiện này không khác gì nước Mỹ đã “tìm lại được Elvis” (tức huyền thoại nhạc rock Elvis Presley). Sự hào hứng của các nhà khoa học không chỉ bắt nguồn từ vẻ đẹp độc đáo của loài chim này mà còn vì họ đã tìm lại được một sinh vật mà họ vẫn tưởng rằng sẽ vĩnh viễn không tồn tại trên Trái Đất nữa. Lần cuối cùng họ được quan sát loài gõ kiến mỏ ngà trong điều kiện sống tự nhiên đã cách đây 61 năm. Điều đáng mừng là việc tìm lại được loài chim này không phải là trường hợp duy nhất.
Trong nhiều thập niên trước đây, rất nhiều loài chim khác cùng các loài cá, côn trùng, động vật có vú cũng như nhiều loài thực vật đã bị xếp vào diện hoàn toàn tuyệt chủng nhưng cuối cùng cũng đã được tìm lại. Trong số những trường hợp này, phát hiện quan trọng nhất là việc tìm lại được loài cá vây tay. Trước đó các nhà cổ sinh vật học chỉ biết đến loài cá này nhờ các mẫu hoá thạch, bởi đây là một loài động vật nguyên thuỷ từng sinh sống trên Trái Đất từ thời kỳ trước khi có loài khủng long. Đúng như tên gọi của mình, cá vây tay có các vây ngực và vây bụng tương tự như các chi khiến cho các nhà sinh vật học luôn cho rằng rất có thể loài cá này là một mắt xích bị khuyết có liên quan đến những loài động vật thuỷ sinh đầu tiên chuyển đến sống trên cạn ở thời điểm cách đây 360 triệu năm. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn cho rằng cá vây tay đã tuyệt chủng hoàn toàn trước khi xuất hiện các loài khủng long. Vậy mà đến ngày 23/12/1938, một tàu đánh lưới rê của Nam Phi trong một chuyến đánh bắt ở ngoài khơi vùng biển East London thuộc Ấn Độ dương đã bắt được một con cá vây tay còn sống. Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu sinh vật biển đã tiến hành khảo sát vùng biển này và phát hiện được cả một quần thể cá vây tay. Điều đó cho thấy loài cá này vẫn tiếp tục tồn tại trong lòng đại dương trong suốt hàng trăm triệu năm qua.
Việc tìm lại được loài chim hải âu Bermuda (Pterodroma cahow) cũng có ý nghĩa không kém. Khi những nhà thám hiểm đầu tiên của châu Âu đặt chân đến vùng biển Trung Mỹ này vào đầu thế kỷ 16, những đàn hải âu lớn bay rợp khắp trời. Nhưng sau hơn một thế kỷ bị săn bắn với cường độ cao, loài chim biển này đã bị coi là tuyệt chủng hoàn toàn ngay từ năm 1621. Nhưng hơn ba thế kỷ sau, đến năm 1951, các nhà sinh vật học đã tình cờ phát hiện ra nhiều cặp hải âu Bermuda đang sinh sản trên một vài hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Castle Harbour của vùng biển Bermuda. Những kết quả khảo sát chi tiết cho thấy những đôi chim biển này cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng một lần nữa bởi vì chúng chỉ còn 18 cặp. Một kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt ngay lập tức đã được triển khai để đảm bảo một môi trường sống an toàn tuyệt đối cho loài chim này. Với mức độ sinh sản tương đối thấp, cho đến nay số lượng hải âu Bermuda mới chỉ tăng đến mức hơn 40 cặp.
Những loài động vật sống trong các khu rừng nhiệt đới thường dễ bị xếp vào danh sách tuyệt chủng bởi việc quan sát được chúng thường xuyên trong môi trường tự nhiên không hề đơn giản. Nhưng cũng chính vì thế mà có không ít loài động, thực vật sinh sống trong các rừng nhiệt đới ẩm tưởng chừng đã bị tuyệt chủng nhưng thực ra vẫn còn tồn tại. Một trong những loài có cơ may như vậy là loài cú xám Ấn Độ (Athene blewitti) đã được tìm lại vào năm 1996 sau khi được coi là tuyệt chủng từ giữa thế kỷ 19 trên tiểu lục địa Nam Á này. Năm 1989, tại một cánh rừng thuộc bang Queensland (Australia) các nhà sinh vật học đã phát hiện được một loài sóc bay (Petaurus gracilis) bị coi là tuyệt chủng từ năm 1883. Hai năm trước đó, cũng tại khu rừng này, họ đã tìm lại được một loài thú có túi loại nhỏ (Antechinus apicalis) bị coi là vĩnh viễn biến mật trên hành tinh từ đầu thế kỷ 20. Cả hai trường hợp này khi được tìm thấy đều trong tình trạng cả sinh vật và môi trường cư trú đã bị huỷ hoại một phần nên số lượng cá thể còn lại rất ít, thậm chí có thể nói là cũng đang sắp tuyệt chủng.
Cho đến nay, tuy có rất nhiều loài động thực vật đã được tìm lại sau nhiều năm bị coi là tuyệt chủng, song con số đó hoàn toàn không thấm tháp gì so với số lượng những loài chưa tìm được hay đúng hơn là không có hy vọng tìm lại được nữa. Theo thống kê của các nhà sinh vật học, trong suốt 400 năm qua có 116 loài chim, 82 loài động vật có vú và khoảng từ 100 đến 150 loài động vật có xương sống khác đã biến mất trên hành tinh này. Ngoài ra phải kể đến khoảng 400 loài động vật không xương sống và hàng trăm loài thực vật cũng chịu chung số phận. Trong thời gian tới, có lẽ sẽ có thêm nhiều loài khác, sẽ được tìm lại nhưng cũng có thể sẽ có nhiều loài khác tiếp tục rơi vào hoạ tuyệt chủng. Thiên nhiên vốn rất dễ bị tổn thương nhưng cũng có sức chống chịu rất dẻo dai. Vấn đề là liệu con người có thiện chí giúp sức để thiên nhiên có sức sống bền bỉ hơn hay sẽ làm cho thế giới này dễ bị tổn thương hơn. Điều đó sẽ tiếp tục được đánh giá qua số lượng những loài sinh vật có thể tiếp tục tồn tại được trên Trái Đất.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 77 (1795), ngày 26/9/2005, trang 4
Lan quân nhân |