Sục sạc cây có độc
Sục sạc tái (Crotalaria pallidaAiton, tên cũ C. sriata DChay C. mucronata Desv.), còn có tên lục lạc, muồng lá tròn, muồng phân xanh. Thân thảo, cứng, cao 1 - 2 mét, nhất niên. Lá kép với 3 lá phụ xoan bầu dục, mỏng, mặt trên không lông, mặt dưới có lông, lá bẹ hình kim, rụng sớm. Phát hoa ở nách lá hoặc ngọn cành, dài 2 - 3 tấc, mang khoảng 50 hoa. Hoa xụ (cúp xuống), vành hoa cao 15 mm màu vàng, có sọc cam đậm (xem hình 1). Giáp quả, xụ, dài 3 - 4cm, chứa 20 - 30 hột vàng nâu. Khi khô hột rơi ra nhưng vẫn nằm trong giáp quả kín, khi gió lay hoặc lắc quả nghe sục sạc, sục sạc… nên có tên sục sạc ( lục lạc).
Thành phần hoá học:Hột chứa các alcaloid: monocrotalin, mucronatin, usaramin, crotastriatin, croalbidin, redilin, mucrunatinin, nilgirin; các flavonoid; lutein, vitextin. Thân, lá, hoa cũng chứa alcaloid complanatusid, myricomplanoid và các apigennin…
Tác dụng dược lý:Các nghiên cứu khoa học cho thấy lục lạc tái:
- Các flavonoid của sục sạc tái có tính ức chế sự tạo ra các hoá chất trung gian trong chứng viêm nên có thể dùng để ngừa và trị các chứng viêm do quá mẫn.
- Tác dụng độc với tế bào: làm tổn thương tế bào người với nồng độ 0,35mg monocrotalin/ml. Nó cũng ức chế sự tổng hợp DNA, cản sinh sản tế bào và gây đột biến tế bào tuỷ xương (gây ung thư).
- Trong ống nghiệm (in vitro), monocrotalin làm cho nhiều loại tế bào ung thư biến dạng, ức chế sự phân chia phát triển (có tính chống ung thư).
Độc tính:Tiêm 30mg monocrotalin/kg, dưới da khỉ, 2, 4 và 6 tháng sau tiêm nhắc lại, sau 399 ngày, xét nghiệm giải phẫu bệnh thấy tim, phổi khỉ đều bị tổn thương. Lá và hột sục sạc độc với dê nhưng nấu chín thì hết độc. Sục sạc có chứa một lectin gây kết cụm tế bào máu. Cao khô toàn cây sục sạc chiết bằng cồn có tính lợi tiểu, hạ huyết áp, nhưng tiêm phúc mạc chuột thì liều gây chết 50% số chuột thử nghịêm (LD50) là 400mg/kg!
Công dụng và liều dùng:kinh nghiệm dân gian dùng hột sục sạc tái phơi khô, sao vàng 6 - 15g sắc uống như trà, chữa suy nhược thần kinh, xuất tinh sớm, di tinh, bạch đới nhưng không dùng quá 3 ngày vì có độc. Toàn cây 15 - 20g săc uống trị lỵ, đau bụng, phong thấp, nhức đầu, bạch đới (khí hư), cũng không dùng quá 3 ngày vì có độc.
Trị ung thư theo tài liệu Trung Quốc, 1986 (độc tính của thuốc trong trường hợp này coi như rất nhỏ so với nguy hại của bệnh).
- Chữa ung thư bạch cầu dòng lympho mạn tính: toàn cây sục sạc tái 15g khô, rễ địa du ( Sanguisorba officinalis)15g, rễ địa hoàng (sinh địa) 15g, rễ đảng sâm 30g, rễ thiên môn 30g, sắc uống ngày 1 thang, trong 21 ngày.
- Chữa ung thư biểu mô da có vảy: toàn cây sục sạc tái phơi khô, tán bột mịn, hoà với nước muối 0,9% thành bột nhão, bôi lên da bệnh ngày 2 - 3 lần trong 15 ngày hoặc hơn.
- Chữa ung thư bạch cầu cấp và mạn: bột sục sạc tái 4 phần, lách heo nung thành than 1 phần, trộn đều mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần, trong 3 tuần lễ, xét nghiệm máu rồi uống tiếp.
- Sục sạc tái cũng được chế thành thuốc tiêm monocrotalin chữa ung thư cổ tử cung, ung thư thực quản.
Sục sạc lá màng màng:( C.cleomipholiaWiw. Ex Bak.) cỏ nhất niên, cứng, cao 1 - 4 mét, thân hơi tròn (có cạnh tà), có lông mịn, vàng hoe. Lá kép có 5 lá phụ xoan nhọn, dài 6 - 8cm. Phát hoa ở ngọn cành, thẳng đứng, cao 30 - 40cm, hoa nhiều màu vàng rực, có sọc nâu. Giáp quả hình trụ, dài 4 - 5cm, chứa rất nhiều hột, hình thận, nâu hay đo đỏ, cỡ 3mm. Gốc Phi Châu, du nhập trồng ở Đà Lạt cho tốt đất, làm phân xanh có tác dụng chống tuyến trùng cho rau cải.
Sục sạc trắng:( C. incana L.). có 3 lá phụ xoan nhọn. Quả đầy lông nâu. Kinh nghiệm dân gian dung rễ làm trà trị sốt vàng, nhưng độc cho gan vì chứa alcaloid integrimin.
Sục sạc lá ổi dài:( C. assamicaBenth.) - kinh nghiệm dân gian dùng trị viêm họng, quai bị, kiết lỵ, điều kinh, tê thấp, nhưng cũng như các loài Sục sạc khác chứa alcaloid nhóm pirolzindin độc đối với gan, hoặc gây thắt các tĩnh mạch phổi, gây phù phổi, viêm phổi, gây ung thư gan. Việc dùng các alcaloid này để trị ung thư phải được nghiên cứu kỹ và dùng đúng liều lượng…