Sức hút kỳ lạ qua các tư liệu về GS Từ Chi
GS Từ Chi đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm 4 công trình: "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ", "Hoa văn Mường", "Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana", "Người Mường ở Hoà Bình". Ngoài ra, ông còn có nhiều nghiên cứu sâu sắc khác. Ông được coi là gương mặt lớn, tiêu biểu của nền dân tộc học Việt Nam .
Những tư liệu lần đầu tiên công bố
Cách đây 1 năm, BTDTH đã tiếp nhận di cảo của cố GS. Nguyễn Đức Từ Chi từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Kể từ đó đến nay, họ đã nỗ lực không ngừng để bảo quản, sắp xếp, hiệu chỉnh, tìm kiếm thêm và kết quả là ngày hôm nay biến thành hiện thực ý tưởng tái hiện lại qua một cuộc trưng bày toàn bộ cuộc đời, tư tưởng và cống hiến của GS Từ Chi.
Các hiện vật chủ yếu trong cuộc trưng bày này là ảnh, bút tích và một số giấy tờ của cố GS. Cuộc đời ông được tái hiện qua các giai đoạn: con đường đến với nền dân tộc học, các công trình đóng góp, phong cách làm việc, cho đến mối tình cao thượng với người vợ, và một phần rất quan trọng là hình ảnh Từ Chi trong mắt các người thân, bạn bè, học trò... Chúng ta có thể thấy ở đây những bức ảnh đen trắng chụp GS Từ Chi từ thời trẻ, trong trang phục thường ngày, ảnh thời xuân sắc của bà Nguyễn Thị Tuất, vợ ông; ảnh GS những chuyến đi điền dã, những năm sống ở Ghinê... Có thể thấy cả tấm thẻ sinh viên thời ông học Đại học Tổng hợp, với chữ ký của thầy hiệu trưởng Nguỵ Như Kontum từ năm 1959; chứng chỉ tốt nghiệp đại học từ năm 1961 nay đã ố màu; bản tự nhận xét cá nhân vào năm 1966 với những câu "kiểm điểm" hết sức thật thà...
Bản tự kiểm điểm của GS Từ Chi (năm 1966) |
Bà Nguyễn Thị Tuất thời trẻ |
Một hướng đi mới trong hoạt động trưng bày
Đây là lần đầu tiên ở nước ta tổ chức một cuộc trưng bày giới thiệu về một nhà khoa học. Bởi vậy có thể coi nó là một thể nghiệm về cách tiếp cận mới trong lĩnh vực hoạt động bảo tàng.
Tiền sảnh của BTDTH chiều nay chật kín với khoảng vài trăm người, đó là một con số đáng nể đối với một cuộc trưng bày bảo tàng vốn là hoạt động vẫn thường rất thầm lặng ở nước ta hiện nay. Hơn thế, cảm giác hài lòng và ngạc nhiên "không nghĩ cuộc trưng bày này lại hấp dẫn đến thế" của nhiều người xem là một dấu hiệu thành công rõ rệt. PGS.TS Nguyễn Văn Huy (GĐ bảo tàng) đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Ông Huy cho hay: "Cái khó ở đây là chưa bao giờ chúng ta dám làm một cuộc trưng bày về cuộc sống của một nhà khoa học bình thường, nhất lại là một nhà dân tộc học mà đối với nhiều người chủ đề đó có vẻ còn xa lạ hoặc khó kéo họ đến xem được. Chúng tôi đã phải mời tất cả gia đình, bạn bè của GS Từ Chi, đề nghị họ kể ra những điều gì họ biết hoặc nhớ được, nhằm hiểu rõ con người của Từ Chi, hiểu tại sao ông lại được người ta trân trọng và kính mến đến như thế. Sau cùng, chúng tôi đã nghĩ ra một cách thức khiến phòng trưng bày tưởng như đơn điệu lại trở nên sống động hấp dẫn, bằng những tấm ảnh đầy sức gợi, những bản bút tích phóng lớn..." Không phải là vài tháng mà mất hơn 1 năm, với sự làm việc cật lực của vài mươi người, BTDTH mới hoàn thành được trưng bày này.
Theo TS. Huy, thành công này mở ra một xu hướng mới cho hoạt động trưng bày của bảo tàng. Tới đây, BTDTH có thể sẽ có những hình thức tương tự để tôn vinh tất cả các nhà dân tộc học trong lịch sử Việt Nam ...
Nguồn: vnn.vn 10/10/2005