Sử dụng bã mía trong sản xuất nhiên liệu sinh học
Nấm men Y. lipolytica Po1g có khả năng tích lũy hàm lượng chất béo cao, thường được tìm thấy trong môi trường giàu các chất nền kỵ nước (hydrophobic substrate). Chúng phát triển những cơ chế phức tạp cho việc sử dụng hiệu quả những chất nền khác nhau như là nguồn carbon cho quá trình sinh trưởng. Chất béo trung tính thu được từ Y. lipolytica Po1g là nguồn nguyên liệu tiềm năng để chuyển hóa thành biodiesel, vì chúng chứa một lượng lớn các acid béo tự do. Tuy nhiên, chất béo từ nấm men cho dầu chỉ có thể cạnh tranh với các nguồn chất béo thương mại khác nếu được sản xuất từ nguyên liệu rẻ hơn nguồn truyền thống. Gần đây, đang có khuynh hướng tận dụng các nguồn phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) như là nguồn carbon trong quá trình nuôi cấy vi sinh để sản xuất chất béo.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng bã mía tạo chất béo đã chứng minh khả năng sử dụng bã mía cho quá trình thủy phân đường là rất khả quan. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thủy phân như nồng độ acid, thời gian, nhiệt độ, tỷ lệ bã mía/dung dịch acid đã được khảo sát và xác định được điều kiện tối ưu cho quá trình thủy phân bã mía. Đồng thời, quá trình nuôi cấy nấm men Y. lipolytica Po1g cho thấy sản phẩm thủy phân bã mía đã khử độc có thể được sử dụng như một nguồn carbon thay thế hiệu quả cho quá trình nuôi cấy nhằm sản xuất chất béo do hàm lượng sinh khối và chất béo thu được khá cao. Chính vì thế bã mía thủy phân có thể xem như là nguyên liệu tiềm năng dùng để nuôi cấy nấm men cho dầu.