Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 02/04/2008 01:21 (GMT+7)

Sống là không chịu lùi bước

“Điều bất ngờ ở phút 90”

Cuộc thi nghiên cứu khoa học trẻ Hungari được tổ chức hai năm một lần, quy tụ tất cả các trường đại học, các viện nghiên cứu trên toàn nước Hungari. Tại các trường đại học, hàng năm đều tổ chức cuộc thi tương tự với quy mô của trường. Các giải nhất và nhì của 2 năm liên tiếp được gửi đi thi tại cuộc thi này. Phạm Trường Sơn cho biết: Ngay từ tháng 12 đã phải nộp một bản báo cáo khoảng 100 trang về công trình khoa học mà mình đang theo đuổi. Ban tổ chức sẽ gửi đến các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực mình nghiên cứu trên toàn nước Hung, tất nhiên là bản báo cáo được đánh mật mã, hai chuyên gia này hoàn toàn không biết nhau, họ độc lập chấm điểm theo quy định của ban tổ chức. Điểm tối đa là 50 điểm, được chia theo 5 tiêu chí, mỗi tiêu chí tối đa 10 điểm: bài viết trình bày lô gích, ngắn gọn, không có lỗi; tính tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên; kết quả đạt được của công trình, dựa trên các bài báo khoa học đã được đăng trên tạp chí quốc tế về công trình nghiên cứu; cách rút tỉa kinh nghiệm của các công trình nghiên cứu có liên quan, định hướng nghiên cứu tiếp theo; tính thực tiễn của công trình nghiên cứu. Tổng cộng có 147 thí sinh được dự thi vòng chung kết, được chia thành 6 bảng khác nhau, dựa trên lĩnh vực nghiên cứu như hoá phân tích, hóa lượng tử, hóa lý, hóa polime... Trong vòng 10 phút, thí sinh phải báo cáo ngắn gọn và đầy đủ công trình, sau đó là bảo vệ đề tài. Hội đồng gồm có 6 vị giám khảo đặt câu hỏi; ngoài ra, các thành viên tham gia buổi báo cáo cũng có thể được hỏi tối đa hai câu hỏi. Đề tài nghiên cứu phương pháp điều chế một loại đồng phân quang học của họ chất amfa - amino - phosphonate (hai dược phẩm quan trọng được điều chế theo phương pháp này là dược chất hạ huyết áp và thuốc kháng sinh) của Phạm Trường Sơn nằm trong bảng tổng hợp hóa hữu cơ.

Trong email Phạm Trường Sơn gửi về cho gia đình vẫn còn chất chứa niềm hạnh phúc: “Toàn cuộc thi có 2 bảng có 2 giải nhất. Vì vậy, BTC quyết định nâng lên một giải nhất và một giải đặc biệt. Giải đặc biệt do hãng EGIS tài trợ, và chính họ tự chọn theo tiêu chí: công trình có ứng dụng cao hơn. Vì đây là thông tin mật nên không ai biết trước ngoài BTC. Trước đó, tụi con cũng chỉ biết là có giải nhất, nhì, ba nên đến khi trao giải, lần lượt các giải ba, nhì, nhất được trao, không có tên mình, con thất vọng lắm. Buồn khủng khiếp. Nhưng khi ban tổ chức thông báo có hai giải đặc biệt, và tên mình được xướng lên, con không tin vào tai mình nữa. Phải nói cái cảm giác đang buồn bỗng vui tột đỉnh làm cho con người ta dễ choáng. Khi lên nhận giải, con đã suýt ngã khi bước lên bục. Mắt hoa cả lên, chẳng còn nhìn thấy ai hết. Và thật sự là tai ù đi. Khi nhận giải, và nhận bắt tay của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi, con vẫn cứ nghĩ mình đang mơ. Khi bạn bè đến chúc mừng, con không hiểu sao, nước mắt nước mũi nhoè nhoẹt đi, không sao cưỡng lại được”.

Niềm say mê quyết định thành công

       Năm học lớp 12, Phạm Trường Sơn bị đau nặng trước kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, vậy mà Sơn vẫn vừa trùm chăn rên hừ hừ, vừa ôn bài. Năm đó, Sơn đạt giải nhì môn hóa. Đến khi thi đại học, Sơn đậu một lúc 3 trường đại học và quyết định nhập học vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ngay trong năm đầu đại học, Sơn đã là sinh viên xuất sắc của khoa, được chọn ra Hà Nội học ngoại ngữ để đi Hungari. Tại khóa học này, Sơn đã nhanh chóng hòa nhập và trở thành một trong hai sinh viên có số điểm cao nhất, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học tại Trường Đại học Kỹ thuật – Kinh tế Budapest, Hungari. Trong những năm tháng học tập tại đây, năm nào Sơn cũng được Đại sứ quán Việt Nam trao bằng khen về thành tích học tập xuất sắc. Năm 2006, Sơn cùng lúc nhận hai bằng Thạc sĩ Hóa dược và Hóa phân tích loại xuất sắc, nhận học bổng nghiên cứu sinh tại trường. Cũng trong năm này, luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ của Sơn được chọn là Luận văn tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa do Tập đoàn dược phẩm Sanofi – Aventis trao giải.

Sinh năm 1980, Phạm Trường Sơn là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Suốt mấy năm học THPT, Sơn đều đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia. Thi đỗ cùng một lúc 3 trường đại học: ĐH Bách khoa TP. HCM, ĐH Giao thông vận tải TP. HCM và ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Sơn quyết định theo học tại khoa Hoá - ĐH Bách khoa Đà Nẵng để giảm bớt chi phí cho bố mẹ. Hết học kỳ I, Sơn là một trong 2 sinh viên xuất sắc của trường được chọn đi du học tại Hungary theo ngân sách nhà nước. Và niềm yêu thích, sự say mê môn hóa  học đã theo suốt Sơn trên cả chặng đường dài, giúp em vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần của một du học sinh. Ở tuổi 26. Phạm Trường Sơn đã có 2 bằng thạc sĩ hóa dược và hóa phân tích và đang học năm thứ nhất để bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học. Sơn tâm sự: “Em yêu thích môn hóa học, có lẽ là tình yêu của người mẹ truyền cho con. Mẹ là cô giáo dạy hoá đầu tiên của em. Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy (hiện là chuyên viên của Sở GD&ĐT Đà Nẵng - PV) là thần tượng của em, cô vô cùng tận tình, cô đã truyền cho em những kiến thức cơ bản rất bổ ích cho con đường hóa học của em sau này. Em còn nhớ, cô dạy thêm cho chúng em vào 5 giờ sáng suốt cả mùa hè mà không hề thu học phí. Kết thúc khóa học, cô tặng cho mỗi học sinh một chiếc áo xanh đi học. Chiếc áo kỷ niệm đó luôn theo em, động viên em trong những ngày du học. Người thứ ba có ảnh hưởng đến con đường nghiên cứu hóa học của em chính là cô giáo chủ nhiệm đề tài, GS.TS. Jaiszay Zsuzsa. Cô là thần tượng trong công việc nghiên cứu. Cô có thể làm việc từ sáng cho tới đêm khuya, không mệt mỏi. Khi nói chuyện về hóa học, mắt cô luôn long lanh hạnh phúc. Cô tận tụy, giúp đỡ em từ những ngày em còn là  sinh viên năm thứ hai. Khi em bắt đầu tham gia vào tổ nghiên cứu, vì là sinh viên nước ngoài, nên cô quan tâm đặc biệt hơn. Cô đã truyền lửa đam mê với nghiên cứu khoa học. Ngoài công việc, hai cô trò thân nhau như hai người bạn, có thể tâm sự, chia sẻ mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống cùng cô”.

Với Phạm Trường Sơn, là một người trẻ, điều quan trọng nhất là phải có mục đích, và phải sống thật nguyên tắc để thực hiện mục tiêu mình đề ra; và đặc biệt là không bao giờ nản chí, cho dù có thể vấp ngã. Theo Sơn, những bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học cần phải có sự đam mê, kiên nhẫn, không nản chí trước thất bại, ngoài ra điều không thể thiếu là sự hướng dẫn của thầy cô và sự may mắn. Sơn không cho rằng giải thưởng vừa qua là một sự thành công mà chỉ là sự khuyến khích cho công việc mà em đang theo đuổi. Với chàng trai trẻ này, con đường thành công vẫn đang còn đang ở phía trước và còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Định hướng của em là nghiên cứu và giảng dạy. Vì vậy em học song song hai chuyên ngành: hóa dược và hóa phân tích. Hóa phân tích như một công cụ để em nghiên cứu môn hóa dược. Dự định khi học xong tiến sĩ, em sẽ học thêm post.doc (hậu tiến sĩ) hoặc ở Mỹ, hoặc ở Thụy Sĩ. Nguyện vọng lớn nhất của Phạm Trường Sơn là được nghiên cứu và giảng dạy đúng chuyên môn trên quê hương mình. 

Nguồn: suckhoedoisong.vn (14/02/08)

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.