‘Sống cứ như thế đến cùng’
Bây giờ, cả nước đã biết tiếng ông tiến sĩ họ Hồ này bởi có rất nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương viết bài ca ngợi “hưu nông dân”. Không những thế, đề án này đã làm thí điểm ở một số huyện ở Nghệ An và công ty cổ phần Mai Linh (TP. Hồ Chí Minh) với hơn 8 vạn người tham gia và số tiền đóng hưu hơn 40 tỷ đồng. T ác phẩm"Hưu nông dân" còn được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tái bản lần đến thứ ba.
Danh và ngôn của ông là vậy. Vốn biết tiếng ông từ năm 1994, khi ông bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học kinh tếtrước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước, nhưng một điều tôi băn khoăn là tại sao hơn 35 năm phục vụ, cho đến khi về hưu năm 2000, vị tiến sĩ này vẫn chỉ là anh "nhân viên quèn"của Sở Tài chính - Vật giá Nghệ An?
"Tại sao à?- ông Quỳnh cười, nụ cười chất phác trên khuôn mặt to, rộng ,đầy nếp nhăn như một lão nông thực thụ - Tại cái tính tôi nó thế, cái tính gàn của xứ Nghệ ấy mà. Cứ cái gì thấy chưa phải là tôi cãi bằng được, mà cãi lý hẳn hoi. Nói anh biết, suốt 35 năm nay, tôi đã có những hơn 80 tờ trình gửi các cơ quan của Đảng, Nhà nước rồi đấy nhé. Thế nên, người ta gọi tôi là "ông tờ trình"...
Sinh năm 1939 tại Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu - Nghệ An), năm 1957, chàng thanh niên sớm mất cha Hồ Bá Quỳnh xa quê vào Vinh mở hiệu may Quỳnh Giao vừa học trường Huỳnh Thúc Kháng. Nhờ hiệu may đó mà anh có tiền học xong cấp 3 và theo học tiếp trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Tốt nghiệp vào loại xuất sắc nhưng anh không ở lại làm giáo viên, mà xin về nhận công tác ở Hà Tĩnh, tại một quỹ tiết kiệm nhỏ trong lúc giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc.
Vào một buổi chiều mùa đông giá lạnh, chứng kiến cảnh bà cụ già đứng tần ngần bên cửa hàng bách hóa màkhông dám vào vì không có tem phiếu, ý tưởng về "hưu nông dân" bắt đầu hình thành trong đầu chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết cho đến 30 năm sau...
"Năm 1976, tôi đã là Trưởng phòng Giá - Tiêu dùng rồi ấy chứ- ông Quỳnh nhớ lại - Lúc đó, cơ chế quản lý kinh tế của ta còn bao cấp nặng lắm. Với chức danh như vậy và lòng hăng hái của tuổi trẻ, tôi viết tờ trình cải cách kinh tế và đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Vật giá Nghệ Tĩnh. Thế là họ làm ầm lên, có người c òn hô trói tôi lại!
Họ kết tội ba tội: Dám bỏ giá cung cấp là chống lại CNXH; bỏ thuế sát sinh là chống lại chính sách thuế Nhà nước; cho HTX vay vốn là tội ném tiền ra cửa sổ, phá hoại ngọn cờ lớn nhất của CNXH ở nông thôn (vì cho nông thôn vay vốn nghĩa là khuyến khích họ bỏ ruộng!). Tôi bị giáng chức xuống nhân viên! -Ông cười, nụ cười hiền lành trông thật tội - Vì bị kỷ luật như vậy nên chi bộ không kết nạp Đảng cho tôi nữa. Sau này, nhiều lần chi bộ định kết nạp nhưng tự xét thấymình nhiều tuổi rồi,tôi xin rút lui, nhường cho lớp trẻ ".
Sau "vố đau "đó, ông không nhụt chí mà vẫn say sưa tìm kiếm, mổ xẻ những chính sách chưa phù hợp với cuộc sống để tiếp tục làm tờ trình. Phó thác cho vợ một nách nuôi năm con ăn học bởi đồng lương của anh nhân viên chẳng nuôi nổi ai, suốt ngày ông loay hoay với đống tài liệu nhằng nhịt con số, ghi ghi chép chép, rồi lại lóc cóc đạp xe xuống cơ sở để tìm kiếm số liệu chứng minh. Cuộc sống khó khăn, vợ con nheo nhóc, nhiều đêm ông nuốt nước mắt vào trong, lén bỏ nhà đến cơ quan đóng cửa phòng ngồi nghiên cứu. Người ta nói ông gàn, hâm là vì thế.