Sơn La: Phát triển nghề cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn
Ngày 30/9, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Hội Ngành nghề nông nghiệp nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La. Chủ tịch Liên hiệp hội Phạm Thị Hà và Phó Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp nông thôn Nguyễn Thế Luận chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, một số hội thành viên của Liên hiệp hội, Chi hội sinh vật cảnh các huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La và một số hộ trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo tập trung đánh giá toàn diện thực trạng phát triển nghề trồng hoa và cây cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay, bao gồm: Đánh giá mức độ phát triển của nghề trồng hoa, cây cảnh như: quy mô, sản lượng, chủng loại và phân bố địa lý của các loại cây trồng; Đồng thời, phân tích hiệu quả kinh tế mà ngành này mang lại, từ sản xuất tiêu thụ nội địa đến xuất khẩu, cũng như giá trị đóng góp vào thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia; Đánh giá mức độ tích hợp giữa nghề trồng hoa, cây cảnh với các hoạt động du lịch, như việc tạo cảnh quan, phát triển làng nghề phục vụ du khách và sức hút của các điểm tham quan liên quan; Công tác quản lý và hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ được xem xét, đặc biệt là các chính sách và chương trình hỗ trợ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó là đánh giá hiệu quả các biện pháp quản lý và các chương trình phát triển hiện có nhằm hướng tới đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh một cách bền vững và phù hợp với từng địa phương trong tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững nghề trồng hoa và cây cảnh trong thời gian tới, như: Cần chú trọng vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho nghiên cứu và nhập nội các giống hoa, cây cảnh mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Các giống đủ điều kiện cần được công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền để đảm bảo phù hợp với quy định sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, việc đa dạng hóa sản phẩm là cần thiết, đi kèm với đầu tư vào bao bì, nhãn mác và tổ chức các lễ hội, triển lãm chuyên đề để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.
Công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất cần được thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia phát triển, liên kết với người dân nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ trồng trọt, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác và nâng cao chất lượng hoạt động, cũng như tăng cường năng lực cho các đơn vị này. Về nguồn vốn, cần đa dạng hóa bằng cách huy động từ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong khi Nhà nước hỗ trợ thông qua các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng cần được chú trọng, bao gồm chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển giống, khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Các chính sách này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nghề trồng hoa, cây cảnh trong tương lai.
Qua hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ tổng hợp kết quả Hội thảo và đưa ra các khuyến nghị với UBND tỉnh và các ngành chức năng trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh.