Sơn La một ngày để nhớ
Ngay từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đặc biệt là sau khi nhà máy thuỷ điện Hoà Bình hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án thuỷ điện Sơn La đã trở thành một trọng tâm công tác của ngành điện lực nước nhà. Dần dần, mục tiêu của dự án được định hình, bao gồm việc sản xuất và cung cấp điện năng, chống lũ cho vùng hạ du và Hà Nội, cấp nước cho đồng bằng Bắc bộ vào mùa cạn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thuỷ trên sông Đà, phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây Bắc. Trong khi thực hiện các mục tiêu đó, một loạt yêu cầu được đặt ra là giảm thiểu số dân cần di dời và tái định cư, đảm bảo an toàn tối đa cho công trình và cho vùng hạ du, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng tích cực và hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường vùng Tây Bắc và các vùng hạ du, đảm bảo hiệu quả kinh tế - tài chính tổng hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác an ninh, quốc phòng trên địa bàn biên giới rộng lớn của Tổ quốc. Những mục tiêu và yêu cầu nêu trên có thể được xem là những tiêu chí làm cơ sở cho việc so sánh các phương án quy mô công trình thuỷ điện Sơn La. Các tiêu chí đó tác động qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Lựa chọn phương án tối ưu là bài toán lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu và quản lý.
Trải qua mấy chục năm khảo sát, nghiên cứu, cân nhắc các mặt, cuối cùng thì vào lúc giao thời, giữa hai thế kỷ, cuộc tranh luận về việc so sánh giữa các phương án và lựa chọn phương án tối ưu cho quy mô công trình thuỷ điện Sơn La cũng đi vào hồi kết. Phương án được nhất trí lựa chọn là cắt “con rồng lắm tài, nhiều tật” mang tên sông Đà dài hơn 540 km thành bốn khúc, xây dựng ba con đập chăn ngang sông tại Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, tạo thành ba hồ chứa nước với dung tích mỗi hồ gần 10 tỷ mét khối. Đối với công trình thuỷ điện Sơn La, mực nước dâng bình thường được lựa chọn là 215 m. Khi hoàn thành, nhà máy thuỷ điện sẽ có công suất là 2500 MW và hàng năm sản xuất hơn 10 tỷ kWh. Vị trí xây dựng công trình (tuyến công trình) được xác định là bản Pa Vinh thuộc xã Ít Ong, huyện Mường La.
Với phương án này, công trình thuỷ điện Sơn La chưa tận dụng được hết khả năng của sông Đà trong việc phát điện, chống lũ và cung cấp nước cho hạ du. Thoạt nhìn thì đây có thể là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, phương án này còn để ngỏ khả năng xây dựng thêm các nhà máy thuỷ điện trên dòng sông chính ở Lai Châu và các dòng sông nhánh. Những nhà máy thuỷ điện tương lai đó sẽ bù đắp một phần lớn sự “thiệt thòi” về năng lượng của phương án này. Bên cạnh đó còn có khả năng xây dựng công trình tính năng để điều tiết dòng điện giữa các giờ cao điểm và thấp điểm. Theo tính toán của các chuyên gia thuỷ lợi thì các hồ chứa trên sông Đà cần đảm bảo dung tích chống lũ khoảng 7 tỷ mét khối. Cùng với hồ Hoà Bình có khả năng đảm bảo 3 tỷ mét khối, còn lại hai hồ Sơn La và Lai Châu tương lai với tổng dung tích chống lũ là 5 tỷ mét khối cũng đáp ứng được yêu cầu này. Vấn đề cung cấp nước cho hạ du, đặc biệt là về mùa khô, đang còn được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết bằng các biện pháp thích hợp khác.
Trong khi đó thì ưu điểm nổi bật của phương án này là đã kết hợp được việc thực hiện các mục tiêu với việc đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Theo các nhà kinh tế năng lượng thì chỉ số lợi ích B/C của công trình sẽ là 1,13, tức là đồng vốn đầu tư sẽ sinh lời. Các tính toán về sóng gián đoạn (sóng vỗ đập) cho thấy với mực nước dâng bình thường 215 m, hồ Sơn La không gây ra mối đe doạ cho đập Hoà Bình. Theo phương án này, trong tương lai sẽ có thêm hồ Lai Châu và nhà máy thuỷ điện Lai Châu. Khi đó, mức độ an toàn cho đập Hoà Bình sẽ còn cao hơn. Mặt khác, cả ba tỉnh ven sông Đà sẽ đều có một công trình quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, tạo thành một hệ thống liên hoàn, có thể chi viện cho nhau, cùng nhau phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá miền Tây Bắc và cả nước. Quy mô không quá lớn của từng công trình phù hợp với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật v.v... của nước ta, giảm bớt được các thách thức và rủi ro. Việc từng bước xây dựng lần lượt từng công trình một hạn chế mức độ căng thẳng trong công tác huy động các nguồn lực. Nhu cầu ban đầu không quá cao về lực lượng lao động, trang thiết bị và nguồn tài chính cho phép sớm khởi công xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Như vậy, một mặt, có thể sử dụng một phần nguồn thu, tận dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật từ nhà máy thuỷ điện trước vào việc xây dựng công trình tiếp theo. Mặt khác, việc xây dựng công trình thuỷ điện tiếp theo cũng sẽ tạo điều kiện giải quyết vấn đề việc làm cho đội ngũ lao động đã tham gia xây dựng công trình trước, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và nâng cao được tay nghề. So với mức cao nhất, thì trong phương án này, vốn đầu tư ban đầu sẽ là khoảng 70%, số dân cần phải di dời sẽ là gần 60%, diện tích đất nông, lâm nghiệp bị ngập sẽ là hơn 50% và đường giao thông bị gián đoạn sẽ là 40%. Dĩ nhiên là với những mực nước dâng bình thường thấp hơn thì các tỷ lệ trên đây sẽ còn giảm nữa nhưng khi đó, chỉ số lợi ích B/C lại quá thấp, không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế - tài chính tổng hợp.
Xét về nhiều mặt, quy mô công trình thuỷ điện Sơn La với mực nước dâng bình thường 215 m là phương án tối ưu. Chính vì vậy, ngày 16/12/2002, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết về việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La với mực nước dâng bình thường từ 205 đến 215 m, không vượt quá 215 m.
Liên tục trong hơn mười năm, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) luôn luôn theo sát quá trình khảo sát, thiết kế và chuẩn bị cho dự án thuỷ điện Sơn La. Năm 1993, Liên hiệp hội được Hội đồng thẩm định Nhà nước mời phản biện báo cáo tiền khả thi công trình thuỷ điện Sơn La. Trên cơ sở kết quả khảo sát thực địa và tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, báo cáo phản biện của Liên hiệp hội khẳng định sự cần thiết xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, phân tích những ưu và nhược điểm của các phương án, ủng hộ việc lựa chọn Pa Vinh làm tuyến công trình, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu soạn thảo một dự án riêng cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, xem đó như là cơ may thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho miền núi phát triển theo kịp miền xuôi. Năm 1999, Liên hiệp hội tổ chức phản biện toàn diện báo cáo khả thi công trình thuỷ điện Sơn La, tiếp tục khẳng định mặt mạnh, mặt yếu của các phương án quy mô công trình, khẳng định lại sự cần thiết triển khai một dự án riêng về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, đặc biệt là vấn đề di dân, tái định cư, đánh giá tác động của dự án thuỷ điện Sơn La đối với môi trường và vấn đề bảo vệ môi trường tại các vùng lòng hồ tương lai. Cuối năm 2000, trước yêu cầu cần soạn thảo dự án thuỷ điện Lai Châu + Sơn La nhỏ, Liên hiệp hội đã hệ thống hoá và trình bày các tiêu chí cần xem xét khi so sánh, lựa chọn các phương án và tán thành phương án xây dựng hai công trình thuỷ điện tại Sơn La (215m) và tại Lai Châu (295m). Tiếp theo đó, cuối năm 2001, Liên hiệp hội hoàn thành báo cáo tư vấn thẩm định hồ sơ bổ sung nghiên cứu khả thi công trình thuỷ điện Sơn La, góp phần xác minh các số liệu đầu vào, xem xét một số yếu tố địa chất, tính toán kiểm tra các số liệu về ổn định đập, khối lượng, thời gian và tiến độ thi công. Đầu năm 2002, cùng với việc nghiên cứu hồ sơ quy hoạch bậc thang thuỷ điện trên sông Đà, các chuyên gia của Liên hiệp hội đã tính toán kiểm tra hiệu quả của các phương án đối với hệ thống điện, cơ hội khai thác và sử dụng lâu dài tài nguyên nước sông Đà và đặc biệt là sóng gián đoạn, còn gọi là sóng vỗ đập, trên toàn bộ hệ thống các hồ chứa bậc thang Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình. Các kết quả nghiên cứu và tính toán kiểm tra của Liên hiệp hội đã góp phần xác định hệ thống 3 bậc thang thuỷ lợi trên sông Đà là Hoà Bình, Sơn La (Pa Vinh II) và Lai Châu (Nậm, Nhùn). Kết luận đó cũng liên quan đến việc quyết định lựa chọn phương án thuỷ điện Sơn La với mực nước dâng bình thường là 215m. Giữa năm 2003, trong quá trình thẩm định hồ sơ nghiên cứu khả thi (cuối cùng) công trình thuỷ điện Sơn Lacũng có phần đóng góp tư vấn của Liên hiệp hội.
Như vậy là, phát huy tiềm năng đa ngành và liên ngành đặc thù của mình, Liên hiệp hội đã sáu lần thành lập hội đồng khoa học, nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực địa, tiến hành tính toán kiểm tra, lập báo cáo phản biện và tư vấn thẩm định toàn diện các dự án đầu tư thuỷ điện trên sông Đà, trong khi các cơ quan khoa học khác chỉ tập trung vào khía cạnh kỹ thuật hoặc khía cạnh xã hội của dự án đó. Là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Liên hiệp hội đã góp phần đáng kể vào việc xác định phương án tối ưu, nâng cấp và hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu khả thi đối với công trình thuỷ điện lớn nhất nước nhà. Ngày 02/01/2004, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án thuỷ điện Sơn La ra Quyết định số 04/QĐ/TĐTĐSL khen thưởng Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam “đã có nhiều thành tích tham gia trong công tác thẩm định dự án thuỷ điện Sơn La từ năm 1998 đến năm 2003”.
Trở lại Sơn La sau vài năm xa cách, ít ai tránh được cảm giác ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất đã một thời nổi tiếng là “rừng thiêng, nước độc”. Trong kết quả của dự án phát triển giao thông - vận tải vùng Tây Bắc có hàng trăm km Quốc lộ số 6 được nâng cấp, thẳng hơn, rộng hơn và phẳng hơn. Nhiều đoạn đường hoàn toàn mới xẻ qua đồi, qua núi, làm mất đi những cua “tay áo”. Càng gần đến công trường và bên trong địa phận công trường, hệ thống đường giao thông càng chằng chịt, đan xen nhau. Hai cây cầu trạm, nhưng cũng rất kiên cố đã nối liền đôi bờ sông Đà. Một cây cầu vĩnh cửu lại sắp hoàn thành. Hai bến cảng sông đã đi vào hoạt động.
Dự án di dân, tái định cư đã bắt đầu được triển khai. Ở cả ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã hình thành một số khu tái định cư. Nhiều đồng bào từng sinh sống trong vùng lòng hồ tương lai đã đến nơi ở mới như Mường Chùm, Tân Lập. Dọc Quốc lộ số 6 xuất hiện thêm nhiều cụm dân cư. Tại các thị trấn Mộc Châu, Hát Lót, Nà Sản lác đác mọc lên những ngôi nhà ngói mới nhiều tầng.
Sau hơn hai năm san lấp mặt bằng, xây dựng kênh dẫn dòng và chuẩn bị các cơ sở vật chất - kỹ thuật khác, giờ đây những người tham gia xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La đang ra sức lao động với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Như ngày này trước đây nửa thế kỷ, hôm nay cả nước lại hướng về Tây Bắc, chi viện cho Tây Bắc, hoà nhịp cùng Tây Bắc xây dựng nên một công trình vĩ đại của đất nước. Theo kế hoạch hiện nay thì năm 2012 tổ máy số 1 sẽ đi vào hoạt động và năm 2015 toàn bộ công trình thuỷ điện Sơn La sẽ hoàn thành. Với thế và lực mới của đất nước, với trình độ khoa học – công nghệ hiện đại và hơn hết là với nhiệt tình hăng say lao động của đội ngũ chuyên gia và công nhân lành nghề, chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng rằng mục tiêu đó sẽ thành hiện thực.