Sơn La: Hội nghị Thúc đẩy quản lý các khu rừng cộng đồng
Ngày 04/10/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị khởi động Dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”
Tới dự hội nghị có Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Điều phối viên quốc gia Văn phòng Dự án Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Nghệ An, Thừa thiên - Huế; một số sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, Mộc Châu, Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ; các xã Ngọc Chiến - Mường La; Suối Bàng - Vân Hồ; Mường Sang - Mộc Châu; Long Hẹ - Thuận Châu và các bản vùng thực hiện Dự án.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia dự án UNDP/ GEF SGP phát biểu
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị Ông Lê Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thông tin về các nội dung hoạt động của Dự án; những vấn đề dự án triển khai và các lợi ích của dự án đối với các bản, các xã trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
Các đại diện địa phương tham dự hội nghị đã bày tỏ sự vui mừng khi địa phương mình được thụ hưởng Dự án. Đây là cơ hội để các bản, xã tuyên truyền sâu rộng tới người dân về các phong tục, tập quán lâu đời trong nhân dân địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói chung và văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Sơn La nói riêng.
Các đai biểu tham dự hội nghị
Ngay sau khi khởi động Dự án, ngày 5/10/2022 Ban Điều hành Dự án đã triển khai các nội dung Dự án tại xã Ngọc Chiến, huyện Muờng La: Khảo sát thực tế lấy ý kiến đề xuất cộng đồng về quy mô tổ chức Lễ hội cúng cơm mới và Lễ cúng thần cây; Khảo sát địa điểm để Hỗ trợ cải thiện 01 mô hình phát triển sinh kế (mô hình du lịch suối khoáng nóng) tại Ngọc Chiến; Thông tin tuyên truyền về Dự án tại các cộng đồng bản, cụm bản; tổ chức 07 lớp tập huấn kỹ năng về quản lý, tổ chức, vận hành nhóm và mạng lưới; truyền thông cộng đồng; Bảo tồn lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số; bảo vệ rừng, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; thành lập 01 nhóm tiết kiệm; lập quỹ phát triển kinh tế hợp tác xã, hộ gia đình; xây dựng bộ quy ước quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân tại bản thực hiện Dự án..../.