Sơn La: Góp ý kiến Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Ngày 19/9, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Dự hội thảo có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Trường Đại học Tây Bắc, một số hội thành viên của Liên hiệp hội và các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn, phản biện.
Chủ tịch Liên hiệp hội Phạm Thị Hà chủ trì hội thảo.
Sau 14 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất; thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp. Việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập.
Dự thảo Luật có các quy định mới như quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt; xem xét quy định phân cấp mạnh hơn cho UBND tỉnh các nội dung phù hợp với thẩm quyền quản lý của địa phương….và một số điểm cần quan tâm nhằm tránh tạo kẽ hở trong quá trình thực thi Luật.
Hội thảo đã có 8 ý kiến tham luận với 62 nội dung góp ý, các ý kiến tham gia tập trung vào chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản; tham gia điều tra địa chất về khoáng sản của tổ chức, cá nhân; bổ sung nhằm linh hoạt quy định đối với quyền ưu tiên cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác kháng sản để đảm bảo hiệu quả quản lý và cấp phép; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; đóng cửa mỏ; Thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; xác định chủ thể hoàn trả tiền tham gia điều tra địa chất về khoáng sản cho tổ chức, cá nhân; bổ sung quy định về hoạt động đấu giá, đấu thầu liên quan…
Qua hội thảo, Liên hiệp hội tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh./.