Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 30/06/2008 16:08 (GMT+7)

Số phận người kỹ sư được nhận huân chương Lê Nin

Bài 1: Người kỹ sư trẻ "vang bóng một thời"

Quán nước nhỏ ven QL 1A tại thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là nơi kiếm sống của cả gia đình ông, một con người đã có tiếng tăm trong ngành kỹ thuật đường ống dẫn dầu vào đầu thập niên 70. Ông là Hoàng Hữu Hà (SN 1946), chủ nhân của 7 công trình, đề tài khoa học được áp dụng thành công. Ông còn là thanh niên Việt Nam đầu tiên được nhân huân chương Lênin năm 1978. Khó ai có thể ngờ, số phận và cuộc đời của người kỹ sư tài năng này mang đầy nỗi truân chuyên...

Cậu học trò nghèo đam mê khoa học...

Niềm say mê nghiên cứu, đặc biệt là ngành khoa học tự nhiên đã trở thành niềm khát khao ngay khi Hoàng Hữu Hà còn ngồi trên ghế nhà trường. Để biến ước mơ thành hiện thực, một mình Hữu Hà lặn lội hơn 70km từ huyện Kỳ Anh ra TP Hà Tĩnh (Lúc bấy giờ là thị xã) đầu đơn vào trường cấp III Phan Đình Phùng. Ở trường, Hà là một học sinh xuất sắc và được tuyển chọn đi thi Toán toàn miền bắc. Năm 1964, Hoàng Hữu Hà được cử đi học tại Liên Xô nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hà xin ở lại quê hương. Tốt nghiệp cấp 3, Hoàng Hữu Hà thi và đậu vào Khoa xây dựng, lớp thuỷ lợi, Trường Đại học Bách Khoa. Tại trường, Hà luôn chứng tỏ là một sinh viên ưu tú. Sau ba năm học nhà trường xét đặc cách cho những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp trong đó có tên Hoàng Hữu Hà.

"Chân ướt chân ráo" ra trường, Hoàng Hữu Hà ngay lập tức được nhận vào công tác tại Tổng Cục Vật tư (nay là Bộ Thương mại). Năm 1969, Hoàng Hữu Hà được cơ quan phân công làm việc và học tập thiết kế với các chuyên gia Liên Xô về lĩnh vực lắp đặt đường ống dẫn dầu dưới lòng sông (những năm 60 - 70, Nhà nước ta chủ yếu mời các chuyên gia Liên Xô sang cố vấn thiết kế những công trình lớn của đất nước). Tại đây, người thanh niên trẻ tuổi Hoàng Hữu Hà đã không kể ngày đêm học tập nghiên cứu, tiếp cận từ những thiết bị tiên tiến lúc bấy giờ của các chuyên gia nước ngoài.

... Đến đỉnh vinh quang

Hồ sơ mô tả sáng chế của ông Hà
Hồ sơ mô tả sáng chế của ông Hà

Câu chuyện ông Hà kể mỗi lúc một hăng say, đặc biệt là lúc ông kể về những sự cố mà các chuyên gia Liên Xô gặp phải khi thực hiện công trình lặp đặt đường ống dẫn dầu dưới dòng sông từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) đến Phú Xuyên (Hà Tây) với chiều dài hàng trăm km qua gần chục con sông lớn nhỏ. Vào năm 1971, công trình trên sông Đá Bạch (Thượng nguồn sông Bạch Đằng) theo thiết kế của các chuyên gia Liên Xô được thực hiện. Người chỉ đạo trực tiếp công trình là một kỹ sư người Liên Xô. Lúc bấy giờ phương án đưa ra của người kỹ sư này được xem là tối ưu. Hoàng Hữu Hà nghiên cứu rất kỹ và đề xuất được góp sức. Hữu Hà mang ba lô xuống sông Đá Bạch xem xét giúp đỡ ban chỉ đạo. Sau 3 ngày lầm lũi dưới công trường, phương án mới đã được Hữu Hà tìm ra và đề xuất sửa đổi bản thiết kế cũ.

Ông Hà cho biết: Sông ngòi Việt Nam và Liên Xô rất khác nhau vì vậy nếu không áp dụng thực tế mà đưa bản thiết kế của nước khác vào áp đặt ngay thì khó thành công. Được sự tin tưởng của anh em trong cơ quan và đồng ý giao cho Hoàng Hữu Hà thiết kế sửa đổi, chỉ trong vòng 10 ngày công trình hoàn thành và giao cho Bộ Thuỷ Lợi.

Ngày 6/1/1971 đích thân phó Thủ tướng Đỗ Mười đã xuống thăm công trình và biểu dương anh em trong ban công trình vì đã tiết kiệm được 90% thời gian thi công và chi phí. Mặt khác nếu để công trình kéo dài sẽ gặp ách tắc trước mùa mưa lũ. Sau sự kiện đó Liên Xô đã cử các tham tán Đại sứ quán và các chuyên gia bên Cục Xăng dầu sang thực hiện kéo đường ống qua sông Hồng nhưng cũng thất bại. Một lần nữa tài năng Hoàng Hữu Hà được khẳng định bằng việc thay đổi bản thiết kế từ sử dụng ròng rọc cố định sang thành ròng rọc động. Và đúng như dự kiến của ông đường ống vượt sông Hồng hoàn thành như mong đợi.

Với việc tự thiết kế và lắp đặt đường ống dẫn dầu vượt sông, các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về trình độ kỹ thuật của những kỹ sư trẻ Việt Nam . Năm 1973, Bộ Vật tư giao cho Hoàng Hữu Hà làm chủ đề tài và hai cộng sự là Nguyễn Vĩnh Thịnh (nguyên viện trưởng) và Cao Xuân Mộc (Nguyên phó phòng) thực hiện thi công công trình đường ống dự phòng. Gánh nặng lại đè lên vai con người nhỏ bé này, hàng ngày Hoàng Hữu Hà đã phải đùm cơm mang vào thư viện Khoa học TW để đọc sách và tham khảo kỹ thuật đường ống của Liên Xô và các nước tiên tiến. Sự vất vả của ông đã được đền đáp, sau 1 tháng thi công lắp đặt, công trình hoàn thành mỹ mãn. Cho đến hiện nay, công trình đường ống dẫn dầu này vẫn đang sử dụng và được một công ty của tỉnh Quảng Ninh quản lý.

Vì những cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam trong ngành xây dựng đường ống, năm 1976 Bộ Vật tư đã xét thưởng. Trong đó kỹ sư Hoàng Hữu Hà có 7 đề tài về đường ống, riêng 3 đề tài một mình ông và 4 đề tài ông đứng chủ và có cộng sự tham gia. Hai đề tài của Hoàng Hữu Hà và các cộng sự được chọn đi triển lãm của đoàn các cơ quan TW tại Vân Hồ (Hà Nội) được xếp loại A1. Năm 1978 được chọn đi triển lãm: "Sáng tạo KHKT của thanh niên các nước XHCN" tổ chức tại Moscow (Liên Xô). Đề tài này được giải nhất và được tặng huân chương Lênin với tiền thưởng 10.000 Rúp (số tiền này được sung vào công quỹ Nhà nước). Kèm theo một bằng danh dự về đường ống vượt ngầm và vinh dự được bằng sáng tạo của đoàn thanh niên Cộng Sản Liên Xô, bằng lao động sáng tạo của đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.

Hoàng Hữu Hà vừa kể cho chúng tôi vừa xoa xoa tấm hình mặc dù đã được ông ép cẩn thân nhưng màu cũng đã nhoè, ông chụp với người đồng nghiệp Nguyễn Vịnh Thịnh nguyên là viện trưởng Viện thiết kế Bộ Vật tư, một trong những người chứng kiến công việc vất vả và những vinh quang lúc bấy giờ của ông. Giọng ngẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ về những đắng cay nhanh chóng "trùm" cuộc đời ông.

(Còn tiếp)

Ông Nguyễn Vịnh Thịnh, nguyên trưởng phòng Thiết kế công trình ống xăng dầu, phó chủ nhiệm Công ty khảo sát thiết kế Bộ Vật tư, viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Vật tư xác nhận:"Trong quá trình công tác anh Hà đã có nhiều cố gắng sáng tạo, góp phần vào việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho chiến trường Miền nam. Anh Hà đã giúp đỡ các chuyên gia Liên Xô sữa đổi thiết kế xây dựng đường ống xăng dầu vượt sông Hồng và các sông khác. Anh có công lớn trong việc cải tiến việc lắp đặt ống dầu qua sông Hồng giảm khá nhiều kinh phí..."

Nguồn: KH&ĐS, số 75, 21/6/2008, tr 13

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.