“Sinh cùng trứng, hứng cùng giải”
Robot nhỏ, ý nghĩa lớn
Đại và Lượng được tặng các giải thưởng trên với công trình “Robot vớt rác trên mặt nước”. Hai bạn trẻ cho biết ý tưởng về công trình này nảy sinh khi Đoàn thanh niên trường phát động cuộc thi viết về bảo vệ môi trường biển. Đồ Sơn là điểm du lịch nổi tiếng của Hải Phòng, nhưng chưa thật sạch đẹp, vì vẫn còn nhiều rác trên biển. Vì vậy, cả hai nghĩ nếu chỉ viết bài dự thi thì chưa đủ, cần phải làm một công việc gì đó cụ thể, thiết thực hơn, như một con robot có thể di chuyển trên mặt nước để vớt rác chẳng hạn. Đến tháng 9/2004, khi nghe tin về “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng”, hai anh em sinh đôi quyết tâm biến ý tưởng trên thành hiện thực để đưa công trình đi dự thi. Thế nhưng, chỉ đến khi thi hết học kỳ một, họ mới có thời gian bắt tay vào chế tạo robot.
Việc chế tạo robot diễn ra rất nghiệp dư, chẳng hề có bản thiết kế, cũng không có kế hoạch cụ thể, cả hai chỉ làm theo những gì nảy sinh trong đầu. Và kết quả là: thất bại! Nhưng Đại và Lượng không nản chí. Khi thi hết học kỳ hai lớp 11, được nghỉ hè, cả hai lại bắt tay vào chế tạo lại. Vật liệu chế tạo là ống nước nhựa, một mô tơ, hai chiếc phao nhỏ, công tắc, dây điện… Không có nhiều tiền, nên họ tận dụng những mẩu ống nước thừa, mua những linh kiện cũ ở chợ và các cửa hàng linh kiện điện tử.
Sau một thời gian mày mò, robot đã hoàn thành, nhưng kết quả không như ý muốn. Cánh tay vớt rác của robot quay quá nhanh, lực tác dụng không lớn. Cả hai lại tự mày mò cải tiến bằng cách lắp thêm một bộ cơ để tăng cường lực, đồng thời cánh tay vớt rác quay chậm lại cho phép vớt được nhiều rác mà không bị tung ra ngoài. Nói thì đơn giản, nhưng để thực hiện được điều này, cả hai đã phải kiên trì mày mò và tranh thủ ý kiến của thầy giáo Vũ Tuấn Anh, giáo viên môn Kỹ thuật công nghiệp của Trường THPT Đồ Sơn (Hải Phòng), nơi hai bạn đang theo học. Đến lúc này, robot vận hành tạm ổn định, nhưng cả hai vẫn chưa hài lòng vì thực tế cho thấy, robot mới chỉ vớt được rác to, nổi hẳn trên mặt nước. Còn những rác nhỏ chìm sâu hơn thì robot vẫn bó tay. Tuy nhiên, thời hạn nộp công trình dự thi đã đến, cả hai đưa robot đi Hà Nội dù chưa hài lòng lắm với công trình của mình.
Tưởng rằng chỉ cần ra bưu điện gửi robot đến địa chỉ nhận bài thi là xong. Nhưng, khi đến bưu điện, cả hai thực sự thất vọng khi nhân viên bưu điện không nhận chuyển với lý do đây là hàng dễ gẫy vỡ trên đường đi. May mà thầy giáo Lê Văn Trầm (giáo viên sinh học) nhận lời mang giúp ra Hà Nội và nộp cho ban tổ chức cuộc thi. Và đến tháng 9/2005, cả hai rất vui mừng và bất ngờ nhật được tin công trình của mình đã giành được giải nhất và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO trao Huy chương vàng. WIPO là một trong 16 cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.
“Nhà em không nghèo”
Nói về hoàn cảnh gia đình, Đại kể, bố mất khi hai bạn mới được 14 tháng tuổi. Từ lúc đó, mẹ một mình nuôi ba chị em khôn lớn bằng nghề làm bún và bán bún tại chợ Quý Kim gần nhà. Ông ngoại cho chị gái của mẹ sang sống cùng từ khi bố mất để giúp đỡ bốn mẹ con và ở vậy đến tận bây giờ. Hai người phụ nữ nuôi ba đứa trẻ. “Biết bao khó khăn, vất vả, nhưng so với với nhiều bạn bè cùng lứa, gia đình em không nghèo”. - Đại cứ nhắc đi nhắc lại điều này với tôi và nhờ báo KH&ĐS đính chính điều này với bạn đọc, bởi có tờ báo viết rằng “Vì nhà nghèo nên bây giờ hai em mới có dịp đến thủ đô”.
Ngoài robot vớt rác trên mặt nước, Đại và Lượng còn gửi dự thi ba công trình khác. Trong số đó, có công trình “Chú mèo máy thông minh” đã nhận được giải ba của “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất”
Công việc quan trọng nhất của cả hai bạn vào thời điểm này là học tập tốt để thi đỗ vào Đại học Hàng hải. Chỉ sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng đó, họ sẽ hoàn thiện robot vớt rác trên mặt nước. Phương án cải tiến đã có, cánh tay của robot sẽ được thiết kế lại để có thể vớt được những rác nhỏ, ở sâu dưới mặt nước, đồng thời thêm bộ phận điều khiển từ xa để có thể đưa robot đi xa bờ hơn. Đại và Lượng mơ ước rằng sản phẩm của họ sẽ được ứng dụng trong thực tế, giúp Đồ Sơn quê hương xanh, sạch, đẹp hơn.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 90 (1808), ngày 11/11/2005, trang 4