Siêu cần cẩu Việt Nam
Năm 1996, từ suy nghĩ “nếu cứ tiếp tục sản xuất phụ tùng sẽ không có thương hiệu”, anh Nguyễn Tăng Cường chuyển hướng sang nghiên cứu sản xuất cẩu trục, mặt hàng ít được chú ý. Ba năm sau, xí nghiệp đã tung ra thị trường các loại cẩu trục 5 tấn, 10 tấn, 20 tấn rồi đến cẩu chân đế 80-100 tấn. Đến nay xí nghiệp cơ khí Quang Trung đã sản xuất thành công cẩu trục 180 tấn đến 450 tấn phục vụ cho ngành đóng tàu trong nước.
Điều đáng nói ở đây là tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%. Sản phẩm của Quang Trung chỉ nhập biến tần, vòng bi, còn lại động cơ là của nhà máy Cơ điện Việt - Hung, cáp điện của các nhà máy trong nước. Nhưng quan trọng nhất là phần cơ khí chuyển động và tính toán kết cấu đều do doanh nghiệp của anh tự sản xuất. Với hơn 300 sáng kiến của cán bộ công nhân, trong đó có 3 sáng kiến cấp Nhà nước, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã làm nên những điều kỳ diệu: chế tạo bánh răng hình sao thay cho bánh răng đường kính 5-6m cho chân đế cẩu trục trên 100 tấn. Đây là bí quyết giúp Quang Trung chế tạo thành công cẩu trục lớn mà chưa có nhà máy nào ở Việt Nam sản xuất được.
Đặc biệt việc chế tạo thành công máy cần cẩu 500 tấn phục vụ cho công trình thủy điện Sê San 3 trong thời gian 3 tháng đã gây bất ngờ không chỉ trong ngành điện lực mà còn khiến nhiều bạn hàng quốc tế cũng thán phục. Từ thành công này, Bộ Công nghiệp đã chấp thuận cho sản phẩm của cơ khí Quang Trung tham gia vào các công trình xây dựng thủy điện lớn trong cả nước.
Nguồn: Khoa học & Đời sống, Số 36, 5/05/2006