Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 21/06/2006 23:23 (GMT+7)

Sáu Nám và cây bưởi Năm Roi

1.Đến bây giờ, anh Lê Văn Tám, ấp Kinh Giữa, xã Kế Thành vẫn không quên ơn anh Sáu Nám, người cùng ấp. Bởi trước đây khi ông ngoại mất, để lại cho gia đình anh Tám trên 100 công đất rẫy và đất ruộng. Vậy mà, mấy năm liên tiếp mất mùa, làm ăn thất bát, nợ chồng chất nợ, đất đai của gia đình anh Tám phải bán dần. Đến lúc, anh Tám định bán luôn phần đất hương hỏa ở gần nhà để tìm kế khác sinh nhai, thì Sáu Nám bày cách cho anh trồng bưởi. Nhắc chuyện xưa, anh Tám vẫn còn nhớ như in lời nói chắc nịch của Sáu Nám: “Thằng em mày nghèo, tao cũng nghèo. Không lẽ tao lại làm hại thằng em mày. Chỉ có trồng cây bưởi mới có thể thoát nghèo được”. Nghe lời Sáu Nám, 4 công đất gần nhà được anh Tám trồng bưởi xen chuối; 4 công vườn phía ngoài, anh trồng “rặt chuối” để đắp đổi qua ngày. Bây giờ, đã gần 10 năm kể từ ngày anh bắt đầu trồng bưởi, cuộc sống gia đình không còn túng quẫn như trước. Hôm tôi đến Kế Thành, anh Tám vừa thu hoạch vườn bưởi vụ nghịch, thu về trên 40 triệu đồng. Anh cười tươi rói: “Tôi đã trả hết nợ từ trước rồi. Bây giờ, vợ chồng cật lực làm ăn để lo làm giàu và lo cho mấy đứa con. Có được ngày hôm nay cũng là nhờ Sáu Nám cả”...

Nhưng ít ai biết rằng, Sáu Nám, ân nhân của anh Lê Văn Tám, người tiên phong mở đường cho cây bưởi Năm Roi phát triển ở Kế Thành lại đến với cây bưởi Năm Roi trong khi kiến thức làm vườn có thể khắc họa bằng hai chữ: “mù tịt”. Chuyện là như vầy:

Năm 1989 - 1990, khi còn là Trưởng Ban nhân dân ấp Kinh Giữa, Sáu Nám nhậu dữ lắm, “nhậu đến nỗi bị tai biến, quẹo lỗ mũi, liệt luôn một bên”, cứ tưởng là sẽ không qua được. Nhưng cuối cùng, Sáu Nám trở lại bình thường. Đổi lại, Sáu Nám chỉ còn miếng đất hương hỏa do cha mẹ cho là 2 công vườn và gần 3,5 công ruộng. Còn 17 công đất ruộng do vợ chồng làm lụng vất vả mua, phải bán trả tiền nợ nần. Một phần nợ do mấy năm dưa hấu thất giá, một phần nợ do phải vay mượn chạy tiền thuốc men cho Sáu Nám. Sau trận bệnh đó, Sáu Nám nộp đơn xin thôi làm Trưởng Ban Nhân dân ấp để về phát triển kinh tế gia đình. Đó là đầu năm 1990. Và từ năm này, một trong những vườn cây chuyên canh bưởi đầu tiên ở xã Kế Thành ra đời.

2.Hồi lúc còn làm chính quyền, hay đi đây, đi đó và luôn nghĩ: “Ở Xuân Hòa, Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước... người ta làm vườn có 5-10 công, nhất là trồng bưởi mà lo cho con cái đàng hoàng, thậm chí có người rất giàu. Còn bản thân mình và mấy anh em ruột, cha mẹ để lại trên 60 công đất, vậy mà còn bán tới, bán lui, nghèo vẫn hoàn nghèo”. Ấp ủ một vườn trồng chuyên canh bưởi của Sáu Nám cũng bắt đầu từ đó. Nghỉ việc nhà nước, Sáu Nám có thời gian đi lựa chọn giống bưởi. Nhưng khi kể lại “chuyến hành trình” này cho tôi nghe, anh cười khà khà: “Nói cho thằng em mày nghe, cái tật của tôi là hay nhậu, nên hư chuyện hết! Đầu tiên, nghe ở Ngã Lá có người chiết nhánh bưởi để bán, tôi liền nhờ ông bạn nhậu đặt giùm 100 nhánh bưởi. Tưởng bạn bè uy tín, ai dè, đến chừng gần ngày lấy nhánh bưởi, tôi đến vườn thì thấy hỡi ơi luôn, chiết nhánh gì toàn tầm bậy, tầm bạ không hà! Tôi giận quá, quyết định không lấy”. Một thời gian sau, Sáu Nám nhờ đứa con ông cậu ở An Lạc Tây đặt nhánh bưởi ở một anh bạn tại Bình Minh, Vĩnh Long. Lần này, rút kinh nghiệm Sáu Nám phải xem chất lượng nhánh bưởi giống trước mới chịu mua. Thế là, ngày hẹn, đích thân anh đến tận nơi để xem xét tình hình. Vậy mà, như lời Sáu Nám: “Đến khi ra vườn xem công việc xong chưa thì lại hỡi ơi một lần nữa. Bởi cây bưởi giống gốc đã có trên 20 năm tuổi. Nhánh chiết thì khẳng khiu chỉ có vài lá, nhánh thì bị mò bám đen thùi lùi... Thấy vậy, viện lý do không đủ tiền, tôi liền kêu chủ nhà ngưng cắt cành...”. Sáu Nám nói, phải trả 180.000 đồng cho 60 nhánh bưởi giống, số tiền mà lúc bấy giờ rất khó khăn mới kiếm được.

Mua phải giống bưởi xấu, về vẫn đắp mô trồng, nhưng Sáu Nám bất mãn lắm vì cho là kế hoạch làm vườn chuyên canh bưởi đã kết thúc. Lúc bấy giờ, anh quyết định làm lại nghề cũ: trồng dưa hấu. Vậy mà qua tháng Giêng, khi đi ra vườn, Sáu Nám phát hiện trong vườn còn sống khoảng 20 cây bưởi. Thế là, Sáu Nám làm cỏ, xới gốc, bón phân và nhen nhúm lại kế hoạch ban đầu. Một thời gian sau, cả 20 gốc bưởi đâm tược xanh um, Sáu Nám định nhân giống nhưng không biết cách chiết cành cây như thế nào, cây có đến độ tuổi chiết cành chưa? Bao nhiêu thắc mắc, Sáu Nám liền đi hỏi Bác Mười, bấy giờ làm trại cây giống ở Kế Sách. Sau đó, anh quyết định chiết thử 10 nhánh đầu tiên. Kết quả, 10 nhánh đều ra rễ rất mạnh. Thế là, 20 gốc bưởi chưa đầy 2 năm tuổi, anh chiết gần 200 nhánh, trồng giáp 3,5 công vườn. Dưỡng 20 cây mẹ đúng một năm, anh kêu anh em hàng xóm lại cho chiết không về trồng rồi... đốn bỏ với lý do “để vườn bưởi được đồng loạt, tiện theo dõi, chăm sóc”.

Hai năm sau, 190 gốc bưởi của Sáu Nám thu hoạch vụ đầu tiên được 700.000 đồng. Vụ sau lên được 10 triệu đồng, vụ tiếp theo trên 20 triệu đồng. 3 năm trở lại đây, cũng từ 190 gốc bưởi này, anh thu về trên 100 triệu đồng. Bây giờ, trong tay Sáu Nám đã có 2,3 ha đất chuyên trồng bưởi và vườn được chia làm 3 khu: khu bưởi trên 10 năm tuổi, khu bưởi trên 5 năm tuổi và khu bưởi khoảng 3 năm tuổi. Tôi hỏi về thu nhập từ vườn bưởi trong năm nay, Sáu Nám tỉnh bơ tính toán: “Năm nay, khu 3 bắt đầu cho thu hoạch; khu 2 đang sung sức; còn khu 1 bắt đầu giảm năng suất vì mới vừa trị xong rầy cám... Tệ gì cũng hơn 250 triệu”.

3.Tôi đến Kế Thành vào khoảng tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm bưởi vụ nghịch. Vậy mà, trong vườn bưởi của Sáu Nám, đặt rật trái, nhìn hoa cả mắt. Đi tham quan khu vườn, tôi hơi bị khổ sở vì gần như phải khum người suốt để tránh va vào những trái bưởi. Sáu Nám nói: “Thằng em mày thấy, trái này không đầy nửa tháng nữa sẽ thu hoạch, trái này khoảng hơn tháng tuổi, còn phía trên là những nhánh bưởi đang ra hoa”. Theo tay anh chỉ, quả thật, dưới những tán lá xanh um là những trái bưởi lớn hơn vòng tay, treo lủng lẳng; phía trên một chút, xen trong vòm lá là những trái bưởi cỡ bằng quả cam; còn phía bên trên, nơi hứng đủ ánh nắng mặt trời là những bông bưởi trắng muốt, hương ngào ngạt. Khi đến khu 2 của vườn, chỉ tay về hướng bên phải, Sáu Nám cho tôi biết: “Thằng em mày thấy 2 công vườn kế bên, mới vụ rồi dự tính chỉ có khoảng 40 triệu đồng, vậy mà thu nhập trên dưới 60 triệu đồng lận”. Thì ra, đây là vườn bưởi của anh Đặng Văn Út, một trong số ít người chịu chiết bưởi Năm Roi về trồng từ 20 gốc bưởi đầu tiên của anh.

Đi nhanh qua cây cầu tre bắc qua con mương vườn, đến khu 1, chợt nhớ khu vực này gần sông, tôi hỏi:

-Vườn mình có bị ảnh hưởng trong mùa lũ?

Sáu Nám trả lời:

-Lúc trước có bị, còn bây giờ thì có đê bao hẳn hoi”. Không đợi tôi hỏi thêm, bất chợt Sáu Nám cho biết: “Nói thiệt với thằng em mày, trồng bưởi này tôi không sợ vì đã có kinh nghiệm trồng dưa rồi”. Thấy tôi có vẻ chưng hửng, Sáu Nám nói tiếp:

Bộ rễ cây bưởi và dưa hấu có chỗ giống nhau là dễ bị thúi, phải kỹ trong chăm sóc. Hay ví dụ như thằng em mày muốn lấy mùa lạc hậu, trường hợp bón phân không thừa đạm, lân hơi nhiều là bưởi “da lu” trái, còn dưa hấu lúc trái bự mà “thổi quá” (bón phân không cân đối- PV) nắng nó phóng vô, nó chói là thúi một bên. Trồng bưởi hổng có trịch chút nào so với trồng dưa hấu hết”.

Thì ra, trước đây Sáu Nám là “cao thủ” trong việc trồng dưa. Năm 1988, khi mới vừa ra riêng, trên phần đất khoảng 5,5 công đất do cha mẹ cho, vợ chồng anh hết trồng lúa lại trồng dưa hấu Tết. Những năm đó, khi mọi người ùn ùn trồng dưa hấu ghép bầu nhưng anh vẫn “thản nhiên” trồng dưa giống Bi Mỹ, An Tiêm... Đinh ninh sẽ nắm chắc phần thắng, Sáu Nám thuê ghe chở lên tận TP Hồ Chí Minh cạnh tranh. Liên tiếp 2 năm trúng giá, Sáu Nám chẳng những “vẫy” được trên 40 triệu đồng tiền nợ vay mà còn dư mua 17 công ruộng.

Sáu Nám vốn dĩ đã nổi tiếng từ đầu những năm 2000 khi liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng lớn ở những hội thi trái ngon an toàn khu vực ĐBSCL và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Là một trong những người đầu tiên và gần 15 năm “bén duyên” với cây bưởi Năm Roi, khi bước vào tuổi 50, Sáu Nám giữ một vai trò mới: Chủ nhiệm Hợp tác xã bưởi Năm Roi Kế Thành; góp phần tiếp tục khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu bưởi Năm Roi Kế Thành trên thị trường. Giờ đây, “cái tật ham nhậu” không còn nữa nên khi hỏi về những dự tính, Sáu Nám chỉ nói đến việc chung: Nào là có kế hoạch xây dựng cửa hàng vật tư nông nghiệp cho hợp tác xã, mua xe tải vận chuyển bưởi đến nơi tiêu thụ để tăng lợi nhuận của xã viên hợp tác xã... Vậy mà, trước lúc chia tay, khi tôi nhờ Sáu Nám đóng dấu xác nhận vào “Giấy công lệnh”, Sáu Nám tỏ ra lúng túng: “Nói thiệt với thằng em mày! Tôi đã từng cầm bạc trăm triệu trong tay, nhưng vẫn hồi hộp khi cầm con dấu này. Tôi không quen hợp đồng, hợp điếc, chỉ cần hứa với nhau là được. Nhưng cũng phải tập từ từ thôi. Con dấu này là quyền lợi của cả một tập thể mà, phải không thằng em mày?”.

Nghe Sáu Nám nói vậy tôi nghĩ, cũng mau thôi, anh sẽ quen dần mà. Bởi có làm ăn bài bản thì mới mong khuếch trương được thương hiệu bưởi Năm Roi Kế Thành trên thị trường.

Nguồn: baocantho.com.vn4/5/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.