"Sáng tạo trẻ" nơi ươm mầm những tài năng
Từ chiếc tủ lạnh hỏng trở thành máy ấp trứng
Được tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi của gia đình anh Dương Đức Bình ở phường Bắc Nghĩa (thành phố Đồng Hới) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì với tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh đã trở thành chủ trang trại chăn nuôi các loài hươu, chim trĩ, gà... Xuất phát từ nhu cầu chăn nuôi của gia đình, anh đã phát minh ra sản phẩm máy ấp trứng chim và gia cầm các loại từ những chiếc tủ lạnh hỏng.
Anh Bình cho biết, trước đây gia đình anh nuôi rất nhiều chim trĩ, lượng trứng đẻ ra với số lượng lớn nhưng chim mẹ không đủ khả năng để ấp hết nên phần lớn chim bị chết non. Anh hạ quyết tâm phải tìm ra cách ấp trứng phù hợp và hiệu quả. Loay hoay mãi không nghĩ ra cách gì thực sự trọn vẹn, anh chợt nghĩ đến cái tủ lạnh hỏng nhà mình.
“Tôi đứng trầm ngâm nhìn cái tủ lạnh hồi lâu rồi nghĩ sao mình không biến nó thành một cái lò ấp trứng nhỉ. Nó tuy hỏng khả năng làm lạnh nhưng khả năng giữ nhiệt là rất tốt”, anh Bình tự nhủ. Anh bắt tay vào nghiên cứu chiếc... tủ lạnh. Để có thể ấp được trứng phải có bộ điều nhiệt và quạt thông gió. Anh chạy đi mua về lắp thử. Lắp tới lắp lui, cuối cùng anh cũng thành công. Nhiệt độ trong tủ vừa đủ để trứng nở. “Lần đầu tiên thử nghiệm số lượng nở đạt 70%, đến nay thì tỷ lệ nở là 90%”, anh Bình chia sẻ.
Máy ấp trứng của anh khi ấp nở ra con đều khỏe mạnh, đạt chất lượng nên được nhiều hộ dân trong vùng đánh giá cao. Bình quân một tháng máy ấp gần 1.000 trứng, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng và các xã lân cận. Vì được chế từ chiếc tủ lạnh hỏng nên giá của mỗi chiếc máy ấp trứng anh chế ra chỉ vào khoảng 3-4 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. So với máy trên thị trường thì máy ấp trứng do anh Bình sáng chế ra không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ gia đình chăn nuôi vừa và nhỏ mà còn thuận tiện trong việc điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với khí hậu từng địa phương. “Máy trên thị trường có cài sẵn mức nhiệt độ cố định còn máy ấp trứng của mình thì có thể điều chỉnh theo ý muốn của mình. Tùy theo từng loại trứng mà điều chỉnh theo nhiệt độ khác nhau”, anh Bình cho biết.
Anh Bình cho biết trong thời gian tới, anh sẽ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị chế tạo máy ấp trứng để bán ra thị trường phục vụ nhu cầu sử dụng các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ...
Sáng tạo là niềm đam mê
Ngay từ khi còn học trên ghế nhà trường, anh Cao Thanh Tình, hiện đang công tác tại Phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm - Công ty CP Dược phẩm Quảng Bình đã đam mê nghiên cứu và sáng tạo. Sau một thời gian dài khổ công nghiên cứu, sản phẩm viên nén bao phim Reduflu – N ra đời trong sự đón nhận nhiệt tình từ người sử dụng.
Anh Tình cho biết, nước ta thuộc khí hậu nhiệt đới, khi thời tiết thay đổi, nhiều người thường bị sổ mũi, nhức đầu, ho hen... Mặc dù trên thị trường đã có nhiều loại thuốc điều trị cảm cúm như Decolgen, Rhumenol, Tiffy... nhưng giá thành cao. Với mong muốn tạo ra được một sản phẩm điều trị công nghệ cao thuộc dòng điều trị cảm cúm có thể đáp ứng được các tiêu chí bảo đảm chất lượng do Bộ Y tế quy định, anh Tình đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm Redufu – N có giá thành hợp lý và chất lượng cũng tương đương với các loại thuốc khác. Sản phẩm thuốc viên nén bao phim Redufu - N được thực hiện nghiên cứu từ tháng 4-2010 và đến tháng 8-2013 đã được sản xuất công nghiệp tại nhà máy GMP-Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình.
Anh Tình chia sẻ, trong quá trình sản xuất được áp dụng công nghệ hiện đại nên sản phẩm được theo dõi độ ổn định. Sau khi uống, thuốc sẽ được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, thuốc phát huy tác dụng sau khi uống khoảng 5-10 phút và tác dụng kéo dài 6- 8 giờ. Thuốc không gây buồn ngủ, sử dụng được cho người lái xe và vận hành máy móc.
Anh Tình cho biết thêm để nghiên cứu và tạo ra một dòng sản phẩm mới rất khó khăn và gian nan nhưng anh rất hạnh phúc khi Redufu – N được đông đảo khách hàng tin dùng, từ khi được đưa ra thị trường đến nay mức tiêu thụ Redufu – N đều tăng, mỗi năm doanh số tăng 20%.
Từ ý tưởng đến thực tiễn
Trong ba sản phẩm được tham gia Festival sáng tạo trẻ toàn quốc thì sản phẩm “Hệ thống quản lý hồ sơ căn cước công dân và hỗ trợ tra cứu thông tin đối tượng” do nhóm của Trần Diễm Phúc, Trần Thị Hoài Phương, Nguyễn Bá Hùng đều làm việc tại Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông Quảng Bình và anh Trần Quang Hiếu, Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh Quảng Bình (Gọi tắt là Phòng PV27) đã được Bộ Công an đánh giá cao.
Anh Phúc cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế cấp bách trong công tác quản lý, anh Hiếu đã đưa ra ý tưởng triển khai xây dựng một hệ thống quản lý hồ sơ căn cước công dân và tra cứu thông tin đối tượng vì hiện tại việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, khi muốn tìm hiểu về một đối tượng nào đó mất nhiều thời gian.
Khi ý tưởng được nêu ra, mọi người đều hưởng ứng và cùng bắt tay vào thực hiện. Tại thời điểm nhóm tiến hành thực hiện, hệ thống chưa từng được áp dụng quản lý tại bất cứ một đơn vị nào trong toàn quốc.
Nhóm đã nghiên cứu giải pháp và bắt đầu xây dựng từ tháng 5-2011 và đến tháng 2-2013. Sau gần hai năm, hệ thống đã hoàn thành với đầy đủ các tính năng cơ bản, dữ liệu được nhập đầy đủ với gần 1 triệu tờ khai chứng minh nhân dân (CMND) của công dân trong toàn tỉnh được số hóa. Hiện tại, hệ thống đã chính thức đưa vào sử dụng và đã phát huy được hiệu quả tại Phòng PV27 – Công an tỉnh Quảng Bình.
Anh Phúc cho biết thêm, hệ thống sau khi đưa vào sử dụng trong thực tế đã mang lại hiệu quả lớn, toàn bộ dữ liệu được số hóa, lưu trữ vào hệ thống, vì vậy tiết kiệm được không gian lưu trữ tờ khai, chỉ bản CMND và các giấy tờ liên quan khác của mỗi công dân. Với cách tra cứu thủ công trước đây mỗi cán bộ bình quân tra cứu 40 hồ sơ/ngày, với hệ thống mới mỗi ngày một cán bộ có thể tra cứu trên 320 hồ sơ (gấp 8 lần).
Trước đây thời gian tra cứu phục vụ cấp CMND cho công dân phải mất tối thiểu là 10 ngày để trả hồ sơ cho đơn vị hoàn thiện, khi sử dụng hệ thống chỉ mất 2 ngày, giảm được thời gian cấp CMND cho công dân từ 1 tháng xuống 15 ngày (điều mà trước đây không thể thực hiện được bằng thủ công). Không những vậy, hệ thống còn hỗ trợ đắc lực cho công tác truy tìm tung tích nạn nhân. Chẳng hạn như, đối với một người bị chết chưa rõ tung tích khi xác định được công thức vân tay của nạn nhân có thể thông qua hệ thống để tra cứu tìm ra lai lịch của nạn nhân.
Anh Phúc tâm sự: “Cả nhóm rất vui khi hệ thống đã được Công an tỉnh áp dụng và đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý hồ sơ và tra cứu đối tượng. Hạnh phúc được nhân đôi khi sản phẩm của nhóm đã được Bộ Công an đánh giá cao về tính khả thi của hệ thống và được khuyến nghị áp dụng cho các tỉnh khác trong thời gian tới”.