Sáng tạo lò tráng bánh tiện ích
CẢI CÁCH LÒ TRÁNG BÁNH TRUYỀN THỐNG
Nghề làm bánh tráng truyền thống ở Phú Yên, trước đây chủ yếu dùng củi hay vỏ trấu làm nhiên liệu đốt lò tráng bánh. Là người thành công trong sản xuất kinh doanh than củi trấu nên anh Nghị luôn nung nấu ý tưởng sáng chế ra lò tráng bánh nhiều tiện ích, sao cho nhỏ gọn để thay thế bếp lò truyền thống quá lớn. Ý tưởng này càng được củng cố sau khi anh tận mắt chứng kiến chiếc bếp tiện ích của anh Nguyễn Bá Nha (Sơn Hòa) tại chung khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 5 (2012-2013). Đầu năm 2014, anh bắt tay vào việc sáng chế lò tráng bánh tiện dụng.
Nguyễn Văn Nghị tâm sự: “Không phải là kỹ sư cơ khí nên tôi gặp không ít khó khăn trong việc vẽ thiết kế. Với “mớ” nguyên lý cơ bản về vật lý của lớp 12, cùng sự động viên của mọi người, tôi cứ mày mò làm rồi thử nghiệm đến khi thành công. Tôi mừng rơi nước mắt vì biết rằng đó là bước đột phá ý tưởng cải cách lò tránh bánh tráng truyền thống”.
Hiện Nghị đã thực hiện được 15 bếp lò tráng bánh và được các hộ làm bánh tráng ở xã Hòa Thành mua về sử dụng. Mới đây anh Nghị ký hợp đồng với Cty Du lịch Sao Việt (Núi Thơm-Tuy An-Phú Yên) làm 5 bếp lò để Công ty chế biến món bánh ướt phục vụ du khách và đã có nhiều người làm nghề tráng bánh ở huyện Phú Hòa đang tham quan mô hình và điện thoại đặt hàng. Mỗi bếp lò trị giá 1,5 triệu đồng
Kỹ thuật chế tạo chiếc bếp lò tráng bánh do Nguyễn Văn Nghị thực hiện là: Hộp khung sắt 60cm x 60cm x 60cm, bốn bên gắn lớp gạch ống 2 lỗ loại 10cm, hồ để gắn gạch bằng đất sét. Mặt trước thiết kế cửa lò 20cm x 30cm, mặt sau là ống thông hơi bằng kẽm có đường kính 12cm, dài khoảng 0,8m trong đó có một đoạn ống góc 50 độ. Phần đáy bếp lò tráng là 5 thanh sắt 10cm x 0,50cm sắp song song với nhau, khoảng cách giữa các thanh 10cm. Bốn mặt được ép bởi lớp tôn, giữa lớp tôn bên ngoài với phần gạch tường bếp lò tráng là lớp mút cách nhiệt và chiều cao chân đế bếp lò cách mặt đất 15cm.
HỮU ÍCH CHO CỘNG ĐỒNG
Vợ chồng ông Dương Minh và Võ Thị Hận ở thôn Lộc Đông (xã Hòa Thành, Đông Hòa) cho biết, nếu như trước đây tráng một mẻ 30kg gạo phải từ 6 giờ sáng đến 15 giờ và phải dậy từ 5 giờ 30 sáng để nhóm lò. Còn nay dùng bếp lò của Nguyễn Văn Nghị chỉ tốn 15 phút để nhóm lò và nước sôi, thời gian tráng bánh cũng giảm đáng kể. Trước đây, nấu bằng lò truyền thống, mỗi ngày họ tốn 30.000 đồng tiền trấu, nay chỉ cần 12kg củi trấu, mỗi kg 1.200 đồng, chi phí chất đốt giảm hơn 15.000 đồng. Không những giảm thời gian, chi phí mà lò bánh tráng tiện ích nấu bằng củi trấu còn bảo đảm sức khỏe cho người tráng bánh vì không phải tốn sức cơi gạt trấu và không phải hít khói bụi vỏ trấu, sản phẩm bánh tráng không bị tro hay vỏ trấu văng vãi… “Khi dùng lò tráng truyền thống, tốn diện tích mặt bằng để đắp lò và xây nhà chứa trấu, nay gia đình sử dụng bếp lò tiện ích của anh Nghị, chỉ cần dành riêng một góc nhà khoảng 1,2m 2 đất để đặt lò, quá tiện lợi”, bà Hận nói.
Còn bà Trần Thị Kiểng ở thôn Phước Bình Nam (xã Hòa Thành, Đông Hòa), người có trên 10 năm sống bằng nghề tráng bánh cho hay: “Từ khi sử dụng bếp lò đốt bằng củi trấu của anh Nghị, mọi người xung quanh không còn phải hít khói bụi từ vỏ trấu. Với lò tiện ích, nếu ngày mưa vẫn tráng bánh thì sẽ di chuyển bếp và bắc ống khói vào nhà sấy để tận dụng độ nóng từ ống khói bốc ra làm khô bánh”.
Còn Nguyễn Văn Nghị thì bảo: “Mong ước lớn nhất của tôi là có vốn để sản xuất nhiều bếp lò hơn nữa để giúp các gia đình làm nghề tráng bánh nâng cao năng suất và chất lượng bánh, tăng thu nhập với nghề truyền thống”; “Mô hình này sẽ tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Phú Yên lần thứ 6 (2014-2015)” Nguyễn Văn Nghị, khẳng định.