Sáng kiến trị giá 20 tỷ đồng
Đó là sáng kiến giúp chặn đứng nguy cơ cấu kết giữa đại lý và nhà kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng trên ĐTDĐ (từng xảy ra ở mạng di động khác).
Tối 11/10/2006, Đạt ở nhà xem ti vi và tham gia một trò chơi nhắn tin trúng thưởng. Nhắn mấy lần nhưng không trúng, tức thì Đạt nghĩ đến lợi ích nơi mình đang làm việc, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), cũng đang mở đợt khuyến mãi nhân dịp 2 năm thành lập: Có thể gặp thiệt hại lớn?
Đó là chương trình khuyến mãi thuê bao ĐTDĐ bằng hình thức mua sim 69.000 đồng sẽ có 120.000 đồng và sử dụng trong 6 tháng được tặng thêm 180.000 đồng, tổng cộng 300.000 đồng.
Nếu các đại lý của chính Viettel “bắt tay” với các nhà kinh doanh dịch vụ trên mạng internet (chẳng hạn tải nhạc hoặc hình ảnh về máy ĐTDĐ qua tin nhắn) thì họ sẽ thu được nguồn lợi lớn còn Viettel thiệt đơn thiệt kép.
Thứ nhất, thuê bao của Viettet chỉ là ảo. Thứ hai, kho số máy ĐTDĐ của Viettel bị chiếm dụng.
Thứ ba, thiệt hại về kinh tế. Nếu việc cấu kết xảy ra, chỉ 100.000 sim, Viettel thiệt hại ít nhất 20 tỷ đồng.
Dĩ nhiên đó là phép tính không đơn giản. Đạt tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM (Khoa Tài chính doanh nghiệp) loại giỏi và đã có 4 năm làm nghề kế toán song vẫn chưa dám tin vào sự phát hiện của mình.
Tính toán cẩn thận, anh hoàn thành báo cáo và gửi lãnh đạo của mình. Bằng sáng kiến này, anh đã chặn đứng nguy cơ cấu kết từng xảy ra ở mạng di động khác, tránh cho Tổng công ty khỏi ít nhất 20 tỷ đồng thiệt hại.
Đạt sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang), ba mất khi mới 1 tuổi. Mẹ làm 3 công ruộng nuôi Đạt và người anh ăn học. Nhưng cái nghèo cũng cho Đạt sự chăm chỉ, tự lập. Những năm ở trọ học đại học. Đạt tự lo được tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày bằng việc dạy kèm. |
Khi còn sinh viên, năm 2003, Nguyễn Quốc Đạt đã được Quỹ sáng tạo KH-KT VIFOTEC trao giải Nhì cho đề tài nghiên cứu “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu dự báo khủng hoảng tài chính trong phạm vi một quốc gia” (đề tài thực hiện cùng 2 bạn học là Đoàn Minh Thiện và Lê Thanh Minh).
Đạt còn có một số sáng kiến khác đang được lãnh đạo nghiên cứu để áp dụng. Đạt kể, Chi nhánh Tiền Giang của Viettel năm 2006, bình quân mỗi người làm ra doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Năm 2007 này, dự kiến phát triển cơ sở vật chất gấp đôi hiện có và về người tăng gấp rưỡi, còn năng suất phấn đấu cao hơn. Nghe chàng trai 27 tuổi không bia, rượu, thuốc lá, say sưa nói về công việc, về sự đoàn kết nội bộ để vượt qua các thách thức, tôi lại phần nào hiểu được nguyên nhân thành công của Viettel.