Sáng kiến hội nhập khu vực ASEAN: Tình hình triển khai và những đánh giá bước đầu
1. Sáng kiến hội nhập khu vưc ASEAN (IAI)
Trong những năm qua, vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN đã và đang trở thành một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, trong đó bao gồm bản thân chính các nhà lãnh đạo ASEAN, các nước đối tác, các tổ chức phát triển và đặc biệt là các nhà nghiên cứu. Dưới góc độ hội nhập khu vực và tiến tới hình thành nền cộng đồng chung ASEAN, vấn đề chênh lệch khoảng cách phát triển đang là một rào cản lớn cho tiến trình này. Các nỗ lực hỗ trợ các nước ASEAN trong việc thu hẹp chênh lệch phát triển được thưc hiện bằng các hiệp định, chương trình và dự án khác nhau. Việc thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), khu vực đầu tư ASEAN (AIA), đặc biệt là việc hướng tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với sự tự do di chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, lao động có kỹ năng và một phần về vốn là những nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững của các quốc gia trong khu vực. Việc thực hiện thành công các quá trình này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững trong khu vực. ASEAN đã có những chương trình cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên, trong đó, tiêu biểu nhất là Sáng kiến về hội nhập ASEAN (IAI) và Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) – những chương trình và kế hoạch chủ chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực.
Sáng kiến về hội nhập ASEAN được thông qua không chính thức trong năm 2000 với mục tiêu là thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các nước ASEAN, hỗ trợ các thành viên mới là các nước CLMV hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế khu vực và giảm nghèo đói. Kế hoạch này chính thức được phê duyệt tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN năm 2001 thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển để hội nhập sâu hơn vào ASEAN: Các bộ trưởng đã nhất trí dành những nỗ lực và nguồn lực đặc biệt để thúc đẩy hợp tác hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN vì mục tiêu phát triển năng động và bền vững của khu vực và thịnh vượng của nhân dân. Việc đưa ra kế hoạch hành động IAI là sự đáp lời của ASEAN trong việc hỗ trợ các thành viên kém may mắn hơn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập của các thành viên, các nước ASEAN – 6 đã cam kết những khoản đóng góp lớn để nâng mức sống của các nước CLMV với phương châm “Tự cứu – self help”. Các nước ASEAN 6 sẽ giúp các nước thành viên mới tận dụng được những nguồn lực và khả năng sẵn có của mình. Sự đóng góp của các nước thành viên có thể dưới nhiều hình thức như tập huấn, cung cấp các chuyên gia kỹ thuật và trang thiết bị cho các thành viên mới. ASEAN 6 sẽ dẫn đầu để đảm bảo rằng các thành viên mới có thể tham gia vào quá trình phát triển thông qua việc triển khai thực hiện hàng loạt các chương trình huấn luyện đối với một nhóm nòng cốt và nhóm này sẽ dẫn đầu trong những nỗ lực phát triển. Những nỗ lực phát triển chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự hội nhập nhanh chóng hơn của ASEAN.
Kế hoạch hành động IAI cho CLMV tập trung vàp các lĩnh vực ưu tiên về: (i) Phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông và năng lượng); (ii) Phát triển nguồn nhân lực (tăng cường năng lực lao động, việc làm và giáo dục đại học cao đẳng); (iii) Nâng cao trình độ công nghệ ICT; và (iv) Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực (thương mại hàng hoá và dịch vụ, hải quan, các tiêu chuẩn và các dự án đầu tư) trong các nước CLMV. Kế hoạch hành động này dự định sẽ đựoc thực hiện trong 6 năm (tháng 7/2002 – tháng 6/2008).
Mục tiêu trong phát triển cơ sở hạ tầng là nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, hiệu quả và chất lượng của mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của CLMV và tăng tính cạnh tranh, hội nhập kinh tế khu vực.
Nguồn nhân lực yếu kém về năng lực vốn có của các nước CLMV cùng với sự yếu kém hoặc không có của chính sách, thể chế và cơ sở pháp lý khiến cho các nước này gặp khó khăn để tăng năng suất sản xuất, nó cũng kiềm chế hiệu quả và khả năng sử dụng tốt những nguồn viện trợ nước ngoài. Kế hoạch hành động sẽ tăng cường năng suất sản xuất của các nước CLMV thông qua việc cải thiện môi trường và tăng cường khả năng cung ứng.
Thông tin và công nghệ viễn thông là phương tiện và là cơ hội cần thiết đối với các nước CLMV để tạo ra bước nhảy lịch sử của sự phát triển. Cùng với sáng kiến ASEAN điện tử, các nước CLMV sẽ có những chính sách, thể chế và khung pháp luật và quy định và Kế hoạch IAI sẽ giúp họ thực hiện tiến trình này. Kỷ nguyên thông tin là cơ hội để các nước phát triển hơn có khả năng đi xa hơn và thậm chí là dẫn đầu. Điều đó có nghĩa là ASEAN phải thực sự nỗ lực để giúp các nước CLMV trong lĩnh vực ICT và nhờ đó khoảng cách ICT sẽ không bị mở rộng thêm.
Mục tiêu phát triển trong hội nhập kinh tế khu vực là xây dựng năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực của các nước CLMV. Mục tiêu này nhằm xúc tiến hội nhập kinh tế khu vực trong ASEAN, đặc biệt là trong những khu vực của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN bao gồm cả thủ tục hải quan và các tiêu chuẩn, Khu vực đầu tư ASEAN và tự do hoá thương mại trong lĩnh vực dịch vụ.
Với 4 nội dung chính này, IAI hy vọng sẽ mang lại những bước cải thiện nhất định trong quá trình phát triển của CLMV nói riêng và cải thiện quá trình hội nhập và phát triển của khu vực nói chung.
2. Tình hình triển khai thực thi sáng kiến IAI trong khu vực
Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) được hiện thực hoá thông qua kế hoạch hành động IAI. Xuất phát điểm của kế hoạch này khi được thông qua năm 2002 bao gồm 48 dự án tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực ưu tỉên được xác định trong Tuyên bố Hà Nội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã có nhiều sự biến đổi và mở rộng. Đến 18/12/2005, theo kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ kế hoạch thì bao gồm 107 dự án và sau đó tiếp tục mở rộng và triển khai thêm trên cơ sở những khuyến nghị của báo cáo đánh giá giữa kỳ (MTR). Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2008, kế hoạch IAI đã bao gồm 203 dự án tại nhiều chu kỳ thực thi khác nhau trong đó có 158 dự án đã được cấp toàn bộ tiền tài trợ chiếm 77,8%. Trong số những dự án đã được cấp toàn bộ kinh phí thì có 116 dự án đã hoàn thành. Đối với những dự án được cấp trên cơ sở đề xuất của đánh giá giữa kỳ thì có 18 dự án đã hoàn thành, 19 dự án đang trong quá trình thực hiện và 2 dự án đã được cấp kinh phí và đang chuẩn bị kế hoạch triển khai, 10 dự án khác đã phù hợp với lộ trình và 18 dự án vẫn còn chưa xin tài trợ.
Nếu chỉ xét trên cơ sở số lượng dự án thì chúng ta thấy các dự án IAI trong thời gian qua tập trung nhiều nhất vào phát triển nguồn nhân lực, tiếp đến là hội nhập kinh tế khu vực với các dự án ưu tiên cho phát triển thương mại hàng hoá và dịch vụ. Cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin cũng là 2 mảng nhận được khá nhiều sự quan tâm với số lượng dự án tương ứng là 24 và 31 dự án chiếm 11.82 và 15,27%. Trong 7 nhóm chương trình/dự án IAI thì tập trung nhiều nhất vào phát triển nguồn nhân lực với tổng số 69/203 dự án, trong nhóm này xây dựng năng lực cho khu vực công chiếm được đầu tư khá nhiều. Nếu nhìn theo tiến độ dự án và khả năng thu hút tài trợ thì nhóm này cũng là nhóm có tỷ lệ tài trợ cao nhất, chỉ 4/9 dự án thiết kế chưa nhận được tài trợ. Hiện trạng này cũng khá khả quan với nhóm dự án công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở hạ tầng. Mảng hội nhập kinh tế cũng thu hút được 53 trong đó có 44 dự án đã nhận được tài trợ hoặc cam kết tài trợ. Các dự án hội nhập kinh tế chủ yếu tập trung vào các mảng thương mại hàng hoá và dịch vụ. Ngược lại với tình hình khả quan của các lĩnh vực khác, nghèo đói và chất lượng sống lại là vấn đề ít nhận được sự quan tâm hơn cả. Toàn bộ chương trình IAI tính đến 15.5/2008 cũng chỉ có 5 dự án được thiết kế, trong đó có đến 3 dự án chưa nhận được cam kết tài trợ và có 2 dự án đang trong quá trình thực thi.
Xét về nguồn vốn đầu tư cho các dự án IAI, các nước ASEAN – 6 đã đóng góp 30,98 triệu USD cho kế hoạch IAI. Trong đó dẫn đầu là Xingapo với 33 dự án tương ứng với 73,64% tổng số nguồn vốn đầu tư. Mặc dù Malaixia là nước có số dự án IAI tài trợ nhiều nhất (58 dự án) nhưng xét về số vốn đầu tư thì chỉ đứng thứ 2 tương ứng 15,57%. Đây là 2 nước chủ đạo nhất trong khối các nước ASEAN mới trong quá trình hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, nếu so sánh với số tiền tài trợ của các nước ASEAN – 6 cho nhóm CLMV theo những thoả thuận song phương giai đoạn 1992-2008 thì số tiền mà ASEAN – 6 tài trợ cho CLMV trong Kế hoạch IAI cũng gần tương đương. Đây là dấu hiệu cho thấy những cam kết của ASEAN – 6 hỗ trợ cho các nước thành viên mới hay xu hướng thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN là một yêu cầu tất yếu mà nếu không có IAI thì nó vẫn tiến triển. Tuy nhiên giá trị lớn lao IAI mang lại đó là, những hoạt động trong khuôn khổ IAI sẽ mang tính hệ thống và tập trung hơn. Trong khi nếu theo quan hệ song phương thì sẽ có nhiều vấn đề về đánh đổi lợi ích bên trong mỗi hoạt động.
Ngoài những đóng góp của ASEAN – 6 để hỗ trợ CLMV trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển thì kế hoạch IAI còn thu hút được sự quan tâm tài trợ của 12 đối tác và các tổ chức phát triển. Tính đến 15/5/2008 các nước đối thoại và tổ chức phát triển đã hỗ trợ IAI 62 dự án với tổng số tiền lên đến 20,12 triệu USD. Trong số đó thì Nhật Bản luôn là nước dẫn đầu cả về số dự án và tổng số tiền đầu tư, tiếp đến là Hàn Quốc, Na Uy, Ấn Độ và châu Âu. Chỉ tính riêng 5 nước này đã chiếm 87,3% vốn tài trợ tương ứng với 17,65 triệu USD.
3. Những đánh giá bước đầu của việc thực thi sáng kiến IAI đối với sự phát triển của ASEAN
Để có thể đánh giá những kết quả của việc thực thi sáng kiến hội nhập khu vực là một công việc khó khăn, như đã đề cập ở phần đầu của đề tài, IAI được triển khai thông qua Kế hoạch IAI với một loạt các chương trình dự án trên 4 lĩnh vực cơ bản, với 7 nhóm là phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông và năng lượng); phát triển nguồn nhân lực (xây dựng năng lực của khu vự công. Lao động việc làm, giáo dục trình độ cao); công nghệ thông tin; Hội nhập kinh tế khu vực (thương mại hàng hoá và dịch vụ, hải quan, các tiêu chuẩn, đầu tư); Du lịch, nghèo đói và chất lượng sống và một số dự án chung mang tính điều phối. Đối với từng chương trình dự án thì đều có những mục tiêu và đầu ra cụ thể. Tuy nhiên trong khuôn khổ kế hoạch IAI, mục tiêu cuối cùng của các chương trình/ dự án này đều phải đóng chung cho mục tiêu của sáng kiến IAI.
Theo ý kiến đánh giá của nhóm chuyên gia thực hiện đánh giá giữa kỳ kế hoạch IAI, thì hầu hết các dự án IAI đều tập trung vào 4 lĩnh vực chính mà kế hoạch đã đề ra và đều mang lại những kết quả nhất định cho đối tượng hưởng lợi của dự án mà chủ yếu ở đây là các nước CLMV. GDP của các nước ASEAN thời kỳ 2002-2007 liên tục tăng trưởng về quy mô và tốc độ tăng trưởng được giữ ở mức khá ổn định, trong đó tốc độ tăng trưởng của nhóm CLMV luôn cao hơn các nhóm nước ASEAN cũ. Hiện trạng trao đổi thương mại của nhóm CLMV trong những năm qua cũng tương đối khả quan trừ Cămpuchia chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thương mại 8,8%/năm giai đoạn 2005-2006. Các nước còn lại đều đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 2 con số, trong đó quốc gia tạo dấu ấn đặc biệt là Việt Nam và Mianmar đạt tăng trưởng thương mại lên tới 26,3 và 18,4% (Theo Thống kê ASEAN, http://www.ASEANsec.org/18135.html).
Xét về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở quy mô vốn thì nhìn chung khối ASEAN đều đang duy trì được đà tăng trưởng tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào từng nước để xác định độ mở và hội nhập kinh tế thì có rất nhiều sự khác biệt. Trong khối ASEAN, trong khi Lào nổi lên là một địa chỉ hấp dẫn trong thu hút FDI thì tình trạng lại xảy ra hoàn toàn ngược lại với Mianma do những vấn đề về chính trị, thể chế và nền tảng của phát triển.
Về cơ sở hạ tầng, nếu tính riêng các dự án của IAI thì đã xây dựng và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng của CLMV nhưng so với nhu cầu nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của các nước này thì những đầu tư của IAI chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông của các nước CLMV lại được cải thiện một cách đáng kể. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ viễn thông và tỷ lệ công dân internet tại các nước ASEAN mới và ASEAN đều gia tăng nhanh chóng.
Một trong 4 lĩnh vực khác của IAI là nâng cao năng lực cho các nước ASEAN mới đã được triển khai khá rầm rộ và tập trung nhiều vào các khu vực công, tuy nhiên tác động của nó thì chưa rõ trong thời gian này một phần vì quy mô của các dự án này chưa đủ lớn, phần còn lại là do hiệu ứng của nâng cao năng lực đối với hệ thống hành chính công đòi hỏi phải có thời gian. Dù vậy thì ở một chừng mực nào đó, tỷ lệ những cán bộ lãnh dạo và chuyên viên của các nước ASEAN được tiếp cận với kiến thức mới đã được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi xét về mặt chất lượng và tính bền vững của dự án mới. Trong quá trình thiết kế và thực thi dự án, yếu tố có tính tham gia của các nước CLMV rất thấp, đặc biệt là trong khâu thiết kế dự án. Đây chính là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thiếu phù hợp giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của các dự án IAI. Ngoài ra đây cũng là nguồn gốc để đảm bảo cho tính sở hữu của các nước nhận hỗ trọ trong các dự án IAI. Với thiết kế và quản lý, điều phối dự án như hiện nay, tính sở hữu của CLMV trong các dự án này là rất thấp. Tính sở hữu của CLMV đối với các dự án IAI là một trong những tiêu chí quyết định sự thành công của các dự án. Điều này có nghĩa là các nước CLMV vẫn phải tham gia vào tất cả các giai đoạn của một chu kỳ dự án, từ hình thành ý tưởng, thực thi, giám sát và đánh giá. Điều đó cũng có nghĩa là các nước CLMV phải có những đóng góp nhất định vào các dự án IAI bằng tiền hoặc công sức để đảm bảo sự thành công của các dự án IAI.
Điều phối kế hoạch IAI cũng là một vấn đề cần cân nhắc để đảm bảo sự thành công của các dự án IAI. Hiện nay đã có một bộ phận IAI được thành lập trong ban thư ký ASEAN để phụ trách hoạt động này. Tuy nhiên vấn đề điều hoà và phối hợp tất cả hoạt động trong một chương trình lớn và chi tiết như IAI dường như phức tạp hơn dự kiến. Điều này phản ánh qua quan hệ giữa các nước CLMV và nhóm hành động IAI cũng như với Bộ phận IAI của Ban thư ký ASEAN; mối quan hệ giữa các nước ASEAN cũ và mới và với những đối tác đối thoại và các tổ chức phát triển; và mối quan hệ giữa bản thân các nước ASEAN- 6 trong việc quyết định và triển khai các dự án hỗ trợ CLMV.
Phạm vi của IAI hiện nay đang bị bó hẹp trong 4 lĩnh vực ưu tiên trong khi các nước CLMV còn rất nhiều vấn đề khẩn thiết khác cần phải giải quyết để có thể bắt nhịp được với các nước ASEAN cũ lại chưa được đặt ra hay ít được quan tâm.
Đối với các chương trình đào tạo, tập huấn và huấn luyện kỹ năng mềm thì vấn đề về tính toàn diện, bao quát và đặc thù của từng nội dung cũng chưa thực sự phù hợp với điều kiện chung của các nước ASEAN mới, chưa tính đến rào cản về ngôn ngữ là một trong những cản trở vô cùng lớn.
Một điểm đáng chú ý khác của kế hoạch IAI hiện nay, các chương trình dự án trong IAI chỉ tập trung hỗ trợ cho các nước ASEAN 6 bao gồm Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN là Brunây – Inđônêxia – Malaixia – Philippin (BIMP-EAGA) và tam giác tăng trưởng Inđônêxia – Malaixia – Thái Lan (IMG-GT).
Nhìn chung, dù còn nhiều vấn đề tồn đọng nhưng IAI đã mang lại những khởi sắc mới cho các nước CLMV trong quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN cũ. Đây là một tiến trình lâu dài không thể nóng vội vì cùng với sự phát triển của các nước ASEAN mới thì các nước ASEAN cũ với những nền tảng phát triển tốt hơn đã có những bước tiến dài trên con đường phát triển. Nhận thức được điều này, tại Diễn đàn hợp tác phát triển chủ đề Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam ngày 12-13/6/2007 đã đề xuất Kế hoạch hành động IAI giai đoạn 2 thời kỳ 2008-2015. Mục tiêu chiến lược của chương trình mới giai đoạn 2 sẽ tập trung vào hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển tại những khu vực nghèo và kém phát triển của các nước ASEAN.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, kế hoạch IAI lần thứ nhất đã kết thúc và bước đầu sẽ mở ra một giai đoạn tiếp theo của kế hoạch lần 2 với mục tiêu cuối cùng của IAI là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN để tiến tới hội nhập ASEAN sâu rộng hơn và đến năm 2015 sẽ tiến tới hình thành nên một cộng đồng chung ASEAN. Với những nỗ lực chung của khu vực, bản thân mỗi quốc gia trong ASEAN cũng đang tìm hướng đi riêng cho mình để phục vụ cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Đây cũng là xu thế tự nhiên vốn có của phát triển nhưng cũng chính là thách thức cho những nước và vùng kém phát triển của khu vực và là rào cản của quá trình hội nhập khu vực. Quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước đòi hỏi những nỗ lực chung trên rất nhiều phương diện và bằng rất nhiều công cụ, biện pháp mà trong đó IAI chỉ là một. Vấn đề của ASEAN thì còn nhiều nhưng tin tưởng rằng với những nỗ lực chung của khu vực và riêng của mỗi quốc gia hiện nay thì ASEAN sẽ dần dần xích lại gần nhau hơn vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN.
Kết kuận
Hội nhập khu vực là một công việc vô cùng khó khăn đối với ASEAN nhưng lại là xu hướng tất yếu của thời đại. Nếu các nước ASEAN muốn phát triển thì không thể đứng riêng lẻ hoặc chỉ có những quan hệ song phương với nhau. Do vậy các nước ASEAN đã cùng nhau quyết tâm hiện thực hoá quá trình hội nhập này thông qua hàng loạt biện pháp và chương trình cụ thể mà IAI là một trong những công cụ đó.
Tính đến nay tiến trình IAI đã đi được hết giai đoạn đầu, nghĩa là thực hiện xong kế hoạch IAI lần thứ nhất nhưng hiệu quả và những tác động của nó thì còn là vấn đề để chúng ta cần suy ngẫm mà trong phạm vi đề tài này tôi chỉ dừng lại ở những nhận định ban đầu mang tính gợi ý cho những nghiên cứu kế tiếp.
Trước hết, đó là bản chất của ý tưởng IAI là để thu hẹp khoảng cách phát triển nhưng với hàm ý sâu xa là kêu gọi nguồn lực của cộng đồng quốc tế giúp sức cho ASEAN bên cạnh những nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, ý tưởng này dường như không nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như mong đợi.
Về vấn đề ASEAN - 6 hỗ trợ các nước mới CLMV trong khuôn khổ IAI nhưng về bản chất vẫn tồn tại dưới những hình thức của quan hệ song phương. Điều đó có nghĩa là tiềm ẩn sau những hoạt động hỗ trợ của nhóm ASEAN - 6 để thúc đẩy sự phát triển của CLMV vẫn là những toan tính lợi ích quốc gia trên lợi ích khu vực
IAI chọn ra 4 vấn đề ưu tiên, tuy nhiên những vấn đề này ít nhiều lại có trong những chương trình hợp tác phát triển khác của IAI, đặc biệt liên quan đến hội nhập kinh tế. Trong khi đó, các nước CLMV có rất nhiều vấn đề nổi cộm như là đói nghèo và chất lượng sống thì lại không được quan tâm.
Một vấn đề khác của IAI đó là tính sở hữu, hay sự tham gia của các nước CLMV trong các dự án IAI rất thấp, do đó hiệu quả của dự án không đạt được như mong đợi. Cuối cùng và trên hết là cách thức thiết kế của các dự án IAI chưa thực sự phù hợp với điều kiện và nhu cầu của các nước được hỗ trợ, do đó mặc dù các dự án IAI đều đã đạt được những kết quả nhất định và được các nước CLMV thể hiện sự hài lòng nhưng nếu so sánh hiệu quả và chi phí thì chưa thực sự tốt như mong đợi.