Sáng kiến giúp tăng giá trị quả vải
Nguyễn Xuân Tình (SN 1977), hiện đang là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã vùng cao Tân Sơn - Lục Ngạn. Sinh ra và lớn lên ở xã Tiên Lục - Lạng Giang nhưng sau khi tốt nghiệp sư phạm Sinh, khoá 18 - Trường Cao Đẳng sư phạm Bắc Giang, anh được phân về công tác ở huyện Lục Ngạn.
Lập nghiệp trên vùng đất vải thiều, ngoài việc phấn đấu cho sự nghiệp sư phạm, anh Tình còn luôn trăn trở với bà con nông dân trong việc tìm đầu ra tiêu thụ cho quả vải. Vì thế tranh thủ những vụ nghỉ hè rảnh rỗi, hơn chục năm qua, anh đã tham gia thu mua vải thiều sấy khô để mang đi tiêu thụ. Cũng nhờ trực tiếp tham gia sấy vải và tiêu thụ quả vải, anh Tình nhận thấy, thời gian thu hoạch quả vải thiều chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tháng nên áp lực tiêu thụ rất lớn.
Ngoài việc tiêu thụ vải thiều tươi – cân hàng hoa, thì kênh tiêu thụ vải thiều sấy khô cũng góp phần quan trọng điều tiết thị trường. Tuy nhiên trong khâu sấy vải khô, do phải đảo vải sấy trên lò nên tỷ lệ quả vải bị dập vỡ khá lớn (thường 50 kg vải sấy bị dập vỡ mất 1kg), chất lượng quả vải sấy không đồng đều và khi sấy xong, chủ lò phải thuê mất rất nhiều lao động trong việc phân loại quả mới mang tiêu thụ được… . Chính vì thế mà tổng chi phí cho hoạt động sấy vải thiều khô tăng lên, tạo áp lực tăng giá thành sản phẩm.
Để khắc phục những hạn chế trên, từ vụ thu hoạch vải năm 2008, Nguyễn Xuân Tình đã bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo máy sàng đa năng phân loại quả vải. Ý tưởng đã có, nhưng công việc chế tạo máy đối với một giáo viên dạy môn sinh học thì không hề đơn giản. Mất nhiều đêm thức trắng nghiên cứu, rồi thuê thợ hàn về trực tiếp gia công từng công đoạn của máy ngay tại lò sấy trong suốt một vụ vải. Có lúc tưởng như đã thất bại, bởi quá trình chế tạo cứ rỡ tung máy ra rồi lại hàn lại. Tốn kém tiền của đã đành nhưng có 5 – 6 thợ hàn nghĩ rằng chiếc máy không thể vận hành được đã bỏ cuộc, nhưng rồi cuối cùng máy sàng đa năng phân loại quả vải cũng được chế tạo thành công.
Máy gồm có ba phần: Phần 1 là khung máy; phần 2 gồm là 3 chiếc sàng có kích cỡ mắt sàng của mỗi chiếc khác nhau, cùng một phễu đổ vải thiều vào và ba phễu hứng sản phẩm ra; phần 3 hệ thống chuyển động gồm một động cơ điện 1,5 KW gắn với trục chuyển động cứng có khớp nối mền. Nguyên tắc hoạt động của máy dựa trên nguyên tắc rung và lắc (như người sàng sẩy), khi cắm động cơ điện vào 3 sàng vừa rung vừa lắc. Theo đó, một sản phẩm vải thiều đưa vào phễu đầu vào sẽ cho ra 4 loại sản phẩm: thứ nhất quả vải to tròn đều loại 1, thứ 2 quả nhỏ hơn loại 2, thứ 3 là cỡ quả nhỏ nhất; còn phần loại ra thứ 4 là phế phẩm gồm cuống quả vải, lá vải và những quả vỡ.
Anh Tình cho biết, cái khó để máy hoạt động hiệu quả là hệ thống sàng phải vừa rung vừa lắc, mắt sàng phù hợp với kích cỡ của quả vải ở địa phương và đặc biệt là những mối hàn khi máy hoạt động phải bền, đẹp.
Sản phẩm vải thiều đưa vào máy sàng đa năng phân loại vải là quả vải đã được sấy sơ bộ. Ba sản phẩm vải thiều được phân loại ở đầu ra của máy sàng được hứng vào các bao lưới, sau đó tiếp tục đưa lên sấy khô hoàn toàn. Việc sử dụng bao lưới trong sấy vải thiều khô cũng là sáng chế quan trọng của anh Tình nhằm bảo đảm cho quá trình sấy nhanh, chất lượng cùi quả vải khô đồng đều, đỡ nhiều công đảo vải trên lò sấy cũng như công đóng sản phẩm vào bao bì, hạn chế tối ưu vải thiều bị cháy và dập vỡ ở công đoạn sấy vải khô hoàn toàn. Vì khi vải thiều đã được phân loại cho vào bao lưới đưa lên lò sấy tiếp, thợ sấy vải khi chỉ cần cầm đầu bao lưới lật ngược lại là xong là đã đảo vải xong. Thao tác này vừa nhanh, vải lại được đảo khô đều và hạn chế cơ bản tình trạng đảo quả vải còn sót lại như đảo thủ công dẫn đến cháy hoặc giẫm chân vào làm vỡ vải.
Ông Bùi Văn Tiệp, chủ lò sấy vải thiều khô vụ vải năm 2014 cho biết; Từ vụ vải năm 2008 đến nay, tôi đã sử dụng chiếc máy sàng đa năng phân loại quả vải cùng công nghệ sấy vải bằng bao lưới do anh Tình sáng tạo.
Thực tế với công suất hoạt động của máy sàng đa năng phân loại quả vải làm việc trong một giờ đã bằng cả 30 nhân công lao động thủ công nhặt vải vất vả trong thời gian cả ngày. Hơn nữa việc sử dụng bưới lưới để sấy vải, số lượng quả vải sấy bị hỏng vì sấy quá lửa và dập vỡ giảm đáng kể. Mặt khác chất lượng quả vải sấy đẹp và đồng đều được khách hàng ưa chuộng nên khi mang vải thiều đi tiêu thụ không bị tư thương ép giá, và luôn bán được giá cao.