Sáng chế thiết thực của thợ sửa máy học hết lớp 3
Đó là ông Nguyễn Cao Thượng, 48 tuổi, ngụ tại ấp Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại An Giang, học hết lớp 3 anh Thượng phải đi làm mướn phụ giúp gia đình. Sau đó, ông chuyển đến thị trấn Vĩnh Thuận (Kiên Giang) để lập nghiệp. Cả gia đình sống nhờ vào tiệm sửa máy nổ nên cuộc sống khá khó khăn.
Để người dân không còn ngộ độc khi phun thuốc
Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh người dân nơi đây bị ngộ độc khi phun thuốc trừ sâu bằng cách thủ công, ông đã quyết tâm tạo ra được dụng cụ gì đó có ích cho người nông dân. Đó chính là chiếc xe phun thuốc đa năng. Xe không những được dùng để phun thuốc trừ sâu mà nó còn được sử dụng để sạ lúa, bón phân, cắt gốc giạ (rơm), thu gom rơm rác - tất cả đều được tự động hóa.
Ban đầu, anh sử dụng máy sạ lúa dùng nhiên liệu dầu diezel để chạy, nhưng chiếc xe khá cồng kềnh và khó di chuyển, nhất là ở vùng ruộng trũng. Vậy là ông có ý tưởng tạo một chiếc xe nhỏ, gọn, dễ di chyển và làm việc với công suất cao.
Anh tận dụng động cơ xe máy Honda để bơm hút nước, xịt thuốc. Những phần tiếp xúc với hóa chất sẽ được làm bằng inox để không bị hóa chất phá hủy. Mọi công việc của xe sẽ được làm tự động từ việc lấy nước, pha thuốc. Với chiếc xe đa năng này thì chỉ cần 1 người vận hành.
Kết quả là, đối với công việc phun thuốc, công suất của máy đạt 30.000m2/giờ, năng suất bơm thuốc từ 20-200lít/1.000m2, cần xịt thuốc dài đến 20m và gắn 60 vòi phun. Nếu dùng xe máy này phun thuốc thuê cho bà con thì có thể thu 2 triệu đồng/ ngày.
Xe phun thuốc của ông Thượng được bà con nông dân đánh giá rất cao, bởi ưu điểm của xe: dễ vận hành trên tất cả mọi cánh đồng, an toàn cho người sử dụng khi phun thuốc, năng suất cao, giá thành rẻ (từ 15 - 40 triệu đồng, tùy theo loại vật liệu mà người dân đặt). Với công suất của nó thì chỉ sau một thời gian ngắn, người dân đã thu hồi được vốn.
Chữa cháy không đòi công xá
Trước đó, ông Thượng đã có sáng kiến chế tạo xe máy cứu hỏa được cải tiến từ chiếc xe Vespa có lắp thêm bộ phận bơm nước để chữa cháy. Nhờ vậy, xe nhỏ, gọn, cơ động, dễ luồn lách, nhất là địa hình vùng sông nước như ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, ông Thượng đã có sáng kiến chế tạo xe máy cứu hỏa được cải tiến từ chiếc xe Vespa
Từ sau khi chế tạo thành công vào năm 2010 đến nay, chiếc xe máy đa năng này đã dập được 4 vụ hỏa hoạn tại địa bàn tỉnh Kiên Giang. Vụ mới nhất là vào giữa năm 2012, khi lửa đang "thiêu" xe tải rác của Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang. 15 phút sau, ông Thượng đã có mặt cùng chiếc xe máy chữa cháy và dập tắt ngọn lửa kịp thời.
"Trước đây, mỗi lần chứng kiến hỏa hoạn, tôi chỉ biết đứng trân mà nhìn lửa thiêu cháy tài sản. Lúc đó, tôi chỉ ước trong tay mình có một thiết bị nào đó có thể dập tắt hỏa hoạn ngay lập tức", ông Thượng chia sẻ. Chiếc xe máy cứu hỏa cũng giống như những chiếc xe máy bình thường khác, chỉ có điều nó được gắn thêm một số thiết bị chữa cháy như: máy bơm, dây curoa, đèn chiếc sáng, và còi hụ ưu tiên.
Theo ông Thượng, sau khi thiết kế ra rồi trông chiếc xe máy cứu hỏa đơn giản lắm, nhưng lúc mày mò chế tạo nó thì rất khó khăn. Chẳng hạn, lúc đầu vòi phun nước chỉ cao được có 5m. Vậy phải làm thế nào để vòi phun nước có thể chữa cháy với độ cao khoảng 30m - 40m, rồi thiết kế làm sao để có thể bó gọn dây dẫn nước 120m đặt trên xe máy. Đó là chưa kể trong quá trình mày mò chế tạo chiếc xe máy cứu hỏa, có người còn dè bỉu anh là làm chuyện “tào lao”.
Hiện anh đã làm thêm 1 chiếc xe máy chữa cháy nữa. Để cải tạo một chiếc xe máy thành xe chữa cháy, tốn kém hết 39 triệu đồng. Xe máy chữa cháy chỉ cần 1 người vận hành. Điều đặc biệt là, anh không hề lấy một đồng nào tiền thù lao chữa cháy của bà con mà chỉ xem đó như một nghĩa vụ cứu giúp người trong cảnh hoạn nạn.
Hiện, cả 2 sản phẩm độc đáo này của ông Thượng đều chưa đăng ký quyền SHTT do thiếu tiền để làm. "Nhưng khi có điều kiện tôi sẽ cố gắng đăng ký để bảo vệ quyền lợi của mình", ông Thượng nói